Giá hạt tiêu ảm đạm đến bao giờ?

12/07/2022 14:42 GMT+7
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu nên hầu hết thị trường lớn của Việt Nam đều giảm lượng hạt tiêu nhập khẩu.

Giá tiêu hôm nay 12/7, hạt tiêu Việt "ngấm đòn" lạm phát 

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 67.500 – 70.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 67.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (68.500 đồng/kg); Bình Phước (69.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.500 đồng/kg.

Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu nên hầu hết thị trường lớn của Việt Nam đều giảm lượng nhập khẩu.

Lũy tiến từ đầu năm đến 30/6/2022, Việt Nam xuất khẩu được 125.553 tấn, tiêu đen đạt 106.705 tấn, tiêu trắng đạt 18.848 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 568,8 triệu USD, tiêu đen đạt 456,4 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,4 triệu USD.

So với cùng kỳ, lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 19,1% tương đương 29.621 tấn, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 13,5% tương đương 67,6 triệu USD so với cùng kỳ 2021.

Giá hạt tiêu ảm đạm đến bao giờ? - Ảnh 1.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Giá hạt tiêu ảm đạm đến bao giờ? - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá hạt tiêu ảm đạm đến bao giờ? - Ảnh 3.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 67.500 – 70.500 đồng/kg.

Trung Quốc tháng 6 nhập 2.999 tấn hạt tiêu của Việt Nam, cao hơn tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 là 2.619 tấn. Tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này 6 tháng đầu năm đạt 5.609 tấn, tuy nhiên lượng nhập khẩu này giảm 80,2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, nhập khẩu của Mỹ đứng đầu đạt 30.109 tấn và giảm 8%. Nhập khẩu cũng giảm ở Anh, Nga, Pháp, Pakistan, Ai Cập... Chỉ một vài thị trường có lượng nhập khẩu tăng như Đức, Hà Lan, lerland, Ấn Độ, Hàn Quốc...

Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng chủ yếu: Mỹ, Đức, Hà Lan, Thái Lan, United Arab... Với kết quả trên, mục tiêu xuất khẩu tỷ USD của ngành hàng hạt tiêu trong năm 2022 vẫn có thể khả quan song thị trường đang bị phụ thuộc lớn vào nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Thị trường trông chờ vào lực cầu từ thị trường hơn tỷ dân Trung Quốc

Từ giờ đến hết 2022, thị trường trông chờ vào lực cầu từ thị trường hơn tỷ dân Trung Quốc và những thị trường khác khi bước vào giai đoạn tiêu dùng dịp lễ Tết cuối năm.

Có ý kiến nhận định thị trường hạt tiêu sẽ tăng trở lại vào giữa quý III, khi nhu cầu nhập khẩu cho những kỳ lễ hội cuối năm và dịp Tết ở các quốc gia tăng cao. Ngoài ra, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam còn kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc khi nước này mua thêm khoảng 30.000 - 40.000 tấn hạt tiêu trong 6 tháng còn lại của năm 2022.

Thời điểm hiện tại giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Các chuyên gia đánh giá, giá hạt tiêu tương đối ổn định trong những tháng qua bởi lượng hàng dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu. Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi, trong khi nông dân và đại lý nhỏ có xu hướng giữ hàng với dự đoán mức giá cao hơn.

Ngay từ cuối năm ngoái, VPA nhận định chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hạt tiêu Việt Nam khi 90% lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Do đó, chỉ khi thị trường này tăng mạnh nhập khẩu tiêu các tháng còn lại của năm nay như dự báo nêu trên thì xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khởi sắc.

Những bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ còn biến động trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu còn lên xuống thất thường.

Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hạt tiêu.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, giá hạt tiêu toàn cầu trong những tháng qua và bây giờ không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.

Doanh nghiệp xuât khẩu tiêu đánh giá, lượng hàng tồn hiện tại ước khoảng 80.000 - 100.000 tấn. Đây là khối lượng tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu các tháng đầu năm suy giảm. Nguyên nhân xuất khẩu suy giảm do tình hình lạm phát toàn cầu, Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero Covid" và cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết.

Giá hạt tiêu ảm đạm đến bao giờ? - Ảnh 4.

Thời điểm hiện tại giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu kỳ vọng các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ sớm bình thường trở lại để Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế của nhà sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới.

Vụ thu hoạch hạt tiêu của Việt Nam đã kết thúc, trong khi Ấn Độ, Campuchia và Brazil việc thu hái hạt tiêu vẫn đang diễn ra.

Tại Brazil, nhiều bang ở miền Đông Nam nước này đã trải qua những trận mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu phơi khô, dẫn đến lượng tiêu sấy bằng máy tăng.

Còn tại khu vực phía Nam Brazil, việc thu hoạch sẽ chỉ bắt đầu vào giữa năm. Hạt tiêu tại đây đã được trồng mới trong vài năm qua và dự kiến sản lượng sẽ tăng trong những năm tới.

Tại Ấn Độ, thu hoạch hiện đang tiếp tục ở bang Karnataka, chiếm gần 50% sản lượng của nước này. Tuy nhiên, việc thu hái đã hoàn tất ở hầu hết các bang Kerala và Tamil Nadu. Lượng mưa giảm trong giai đoạn hình thành quả mọng đã ảnh hưởng đến năng suất ở một số khu vực.

Được biết, trong nước hiện đã ghi nhận những tín hiệu đầu tiên cho niên vụ 2023 của Việt Nam là khả quan. Đó là việc mùa mưa đến đúng lúc, và quá trình thụ phấn của cây tiêu tốt hơn so với năm ngoái.

Việt Nam được cho là đã xuất khẩu khoảng 125.000 tấn hạt tiêu trong 6 tháng đầu năm nay. Do đó, giá tiêu có thể không giảm nữa do nguồn cung hàng hóa cũng đã cạn kiệt.

Trân Châu tiếp tục là doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 16.131 tấn, tăng 16,1%. Tiếp theo là các doanh nghiệp Olam đạt 14.209 tấn, tăng 19.8%; Nedspice đạt 9.602 tấn, giảm 0,2%; Phúc Sinh đạt 8.119 tấn, giảm 5,5%; Haprosimex JSC đạt 7.695 tấn, tăng 21.3%... Khối các doanh nghiệp trong VPA xuất khẩu chiếm 84,1%. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu bao gồm: Olam, Nedspice, Trân Châu, Liên Thành...

Tinh đến hết tháng 6/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 21.299 tấn, trong đó tiêu đen đạt 18.045 tấn, tiêu trắng đạt 3.254 tấn, so với cùng kỳ năm trước nhập khẩu tăng 25,9% tương đương 4.378 tấn.

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Campuchia đạt 9.604 tấn, tăng 148.4%, Brazil đạt 5.292 tấn, tăng 7,6% và từ Indonesia đạt 3.950 tấn, giảm 37,6%. Trong khi đó, Olam là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất, chiếm 38% thị phần và đạt 8.092 tấn, tăng 4,2%, tiếp theo là Trân Châu đạt 1.616 tấn. Indonesia là quốc gia cung cấp chủ yếu tiêu trắng cho Việt Nam, đạt 3.031 tấn, chiếm 93,1 % trên tổng lượng nhập khẩu tiêu trắng.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục