Giá cà phê phục hồi trên cả hai sàn, cà phê nội vẫn vững trên 55.000 đồng/kg

15/05/2023 15:56 GMT+7
Giá cà phê thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần hôm nay tăng ở cả hai sàn. Giá cà phê hôm nay (15/5) tại thị trường trong nước ổn định. Theo đó, mức giao dịch cao nhất là 55.300 đồng/kg...

Giá cà phê hôm nay 15/5: Vững trên ngưỡng 55.000 đồng/kg

Giá cà phê trên thị trường biến động tăng ở cả hai sàn. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2023 được ghi nhận tại mức 2.434 USD/tấn, tăng 0,08% (tương đương 2 USD).

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2023 tại New York ở mức 183,75 US cent/pound, tăng 0,49% (tương đương 0,9 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 15h24 (giờ Việt Nam).

Giá cà phê phục hồi trên cả hai sàn, cà phê nội vẫn vững trên 55.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 15/05/2023 lúc 15:24:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê phục hồi trên cả hai sàn, cà phê nội vẫn vững trên 55.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 15/05/2023 lúc 15:24:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê phục hồi trên cả hai sàn, cà phê nội vẫn vững trên 55.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô hôm nay ngày 15/05/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên ổn định, dao động trong khung 54.900 - 55.300 đồng/kg.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 12/5), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu tăng. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao hàng tháng 7/2023 tăng 39 USD, giao dịch tại 2.432 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9 tăng 37 USD, giao dịch tại 2.409 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục giảm. Kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm nhẹ 0,15 Cent, giao dịch tại 182,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm 0,2 Cent, còn 180,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê thế giới khởi động giao dịch đầu tuần qua bằng phiên tăng phục hồi trên sàn London và tiếp tục giảm nhẹ trên sàn New York. Tính chung cả tuần qua, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 39 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 5,2 Cent.

Giá cà phê trở lại xu hướng tăng thể hiện xu hướng đầu cơ khá khác biệt trên các thị trường kỳ hạn thế giới ngay trước thềm vụ mùa ở Brazil đã khởi đầu thu hoạch ở những vùng trồng Conilon Robusta và tiếp sau vài tháng là các vùng trồng cà phê Arabica. Các thương nhân tiếp tục tìm kiếm nguồn cà phê Robusta, trong khi nguồn cung từ nông dân Việt Nam dường như đã cạn kiệt. Giá cà phê Robusta đã ra khỏi vùng quá mua trên sàn sau ngày giảm mạnh, đầu cơ tiếp tục coi Robusta làm nơi trú ẩn.

Giá cà phê nhân xô hôm nay ngày 15/05/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên ổn định, dao động trong khung 54.900 - 55.300 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có mức giá cà phê thấp nhất là 54.900 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với giá 55.200 đồng/kg cà phê. Hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk ghi nhận mức giao dịch cà phê là 55.300 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.

Giá cà phê phục hồi trên cả hai sàn, cà phê nội vẫn vững trên 55.000 đồng/kg - Ảnh 4.

Nhận định về giá cà phê tuần này, các chuyên gia cho rằng Robusta phục hồi tốt, còn Arabica có thể lại đà tăng.

Nhận định về giá cà phê tuần này, các chuyên gia cho rằng Robusta phục hồi tốt, còn Arabica có thể lại đà tăng. Tuần này sẽ có nhiều phát biểu mang tính định hướng của các quan chức Mỹ về tương lai nền kinh tế thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá Arabica trên sàn New York. Trong khi đó nguồn cung thiếu hụt tiếp tục giúp Robusta tăng.

Quý I/2023, giá cà phê thế giới biến động theo xu hướng tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn. Xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2023, song đà tăng giá chậm lại trong các phiên từ ngày 26 – 28/4/2023. Lo ngại rủi ro tăng cao khi báo cáo GDP quý I/2023 của Mỹ thấp hơn dự kiến có thể làm nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm khiến các giới đầu cơ dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường chứng khoán đang có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.

