Già làng Điểu Lên gìn giữ văn hóa S’tiêng

NGUYỄN HỮU Thứ sáu, ngày 19/06/2015 09:00 AM (GMT+7)
Về sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước), hỏi già làng Điểu Lên không ai không biết đến. Ông được xem là người con ưu tú của đồng bào S’tiêng từng chiến đấu bảo vệ buôn làng trong chiến tranh, và bây giờ là người tích cực trong việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc tại địa danh cách mạng này. 
Bình luận 0

Kho kỷ vật vô giá

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi được gặp già làng Điểu Lên - Chủ tịch Hội đồng già làng xã Bình Minh tại nhà riêng của ông nằm đối diện với Trường Tiểu học Xuân Hồng. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong nhà có rất nhiều hiện vật gắn với đời sống đồng bào dân tộc S’tiêng như cung, nỏ, kèn bầu, chiêng, chày, cối giã gạo và nhiều vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

img
Già làng Điểu Lên bên những hiện vật của đồng bào S’tiêng được ông lưu giữ. (Ảnh:   N.H)

Chỉ tay về một góc nhà chứa đầy các loại chóe (bình đựng rượu) với kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau, ông nói: “Trước đây người S’tiêng thách cưới nhau bằng những chóe rượu, bằng trâu. Giờ đây việc thách cưới đã giảm bớt, nhưng cái chum, cái chóe vẫn không thể thiếu được”. Theo già làng Điểu Lên, những hiện vật của người dân tộc được ông sưu tầm lưu giữ từ rất lâu, thậm chí có những thứ bà con bỏ đi, ông cũng mang về cất giữ và trân trọng nó như những tài sản quý giá.

Dần dần, ông lưu giữ được với nhiều hiện vật với hàng chục loại khác nhau. Ông tự hào vì ở Bom Bo này không ai có nhiều kỷ vật của người S’tiêng hơn ông. Mong muốn của ông là lưu giữ những hiện vật đó để các thế hệ sau này biết đến các truyền thống, sinh hoạt của cha ông.

Không để văn hóa người S’tiêng bị mai một

Nói về sự đổi thay của đời sống đồng bào dân tộc, già làng Điểu Lên cho biết trước 1975, nơi đây toàn là rừng, chỉ có đồng bào dân tộc và bộ đội chiến đấu bám từng tấc đất. Hôm nay cuộc sống đồng bào S’tiêng đã thay đổi, con em đều được học hành đầy đủ, nhà nhà không còn lo cái ăn, cái mặc như trước đây. Nhà cửa cũng đã được cất khang trang, đủ tiện nghi hơn, các nhà xây kiên cố dựng lên dần thay thế cho các nhà gỗ, nhà dài truyền thống của đồng bào. Tuy nhiên điều ông trăn trở đó là những nét đẹp văn hóa của người S’tiêng cũng đang bị mai một nhiều. Nhiều đứa trẻ lớn lên không hiểu được những giá trị văn hóa mà bao đời cha ông để lại. Các lễ hội sinh hoạt văn hóa của người S’tiêng cũng thưa thớt dần và không thu hút được sự quan tâm của con, cháu.

Với vai trò là một già làng có uy tín với ở địa phương, ông quyết tâm không để nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình bị mai một. Do đó, ông thường xuyên kể cho con cháu, đồng bào S’tiêng nghe về truyền thống, văn hóa của người dân tộc mình như lễ hội đâm trâu, phá bàu, mừng lúa mới, phong tục cưới hỏi, ma chay... Thậm chí ông cũng từng dạy hát sử thi, múa cồng, dạy làm một số nghề thủ công cho con cháu vẫn không ăn thua.

Liên quan đến những việc già Điểu Lên đang làm, ông Trần Đình Dũng - Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng cho biết, đến cuối năm nay dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sẽ hoàn thành giai đoạn 1. Trong quá trình xây dựng khu bảo tồn, nhiều hiện vật được già làng Điểu Lên đóng góp. Các hoạt động, sinh hoạt văn hóa được phục dựng lại đều được thông qua già làng Điểu Lên để ông đóng góp ý kiến. Bởi vì già làng Điểu Lên là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, có kiến thức sâu phong phú và am hiểu sâu sắc về dân tộc mình.

Theo ông Trần Đình Dũng, khi đi vào hoạt động, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sẽ góp phần bảo tồn, giới thiệu các luật tục, đời sống của người dân bản địa tại Sóc Bom Bo. Tại đây cũng trưng bày các hiện vật, phục dựng lại các nghề truyền thống như rèn, dệt thổ cẩm, tổ chức các hoạt động tuyên tuyền, các lễ hội giới thiệu về người S’tiêng tại Bình Phước.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem