Ghi nhận động đất ở ngoài khơi Bình Thuận, không thể coi thường động đất ở Việt Nam

Khánh Nguyên (thực hiện) Thứ tư, ngày 15/07/2020 19:06 PM (GMT+7)
Theo TS Nguyễn Xuân Anh (ảnh) - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam), mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Ngày 14/7, đã ghi nhận một trận động đất nhỏ ở vùng biển Bình Thuận.
Bình luận 0
Không thể coi thường động đất ở Việt Nam - Ảnh 1.

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có xảy ra một số trận động đất. Viện Vật lý địa cầu đánh giá gì về vấn đề này?

- Như tôi đã nói, Việt Nam vẫn có mối hiểm hoạ động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn (magnitude) đạt tới 6,7 - 6,8 độ và tương đương đã được ghi nhận trong lịch sử.

Không thể coi thường động đất ở Việt Nam - Ảnh 2.

Động đất làm rơi trần thạch cao tại một trường mẫu giáo ở huyện Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6. Ảnh: L.C.G

Từ kết quả phân tích không gian các chấn tâm động đất cho thấy, khu vực Tây Bắc Việt Nam có mức độ hoạt động động đất mãnh liệt hơn nhiều so các khu vực còn lại ở miền Bắc. Những trận động đất mạnh nhất ghi nhận được trên lãnh thổ Việt Nam tập trung tại khu vực này, trong đó điển hình là hai trận động đất ở Điện Biên năm 1935 (M = 6.7) và Tuần Giáo năm 1983 (M = 6.8).

Thời gian gần đây khu vực miền núi phía Bắc có ghi nhận một số trận động đất trung bình, cụ thể, động đất M = 5.4 xảy ra ngày 25/11/2019 tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; động đất M = 4.9 xảy ra ngày 16/6/2020 tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Trên cơ sở các kết quả phân tích không gian và thời gian về hoạt động động đất khu vực miền Bắc Việt Nam và lân cận chứng tỏ đây là khu vực có tính động đất cao.

Với những nguy cơ có thể xảy ra động đất, Viện Vật lý địa cầu đã triển khai những giải pháp gì để công tác dự tính, dự báo ngày càng chính xác?

- Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam, trong đó hạng mục quan trắc động đất là 40 đài, trạm địa chấn.

 Đây là nền tảng cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ở Việt Nam.

 Tại Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý địa cầu, chế độ trực ca được duy trì suốt ngày đêm để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất - sóng thần. Các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 phút sau khi động đất xảy ra.

Vào hồi 23 giờ 23 phút 54 giây (giờ GMT) ngày 14/7 tức 6 giờ 31 phút 54 giây (giờ Việt Nam), một trận động đất có độ lớn 4.0 đã xảy ra ở vị trí có tọa độ 10.398 độ vĩ Bắc, 108.295 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra ngoài khơi biển tỉnh Bình Thuận.

Đây là trận động đất nhỏ, ghi nhận được bằng máy, nằm ở cách xa khu dân cư nên không có gì nguy hại.

Theo quy chế của Chính phủ, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ trở lên sẽ được Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất, trong đó các cơ quan được cấp báo đầu tiên là Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm ứu nạn.

Ngoài ra, tất cả các trận động đất được phát hiện, dù có độ lớn dưới mức độ phải thông báo chính thức cũng được thông báo ngay lập tức sau khi phát hiện trên website của viện.

Trải qua hơn một thập kỷ hoạt động, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã phát hiện và thông báo 356 trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam hoặc có ảnh hưởng tới Việt Nam, với độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 6.1 độ theo thang Mô men. 

Ngoài ra, Trung tâm còn xử lý nhiều trận động đất nhỏ hơn phục vụ việc nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất cho các vùng trọng điểm khu vực núi phía bắc như đập thủy điện, các công trình, khu vực trọng điểm.

Trên cơ sở những nhận định và đánh giá về tình hình động đất ở Việt Nam, ông có khuyến cáo gì cho các địa phương?

- Mặc dù cho đến nay, thiệt hại về người và tài sản do động đất gây ra tại nước ta nói chung và khu vực vùng núi phía Bắc nói riêng là không đáng kể so với thiệt hại do các thiên tai khác như bão, lụt, hỏa hoạn..., song sẽ thật là sai lầm nếu coi nhẹ các hiểm họa động đất.

Theo đánh giá, khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Sơn La… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai.

 Do vậy, theo tôi, ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tốt công tác trực báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, thông báo kịp thời thông tin về động đất và sóng thần ở Việt Nam theo quy chế.

Thực hiện dự án phân vùng rủi ro động đất và sóng thần theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, báo tin động đất và phòng chống động đất. 

Triển khai quan trắc động đất, trong đó có hệ thống cảnh báo sớm động đất và nghiên cứu đánh giá chi tiết hoạt động động đất khu vực vùng núi phía Bắc...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem