Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm, nặng trĩu nỗi lo

20/11/2022 19:54 GMT+7
Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê có xu hướng đi xuống. Vào cuối tuần, các tỉnh thành cả nước ghi nhận mức giảm giá của cà phê hơn 1.000 đồng/kg so với đầu tuần.

Giá cà phê đồng loạt rời ngưỡng 40.000 đồng/kg trong tuần qua

Giá cà phê trong tuần qua có xu hướng đi xuống. So với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm vào cuối tuần giảm tổng cộng 1.100 - 1.300 đồng/kg.

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh giảm 1.100 đồng/kg, hiện thu mua cà phê với mức giá thấp nhất là 39.000 đồng/kg.

Sau khi giảm lần lượt 1.200 đồng/kg và 1.300 đồng/kg, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang giao dịch cà phê với cùng mức giá 39.400 đồng/kg.

Hiện tại, Đắk Lắk và Đắk Nông đang là hai địa phương ghi nhận mức cao nhất, đạt 39.500 đồng/kg, cùng giảm 1.200 đồng/kg.

Dự báo thời tiết vùng cà phê Tây nguyên trong những ngày tới sẽ có mưa trên diện rộng, làm cản trở việc thu hoạch và phơi sấy cà phê, khiến nguồn cung cho thị trường xuất khẩu sẽ bị chậm lại.

Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm, nặng trĩu nỗi lo - Ảnh 1.

Vào cuối tuần, các tỉnh thành cả nước ghi nhận mức giảm giá của cà phê hơn 1.000 đồng/kg so với đầu tuần.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê điều chỉnh giảm nhẹ phiên cuối tuần do lo ngại rủi ro tăng cao, khiến dòng vốn đầu cơ dịch chuyển tìm nơi trú ẩn an toàn… Những phát biểu mới đây của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được thị trường nhận định vẫn có quan điểm cứng rắn và khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn còn, khiến lo ngại rủi ro tăng cao trở lại, thúc đẩy nhà đầu tư tiếp tục tìm nơi trú ẩn an toàn.

Lạm phát và lãi suất tăng mạnh ở các thị trường tiêu thụ chính là động lực kéo giá cà phê kỳ hạn tiếp tục sụt giảm, dòng vốn đầu cơ tiếp tục chảy về Trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn do có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, ngày thông báo đầu tiên (FND) của sàn New York đã đến rất gần - vào thứ hai tuần sau ngày 21/11. Chuyên gia cũng dự báo, giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục đi xuống trước những động thái cứng rắn trong việc tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Trong khi nguồn cung cà phê Arabica từ các nước sản xuất chính tỏ ra dồi dào nhưng lo ngại tiêu thụ sụt giảm làm giảm sức mua. Thị trường Trung Quốc vẫn đóng chặt cửa cũng góp phần làm giá cả hàng hóa duy trì xu hướng tiêu cực.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 18/11), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London giảm nhẹ, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2023 giảm 7 USD (0,39%), giao dịch tại 1.811 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 7 USD (0,39%), giao dịch tại 1.787 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm. Kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 1,4 Cent (0,92%), giao dịch tại 151,3 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 1,25 Cent/lb (0,8%), giao dịch tại 155,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh ở kỳ hạn giao hàng tháng 3.

Rabobank dự kiến thị trường cà phê toàn cầu chuyển từ thiếu hụt nhẹ trong niên vụ 2022/23 thành dư thừa trong niên vụ tới bởi mưa thuận lợi ở Brazil, vượt quá mức trung bình theo mùa trong 45 ngày qua, và sản lượng tăng đáp ứng với giá cao kể từ năm 2020, trong khi nhu cầu dự kiến tăng trưởng yếu.

Tính đến ngày 16/11/2022, dự trữ được ICE chứng nhận đã tăng lên mức 485.369 bao (60kg/bao), cao hơn nhiều so với mức thấp nhất trong 23 năm là 382.695 bao được thiết lập hôm 3/11. Hiện có 577.099 bao cà phê đang chờ được phân loại.

Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021/22 đạt gần 129 triệu bao, giảm 0,4% so với niên vụ 2020/21. Trong đó xuất khẩu cà phê nhân xanh giảm 1,1%, xuống 116,1 triệu bao so với 117,2 triệu bao của niên vụ trước. Ngược lại, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đã tăng 6,1% trong niên vụ 2021/22 lên 12,1 triệu bao. Qua đó nâng tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu lên 9,4%, mức cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay.

Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá

Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá. Lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, trong khi các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đang hướng tới một vụ mùa kỷ lục trong năm 2023.

Những ngày đầu tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm theo giá thế giới. Ngày 9/11/2022, giá cà phê Robusta giảm 1.100 đồng/kg so với ngày 28/10/2022 ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông. Mức giá thấp nhất 39.900 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất 40.500 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông là 40.400 đồng/kg.

Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu thế giới khi trong tháng 10 vừa qua, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt hơn 79,8 nghìn tấn, trị giá 206,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với tháng trước đó do chưa chính thức bước vào giai đoạn thu hoạch của mùa vụ mới.

Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, xuất khẩu cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,4 triệu tấn, với giá trị lên đến gần 3,28 tỷ USD. Như vậy, mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã vượt 0,2 triệu USD so với mức 3,07 tỷ USD của cả năm 2021.

Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm, nặng trĩu nỗi lo - Ảnh 2.

Mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã vượt 0,2 triệu USD so với mức 3,07 tỷ USD của cả năm 2021.

Các yếu tố cơ bản của thị trường cà phê thế giới trong giai đoạn ngắn và trung hạn vốn đã tiêu cực như Brazil được mùa lớn, Việt Nam chuẩn bị ra hàng, đồng nội tệ nhiều nước sản xuất mất giá tạo áp lực chào bán nhiều, giới đầu tư tài chính rút tiền đi kinh doanh chỗ khác… thì tâm lý lo lắng và các đồn đoán về một viễn cảnh xa hơn làm giá trên hai sàn cà phê giảm mạnh hơn.

Giới chuyên gia nhận định, quyết định về thị trường cà phê hiện nay không chỉ nằm trong tay giới đầu cơ về giá, về hàng hóa, mà còn cả về thông tin và phân tích thị trường. Người ta hiện chỉ chạy theo và lo vì các yếu tố trước mắt như tăng lãi suất, siết tín dụng, đồng tiền mất giá…

Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Số liệu công bố cho thấy, GDP của Hoa Kỳ quý 3/2022 tăng 2,6% so với quý trước. Điều này sẽ góp phần giúp Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) mạnh tay trong việc nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tới. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm. Lãi suất tăng cao, sức tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dồi dào khi nhiều nước sản xuất cà phê chính bước vào kỳ thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ 2022/2023.

Mới đây, ngân hàng Rabobank dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ tăng ít nhất là 8% trong niên vụ 2023-2024 lên mức 68,5 triệu bao (loại 60kg/bao), do thời tiết thuận lợi, mưa nhiều giúp cây cà phê phát triển tốt.

Trong năm nay, nông dân trồng cà phê của Brazil dự kiến sẽ sản xuất 63,2 triệu bao cà phê, trong đó 40,1 triệu bao arabica và 23,1 triệu bao robusta (được sử dụng phần lớn để làm hỗn hợp cà phê hòa tan).

Tại Colombia, sản lượng trong niên vụ 2021-2022 ước tính chỉ đạt 11,7 triệu bao, giảm tới 13% so với niên vụ trước đó.

Tồn kho cà phê Arabica tính đến ngày 28/10 là 384.795 bao - mức thấp nhất trong vòng 23 năm qua. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 11, tồn kho có xu hướng tăng lên. Tính đến ngày 8/11, tồn kho đạt mức cao nhất trong 5 tuần qua.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao loại 60 kg/bao, giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021.

Trong đó xuất khẩu cà phê nhân xanh giảm 1,1%, xuống 116,1 triệu bao so với 117,2 triệu bao của niên vụ trước. Song, đây vẫn là khối lượng xuất khẩu lớn thứ ba từ trước đến nay. Trước đó khối lượng xuất khẩu lớn nhất ghi nhận được là 121,3 triệu bao trong niên vụ 2018-2019.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh giảm là do sản lượng thế giới thấp hơn năm ngoái, với ước tính giảm 2,1% từ 170,8 triệu bao trong niên vụ 2020-2021 xuống còn 167,2 triệu bao trong vụ 2021-2022.

Được biết, năng suất cà phê Việt Nam đã tăng từ 23,5 tạ/ha năm 2011 lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn năm 2020 lên 1,81 triệu tấn năm 2021. Hiện năng suất cà phê của Việt Nam cao gấp hơn 3 lần (2,8 tấn/ha) so với năng suất cà phê trung bình của thế giới (0,8 tấn/ha).

 



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục