Giá gạo Ấn Độ nới rộng đà giảm, gạo Việt vẫn vững giá

12/03/2023 15:20 GMT+7
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức 440-445 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Các nhà giao dịch cho biết vụ thu hoạch Đông-Xuân tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đạt đỉnh điểm, giúp tăng nguồn cung trong nước, song điều này không ảnh hưởng đến giá do nhu cầu dự kiến sẽ mạnh.

Giá lúa gạo hôm nay 12/3: Lúa Đông Xuân hút hàng, nguồn nhiều 

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ nới rộng đà giảm trong tuần này do nhu cầu từ các nước nhập khẩu chính giảm, trong khi đó nguồn cung tại Việt Nam đầy lên khi vụ thu hoạch Đông-Xuân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt đỉnh. 

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 385-390 USD/tấn trong tuần này so với mức 390-395 USD/tấn trong tuần trước. Giá loại gạo này đã giảm từ khoảng 400 USD/tấn ghi nhận trong tuần kết thúc ngày 23/2, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Theo các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu và giá cước vận tải tăng gần đây đã ảnh hưởng đến nhu cầu của khách hàng mua gạo Ấn Độ. 

Trong tháng 2/2023, hai nguồn tin chính phủ cho biết Ấn Độ không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và cắt giảm 20% thuế đối với gạo trắng xuất khẩu do nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này đang cố gắng kiềm chế giá trong nước. 

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức 440-445 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Các nhà giao dịch cho biết vụ thu hoạch Đông-Xuân tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đạt đỉnh điểm, giúp tăng nguồn cung trong nước, song điều này không ảnh hưởng đến giá do nhu cầu dự kiến sẽ mạnh. 

Theo dữ liệu hải quan Việt Nam công bố ngày 9/3, Việt Nam đã xuất khẩu 534.607 tấn gạo trong tháng 2/2023. 

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 460 USD/tấn, so với mức 450-460 USD/tấn ghi nhận trong tuần trước. Giá gạo Thái vẫn ở mức này bởi cung và cầu không có nhiều thay đổi. Cần phải đợi vụ thu hoạch mới của Thái Lan. 

Trong khi giá gạo trong nước của Bangladesh vẫn tăng bất chấp nỗ lực hạ giá mặt hàng lương thực này. 

Chính phủ Bangladesh đã cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu gạo, đồng thời mua gạo từ các nước xuất khẩu chính như Việt Nam, Ấn Độ và Myanmar.

Giá gạo Ấn Độ nới rộng đà giảm, gạo Việt vẫn vững giá - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 12/3 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng nhẹ với mặt hàng gạo.

Giá lúa gạo hôm nay 12/3 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng nhẹ với mặt hàng gạo. Hiện giá gạo nguyên liệu, thành phẩm ở mức 9.100 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.050 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm duy trì ổn định. Hiện giá cám khô ở mức 7.700 đồng/kg, giá tấm ở mức 9.000 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, giá lúa không có biến động. Theo đó, tại kho An Giang, lúa Đài thơm 8 6.700 – 6.800 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.400 – 6.600 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.100 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồngk/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Giá lúa tươi IR 504 vụ Đông Xuân hút hàng, thương lái khó mua được lượng lớn. Với thị trường gạo, các chủng loại gạo OM 5451, Đài thơm 8, OM 18, IR 504 nguồn nhiều, giá có xu hướng nhích. Trong tuần qua, giá gạo các loại giảm mạnh so với tuần trước, đặc biệt là gạo OM18/ Đài thơm 8 và OM 5451. Giá lúa Đông Xuân các chủng loại sụt nhẹ vào đầu tuần sau đó tăng trở lại.

Giá gạo sẽ tiếp tục vững, thị trường thuận lợi

Xuất khẩu gạo của Việt Nam kết thúc năm 2022 lạc quan hơn kỳ vọng nhờ nhu cầu tích cực từ các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Bangladesh, châu Phi… Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc ở mức 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định EVFTA. Tương tự, xuất khẩu gạo sang các thị trương CPTPP cũng đạt 578.596 tấn, trị giá trên 280 triệu USD, tăng trên 31% về lượng và gần 20% về kim ngạch.

Trong năm 2023, các chuyên gia dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tốt do bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến cho nhu cầu dự trữ lương thực để đảm bảo an ninh lương thực của các nước tăng lên. Theo FAO, tỷ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Vì vậy, gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.

Giá gạo Ấn Độ nới rộng đà giảm, gạo Việt vẫn vững giá - Ảnh 2.

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu dự báo giảm đồng loạt ở Argentina, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Pakistan, Paraguay, Nga, Senegal, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay và Mỹ. Trong đó, Ấn Độ và Pakistan giảm nhiều nhất (khoảng 2,1 triệu tấn) do sản lượng giảm và chính sách ổn định thị trường nội địa. Cụ thể, Ấn Độ đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% đối với chủng loại gạo trắng.

Ngành gạo Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc. Trong tháng 1/2023, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 47.000 tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2022. Dự báo trong năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc quay trở lại như các năm trước đây. Các cơ quan chức năng chỉ ra rằng, với khoảng cách địa lý gần, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế tại thị trường Trung Quốc so với các đối thủ. Đặc biệt, Trung Quốc đang có xu hướng sử dụng cám gạo thay thế cho ngô và lúa mì trong chăn nuôi do giá các mặt hàng này đang rất cao. Do đó, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cám gạo sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam còn có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. 

Nhu cầu tại các thị trường truyền thống như: Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, năm 2023, ngành hàng vẫn sẽ đối diện một số khó khăn như chi phí nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá thành xuất khẩu chưa tăng tương ứng gây khó khăn về nguồn vốn cho thương nhân; chưa có sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các thương nhân để nâng cao chất lượng, hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam, tránh cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến uy tín gạo tại một số thị trường trọng điểm.

Bên cạnh đó, biến động địa - chính trị, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng thiên tai gây ra hạn hán, mất mùa tại các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn gây ảnh hưởng đến nguồn cung thương mại gạo thế giới cùng xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistic gia tăng...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục