Giá cà phê Tây Nguyên: "Bốc hơi" thêm 300 đồng/kg phiên cuối tuần

Phạm Hoà Chủ nhật, ngày 05/05/2019 09:39 AM (GMT+7)
Sau 3 phiên liên tục trong xu hướng giảm, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên xuống dốc thấp nhất từ trước tới nay, chốt ở mức 30.000 – 30.900 đồng/kg.
Bình luận 0

Trong tuần 18, thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên có 3 phiên đầu tuần nghỉ lễ, sau đó sụt giảm liên tục trong 3 phiên cuối tuần, mất 1.000 đồng/kg chốt ở 30.000 – 30.900 đồng/kg.

Mức thấp nhất ở 30.000 đồng/kg tại Lâm Đồng, cao nhất là 30.900 đồng/kg chốt tại Đắk Lăk, 30.600 đồng/kg tại Gia Lai và Đắk Nông. Đây là mức thấp kỉ lục trong hơn 1 thập kỉ qua, trong khi nguồn cung cà phê toàn cầu vẫn đang dồi dào, nhu cầu ở mức thấp nên các chuyên gia cho rằng, giá cà phê có thể tiếp tục xấu hơn. 

img

Do giá cà phê giảm sâu, bán cũng bị thua lỗ nên nhiều nông dân đã quyết định trữ cà phê lại, không tiếp tục bán ra. Vì vậy, xuất khẩu cà phê trong quý I năm nay chỉ ở mức hơn 480.000 tấn. Ảnh minh hoạ: I.T

Cây cà phê có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế đối với Tây Nguyên là vậy nhưng do phát triển diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và thiếu bền vững, đặc biệt là việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ.

Theo TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), với trên 90% diện tích cà phê của Việt Nam được trồng bằng cây thực sinh không qua chọn lọc nên năng suất thấp, chất lượng hạt kém. Bên cạnh đó quy trình kỹ thuật chăm sóc cà phê không đúng đã dẫn tới cà phê giảm nhanh về năng suất, chất lượng.

Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó cà phê già cỗi (năng suất dưới 1,5 tấn/ha, độ tuổi trên 25 năm, cây sinh trưởng phát triển kém) đang tăng nhanh. Mặc dù thời gian qua, việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên đã được đẩy mạnh nhưng một thực tế là diện tích cà phê bị “lão hóa“ vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn.

Mặc dù, thời gian qua người dân và nhất là các doanh nghiệp đã chú trọng đến chất lượng hạt cà phê để nâng cao giá trị xuất khẩu, tuy nhiên, cà phê có chứng nhận mới chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cà phê cả nước, tỷ lệ này còn quá thấp so với cà phê hiện có của Việt Nam.

Thống kê, hiện tại Tây Nguyên diện tích cà phê trên 20 năm tuổi khoảng 86.000 ha, chiếm 15,8%, diện tích cà phê 15-20 năm tuổi khoảng 140.000 ha, chiếm khoảng 25,5%. Việc trồng lại gặp rất nhiều khó khăn, kết quả điều tra của WASI cho thấy tỷ lệ vườn cà phê tái canh thất bại lên tới 38%, gây thiệt hại lớn về tiền bạc và thời gian của người dân. Nguyên nhân là do người dân chưa áp dụng đúng quy trình tái canh của Cục Trồng trọt ban hành.

Trên thị trường thế giới, sau một vụ mùa với sản lượng kỉ lục vào năm ngoái, người trồng cà phê Brazil phải đối mặt với tình trạng dư cung một lần nữa khi vụ mùa này tiếp tục bội thu.

Điều đó nhấn mạnh lí do tại sao các quỹ phòng hộ đang dự báo giá cà phê sụt giảm hơn nữa. Tuy nhiên, những người nông dân đang tích trữ hạt cà phê với hi vọng giá có thể phục hồi, ông Nelson Salvaterra, một nhà môi giới tại Coffee New Selection có trụ sở tại Rio de Janeiro cho biết.

Trong ngắn hạn, chiến lược này có thể gây hại nhiều hơn lợi. Trong khi điều này hỗ trợ giá trong nước, với đà giảm của giá cà phê arabica Brazil trên thị trường tương lai New York chậm lại, nó làm cho mặt hàng này của quốc gia Nam Mỹ đắt hơn nguồn cung từ các đối thủ cạnh tranh, ông Salvaterra nhận định.

Điều đó làm chậm tốc độ xuất khẩu của Brazil sau khi tốc độ xuất khẩu trong mùa này đến hết tháng 2 đạt kỉ lục. Sản lượng xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 3 giảm khoảng 20% so với tháng trước xuống còn khoảng 2,6 triệu bao (60 kg/bao) và tốc độ đó có thể sẽ được duy trì trong tháng 4. Phần lớn xuất khẩu gồm các hợp đồng đã được thỏa thuận trước đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem