Giá cà phê hôm nay tại thị trường nội địa đảo chiều, giảm 200 đồng/kg so với hôm qua. Trong ảnh: Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. Nguồn: I.T
Giá cà phê hôm nay 5/1 đảo chiều
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sau khi tăng tới nửa triệu đồng/tấn trong phiên giao dịch hôm qua, sáng nay giá cà phê nhân xô tại khu vực Tây Nguyên lại đảo chiều giảm theo giá cà phê thế giới.
Cụ thể, giá cà phê tại các vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên đồng loạt giảm 200 đồng/kg, theo đó giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk giảm còn 34.000 đồng/kg; giá cà phê tại các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai lần lượt còn 33.600 và 33.700 đồng/kg. Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê nguyên liệu giảm về mức 33.100 đồng/kg.
Tại cảng TP.Hồ Chí Minh, giá cà phê xuất khẩu sáng nay điều chỉnh giảm 11 USD/tấn theo giá sàn giao dịch quốc tế, chốt ở mức 1.465 USD/tấn, trừ lùi 80 USD/tấn.
Giá cà phê hôm nay 5/1 tại một số thị trường. Nguồn: giacaphe
Trên thị trường kì hạn, giá cà phê robusta tại London giao kì hạn tháng 3/2019 chốt phiên đêm qua giảm 11 USD/tấn còn 1.545 USD/tấn, tương đương mức giảm 0,48%. Tại sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 5/2019 cũng giảm nhẹ, chốt tại mức 104,65 cent/lb, tương đương giảm 0,5 cent/lb.
Giá tiêu hôm nay 5/1 tiếp tục duy trì mức thấp
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, thị trường hồ tiêu hôm nay 5/1 không có biến động ở hầu hết các vùng nguyên liệu. Trong đó, giá tiêu đen tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn ở mức 52.000 đồng/kg; giá tiêu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước ở mức 51.000 đồng/kg, còn tại Gia Lai, Đồng Nai, giá tiêu chỉ còn 50.000 đồng/kg (tiêu đầu giá).
Giá tiêu tiếp tục ở mức thấp, ngang với giá thành sản xuất khiến người trồng tiêu không khỏi lo lắng khi sắp sửa bước vào mùa thu hoạch mới. Các chuyên gia dự báo, lượng cung mùa vụ mới tại Việt Nam sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường hồ tiêu vốn đang dư thừa, khiến giá tiêu có thể sẽ giảm sâu trong quý 1/2019.
Hiện giá tiêu tại Việt Nam đã giảm về ngang với giá thành sản xuất, dự báo thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn cho tới hết năm 2019. Ảnh minh hoạ: T.L
Hiện nhu cầu từ các nước nhập khẩu tiêu vẫn ở mức thấp, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục được bổ sung, nhất là khi Indonesia, Malaysia, Brazil, Sri Lanka đã thu hoạch vụ mới và Việt Nam được dự báo sẽ được mùa năm 2019. Mặc dù nguồn cung toàn cầu năm 2019 được dự báo giảm, nhưng giá tiêu sẽ chỉ có thể phục hồi vào đầu năm 2020.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tháng 12/2018 đạt 12 nghìn tấn, trị giá 39 triệu USD, giảm 4,2% về lượng, nhưng tăng 0,5% về trị giá so với tháng 11/2018, giảm 4,0% về lượng và giảm 27,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 232 nghìn tấn, trị giá 758 triệu USD, tăng 8,1% về lượng, nhưng giảm 32,2% về trị giá so với năm 2017. Tháng 12/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.250 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 11/2018, nhưng giảm 24% so với tháng 12/2017.
Năm 2018, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam chỉ đạt mức 3.261 USD/tấn, giảm tới 37,3% so với năm 2017. Còn năm 2016, giá tiêu đen xuất khẩu bình quân đạt tới 7.698 USD/tấn.
Về chủng loại xuất khẩu: Tháng 11/2018, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 8,8 nghìn tấn, trị giá 25,24 triệu USD, giảm 11,7% về lượng và giảm 10,8% về trị giá so với tháng 10/2018.
Xuất khẩu hạt tiêu đen xay giảm 40% về lượng và giảm 34% về trị giá, đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá 5,56 triệu USD. 11 tháng năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 175,38 nghìn tấn, trị giá 541,22 triệu USD; xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt 17,37 nghìn tấn, trị giá 69,85 triệu USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.