Dự báo 2 tháng còn lại của quý II/2023, tốc độ tăng giá cà phê có thể chậm lại do các yếu tố vĩ mô không thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo không có nhiều khả quan trong năm nay. Thị trường đã chứng kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất USD lên thêm 0,25 điểm phần trăm tại phiên họp điều hành đầu tháng 5, góp phần gia tăng gánh nặng cho việc đầu cơ hàng hóa, giúp giá vàng và dầu thô hồi phục, tác động tiêu cực lên giá cà phê.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu cà phê của các thị trường Mỹ, Anh, Nhật Bản giảm so với cùng kỳ năm 2022. Kinh tế khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, bất ổn trên thị trường tài chính được cho là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhiều nền kinh tế lớn giảm. 

Ngược lại, trị giá nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu và Canada tăng trong những tháng đầu năm 2023. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, tháng 1/2023, EU nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt xấp xỉ 1,74 tỷ EUR (tương đương gần 1,92 tỷ USD), tăng 14,7% so với tháng 1/2022. Trong đó, EU nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 126 triệu EUR (tương đương 139 triệu USD), tăng 35,4% so với tháng 1/2022. 

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của EU từ thế giới chiếm 7,23% trong tháng 1/2023, cao hơn so với 6,1% thị phần trong tháng 1/2022. 

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo, niên vụ 2022/2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc cùng với lạm phát ở mức cao sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới. Do đó, ICO dự báo tăng trưởng tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ chậm lại trong niên vụ 2022/2023, với mức tăng 1,7% lên 178,5 triệu bao. Trong đó, tiêu thụ cà phê của châu Âu được dự báo chỉ tăng 0,1% trong niên vụ 2022/2023, sau khi tăng 6% trong niên vụ trước. 

Mặc dù vậy, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thiếu hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thiếu hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022/2023. Điều này có khả năng sẽ hỗ trợ cho giá cà phê thế giới tăng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 163.607 tấn, trị giá 398,8 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 10% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn giảm 5,5% về lượng và 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 716.580 tấn, trị giá hơn 1,63 tỷ USD.

Xuất khẩu cà phê tháng 4 được thúc đẩy trong bối cảnh giá xuất khẩu mặt hàng này tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, với bình quân 2.437 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế trong 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu cà phê của nước ta đã tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 2.271 USD/tấn.

Về thị trường xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, Philippines… có xu hướng giảm, trong khi các thị trường như Mỹ, Nga, Algeria, Indonesia, Mexico… lại tăng rất mạnh.

Trong đó, EU tiếp tục là khách hàng lớn nhất với khối lượng đạt 284.285 tấn, trị giá 619,2 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu là do lượng cà phê xuất khẩu sang Bỉ đã giảm đến 57,4%, xuống chỉ còn 33.122 tấn so với 77.790 tấn của cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu sang hầu hết thị trường khác trong khu vực lại tăng như: Đức đạt 99.220 tấn, tăng 3,9%; Italy đạt 70.526 tấn, tăng 25,5%; Tây Ban Nha đạt 36.019 tấn, tăng 0,5%… Xét về thị phần, EU hiện chiếm đến 40% về lượng và 38% kim ngạch trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khác cũng giảm trong 4 tháng đầu năm nay như: Nhật Bản giảm 16,2%, Anh giảm 40,4%, Trung Quốc giảm 5,5%...

Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 31,1% lên mức 54.055 tấn và đứng thứ hai về thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam với thị phần 7,5%.

Ngoài ra, lượng xuất khẩu cà phê sang một số thị trường khác cũng tăng mạnh như: Nga tăng 54,4%, Algeria tăng 98,9%, Ấn Độ tăng 68,6%, Hàn Quốc tăng 16%, đặc biệt Indonesia và Mexico tăng đột biến 255,4% và 507,5%...



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục