Giá đường vẫn ở mức thấp trước áp lực đường lậu

24/11/2022 15:07 GMT+7
Hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu tiếp tục diễn ra bất chấp sự kiểm tra của các cơ quan chức năng khiến giá đường xuống thấp.

Giá đường nội vẫn thấp, chỉ bằng 50% so với giá đường tại Philippines

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 10, ngành đường Việt Nam đã bắt đầu niên vụ sản xuất mới và đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ ép 2022-2023. Thời tiết mưa nhiều tại miền Bắc và miền Trung trong nửa đầu tháng 10 đang gây khó khăn cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị và công tác chuẩn bị vào vụ. Dự kiến trong tháng 11 và 12 một số nhà máy có thể vào vụ ép. 

Hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đã bùng phát từ nửa sau tháng 9 và vẫn tiếp tục trong nửa đầu tháng 10 bất chấp sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Nửa sau tháng 10, ngoài đường nhập lậu còn có đường nhập khẩu từ Indonesia, Myanmar, Lào, Australia (đường trong hạn ngạch nhập khẩu) và các loại đường nguồn gốc nhập khẩu đã hoàn toàn làm chủ thị trường, kéo giá đường xuống thấp.

Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) giá (có VAT, đồng/kg) dao động ở mức như sau:

Giá đường vẫn ở mức thấp trước áp lực đường lậu - Ảnh 1.

Giá đường tại Việt Nam trong tháng 9/2022 (Nguồn: VSSA/Đơn vị: đồng/kg đã bao gồm VAT).

Giá đường vẫn ở mức thấp trước áp lực đường lậu - Ảnh 2.

So sánh giá đường trên thị trường nội địa các nước lân cận (Quy đổi sang VNĐ) (Nguồn: VSSA).

Trong tháng 10 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam đã ở mức thấp hơn so với các thị trường trong khu vực, đặc biệt chỉ bằng khoảng 50% so với giá đường tại Philippines.

9 tháng đầu năm 2022, số liệu xuất khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào (theo dữ liệu xuất khẩu của Thái Lan) cho thấy có sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, Campuchia đã nhập khẩu đường từ Thái Lan tăng 121% còn Lào nhập khẩu tăng đến mức 357% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022 đường nhập khẩu từ Campuchia và Lào vào Việt Nam rất khiêm tốn.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng lượng đường nhập khẩu từ Campuchia và Lào vào Việt Nam gần 606.300 tấn, tương đường bình quân gần 67.400 tấn/tháng. Theo đó, VSSA ước tính, cả năm 2022, tổng lượng đường nhập lậu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam sẽ lên đến 808.300 tấn.

Giá đường vẫn ở mức thấp trước áp lực đường lậu - Ảnh 3.

Giá đường vẫn ở mức thấp trước áp lực đường lậu.

Trong tháng 10, nhiều vụ việc gian lận thương mại đường nhập lậu đã tiếp tục bị phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước như Đồng Tháp, Long An, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Phú Yên. 

Cụ thể, tại Đồng Tháp, Công an thành phố Hồng Ngự phát hiện một xe ô tô tải vận chuyển 51 bao đường kết tinh (trọng lượng 2.550 kg), hiệu KORACH INDUSTRY, loại 50kg/bao, do Thái Lan sản xuất và một xuồng máy chở đường cát cũng do Thái Lan sản xuất, số lượng 48 bao, có trọng lượng 2.400 kg. 

Tại Long An, Đội Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện ô tô tải có 100 bao (loại 50kg/bao), tương đương 5 tấn đường cát có nhãn bằng tiếng nước ngoài và 100 bao (loại 50 kg/bao), tương đương 5 tấn tập tại thị xã Kiến Tường. 

Tại Quảng Bình, Đội QLTT phát hiện 6,5 tấn đường kính trắng và 8 tấn đường kính vàng do Thái Lan sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và không có thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định của pháp luật. 

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay hoạt động buôn lậu đường chủ yếu diễn ra trên tuyến biên giới Tây Nam. Bên cạnh nguyên nhân do cơ chế chính sách, thủ đoạn của các đối tượng cũng thường xuyên thay đổi. Lợi dụng đường mòn, lối mở, các đối tượng đưa hàng hoá thẩm lậu vào Việt Nam. 

Sau khi vận chuyển vào nội địa, các đối tượng tiếp tục hợp thức hoá bằng hoá đơn, biến hàng hoá nhập lậu thành hàng hoá trong nước sản xuất. Các đối tượng còn đưa bao bì từ trong nước ra nước ngoài đóng gói, sau đó đưa hàng thẩm lậu biên giới, gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.

VSSA ước tính tổng cung đường năm 2022 gần 2,82 triệu tấn lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022. 

Giá đường tại thị trường Việt Nam những tháng cuối năm sẽ tiếp tục ở mức tương đương và thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung Quốc, Indonesia, Philippines).

Sản lượng đường dự báo tiếp tục tăng trong vụ 2022-2023 

Theo số liệu báo cáo của VSSA, vụ sản xuất đường 2021-2022, lượng nguyên liệu đưa vào chế biến đạt 7,5 triệu tấn mía, tăng 11,6% so với 6,7 triệu tấn mía của vụ 2020-2021. Có 24 nhà máy hoạt động, sản lượng đường sản xuất được là 949.220 tấn, trong đó đường sản xuất từ mía gần 747.000 tấn, còn lại là từ đường thô nhập khẩu (202.320 tấn), tăng 57.069 tấn, tương đương 8,3% so với vụ trước. 

Trong vụ chế biến 2022-2023, dự kiến 24 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2021-2022, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Diện tích mía thu hoạch dự kiến 151.305 ha, sản lượng mía đưa vào chế biến 8,7 triệu tấn, sản lượng đường dự báo 870.930 tấn. 

Thông tin từ các nhà máy cho thấy, tổng diện tích mía sẽ thu hoạch trong niên vụ 2022-2023 là 151.305 ha, sản lượng mía đưa vào chế biến là trên 8,76 triệu tấn, năng suất bình quân 66,2 tấn/ha, CCS bình quân là 10 CCS. Sản lượng đường từ mía là 870.930 tấn, tăng hơn 124 nghìn tấn. 

VSSA dự báo niên vụ 2022-2023 sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có Quyết định số 1514 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trong thời hạn 5 năm.

Giá đường vẫn ở mức thấp trước áp lực đường lậu - Ảnh 4.

VSSA dự báo niên vụ 2022-2023 sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam.

Được biết, tháng 10, các doanh nghiệp mía đường niêm yết trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh trong quý III. TTC Sugar, Mía đường Sơn La là hai doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, trong khi Mía đường Lam Sơn báo lãi đi ngang còn Đường Quảng Ngãi đi lùi so với cùng kỳ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11, giá đường thô giao kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn New York giảm 0,12 cent, tương đương 0,6% xuống ở 19,74 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 7 tháng ở 20,48 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London có diễn biến ngược lại với mức tăng 1,4 USD, tương đương 0,3% chốt tại 537,3 USD/tấn.

Commerzbank lưu ý rằng, Brazil đang chuyển nhiều mía hơn sang sản xuất đường do việc sử dụng ngô để sản xuất ethanol tăng lên ở nước này. Hơn nữa, giá ethanol không lấy gì làm chắc chắn, có thể bị đẩy xuống dưới mức chi phí sản xuất do sự can thiệp của nhà nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi mía để sản xuất đường.

Giám đốc Điều hành Niels Poerksen cho biết, nhà sản xuất đường lớn nhất châu Âu Suedzucker (SZUG.DE) dự kiến sẽ tăng giá đường trở lại vào năm tới do chi phí năng lượng và chi phí đầu vào cho các mặt hàng như củ cải đường đều ở mức cao.

Theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), trong nửa đầu tháng 10 chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng đều dao động theo xu hướng tăng. 

Thời tiết mưa nhiều khiến vụ sản xuất 2022-2023 ở Bắc bán cầu bị chậm lại và cũng gây trở ngại vào cuối vụ ép mía tại Nam bán cầu, đặc biệt tại miền Trung Nam của Brazil, dẫn đến giá đường giao ngay tại Brazil tăng mạnh. 

Bắt đầu nửa sau tháng 10 các thông tin sản lượng đường tăng tại Ấn Độ và Thái Lan đã góp phần đảo chiều xu hướng tăng thành giảm giá trên cả hai thị trường đường thô và đường trắng. 

Tuy nhiên, giá đường tiêu thụ tại các thị trường nội địa của hầu hết các nước đều đang tăng do chịu tác động của chi phí sản xuất đường gia tăng (phân bón, nhiên liệu,..) cộng với gia tăng lạm phát và đồng USD mạnh.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục