dd/mm/yyyy

Giá lợn giảm sốc không thể chỉ trông đợi thị trường Trung Quốc

Những năm gần đây thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ một lượng rất lớn lợn hơi của Việt Nam. Từ cuối năm 2016, thị trường này đã bình ổn, nhu cầu nhập giảm nhiều. Trong khi lợn Việt Nam xuất khẩu chủ yếu bằng tiểu ngạch và Việt Nam cũng chưa có thỏa thuận xuất khẩu lợn chính thức với Trung Quốc.

Trong bối cảnh giá lợn giảm sốc, tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Giải cứu ngành chăn nuôi lợn" do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN tổ chức ngày 28.4, chủ đề xuất khẩu lợn sang Trung Quốc được đại diện các doanh nghiệp và người chăn nuôi đặc biệt quan tâm.

Nghịch lý doanh nghiệp nhập thịt về để xuất khẩu

Lý giải về nguyên nhân lợn của chúng ta hiện không xuất được đi trung Quốc, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: Theo thống kê, năm 2016, Việt Nam có tổng số 4,170 triệu con lợn, trong đó đàn lợn sữa chiếm hơn 3 triệu con, còn lại là lợn thương phẩm được xuất sang Trung Quốc.

Đoàn xe chở lợn xuất sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Số lượng lợn xuất sang Trung Quốc so với tổng đàn hơn hiện nay chiếm chưa đến 10% (tổng đàn hiện nay 51 triệu con) và số lợn xuất khẩu sang nước họ đa phần là lợn nhỏ, lợn sữa. Hiện, Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận xuất khẩu lợn chính thức. Những năm gần đây Việt Nam vẫn xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch.

Ông Dương Tiến Thể

"Có thể thấy rằng, thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước. Để ký kết hợp đồng xuất khẩu lợn, giữa Việt Nam Trung Quốc xuất phải có lộ trình cụ thể", ông Thể nói.

Lý giải về giá lợn hiện nay dưới góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Thành - Tổng Giám đốc Công ty ABC Global thông tin: “Hiện tại nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc rất lớn, trung bình 1 tuần chúng tôi vẫn xuất đi vài chục container, đau lòng là những sản phẩm đó không phải chúng tôi mua ở Việt Nam, mà chúng tôi phải mua sản phẩm ở nước ngoài như Đức, Hà Lan để xuất đi. Vấn đề ở cơ chế trung gian, thủ tục hành chính ở Việt Nam rất phức tạp, cộng chi phí rất cao.

Khoảng 2 - 3 năm trước Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều lợn Việt Nam vì chăn nuôi của họ lâm vào đại dịch thiếu hụt nguồn cung lợn. Cuối năm vừa rồi, các nhà máy chăn nuôi của Trung Quốc đã bình ổn trở lại, nhu cầu nhập lợn hơi giảm đi nhiều.

Yếu tố thứ hai là giá thành lợn tại Trung Quốc không thay đổi, nhưng giá thành trung gian về xuất lợn ở Việt Nam đội lên quá nhiều. Ví dụ, vận tải có thể đội lên 3.000-5.000 đồng/kg, thêm giá qua biên cũng bị đội lớn. Trong khi đó, lợn Việt Nam hiện không phải là lựa chọn số 1, ở một số nước thuế suất nhập khẩu bằng 0. Hiện giờ, giá lợn Thái Lan, Hà Lan tại Trung Quốc vẫn ổn định, còn giá lợn Việt Nam đội lên quá cao vì khâu dịch vụ.

Có giai đoạn Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt lợn từ Việt Nam. Ảnh minh họa

Thủ tục rườm rà, thịt không đạt chuẩn giá thành cao

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Lâm – Giám đốc miền Bắc hệ thống INCO SYSTEM (Đồng Nai) thắc mắc: Xin hỏi về những vướng mắc như giấy tờ, thủ tục của cơ quan nhà nước, hướng giải quyết của Bộ NNPTNT như thế nào, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc hiện nay như thế nào?

Ông Dương Tiến Thể trả lời: Theo chúng tôi, vướng mắc nhất trong vấn đề xuất khẩu hiện nay không phải sản phẩm mà là khâu thủ tục giấy tờ, từ cục thú ý cho đến giấy tờ hải quan để xuất khẩu.

Thịt lợn không đạt chuẩn, hệ thống chế biến hạn chế khiến sức cạnh tranh suy giảm. Ảnh minh họa

Quay lại bài toán con lợn, khi con lợn đến tay người Trung Quốc có giá 1,75 USD, như vậy về giá chúng ta có cạnh tranh được không? Vì sao giá của người ta lại thấp như thế?

Đối với người Trung Quốc, quan trọng nhất là cơ chế thị trường, hôm nay có thể giá 10 tệ, ngày hôm sau có thể 6 tệ, đến hôm khan hàng thì giá lại tăng cao.

Đối với DN, tại sao chúng tôi phải sang nước ngoài mua hàng? Nguyên do là vì không kiếm được một nhà máy có thể cấp đông đủ số lượng lợn mà chúng tôi cần. Thịt lợn cấp đông phải đảm bảo -18 độ C và phải được cắm điện 6-8 tiếng/ngày.

Hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, hệ thống nhà máy của mình như thế nào là những vấn đề hạn chế cần xem xét. Chúng tôi sẵn sàng bao tiêu 100 container trong 1 tháng nhưng phải tìm được hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, hệ thống nhà máy.

Ông Ngô Thành - Đại diện Công ty ABC Global.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Đại diện Thương mại và Kỹ thuật Ayurvet (Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam) cho rằng, các nước khác, họ cũng chịu chi phí trên đường khi xuất lợn. Tôi muốn hỏi Công ty ABC Global xem đơn vị có cách nào giảm chi phí, giá thành khi xuất lợn để có cơ hội cạnh tranh với các nước khác?

Ông Ngô Thành- Tổng Giám đốc Công ty ABC Global cho biết: “Dưới góc nhìn doanh nghiệp, điều chúng tôi quan tâm không phải hàng này xuất xứ ở đâu, mà phải căn cứ vào yêu cầu của khách hàng, như 1 tháng phải ổn định được 1 container, vòng quay 3 tháng.

Trả lời tiếp về vấn đề này, ông Tông Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đặt câu hỏi cho ông Ngô Thành: “Công ty anh có thị trường tại sao không xây dựng hệ thống chế biến thịt lợn đông lạnh trong nước?”.Tôi đã trực tiếp sang Thái Lan làm việc với một số công ty trực thuộc CP, thời điểm khi hàng của tôi từ châu Âu chưa về, tôi phải vận chuyển thịt lợn từ Thái Lan đi Trung Quốc. Mấu chốt ở đây là sản phẩm của chúng ta không đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Người ta cần thịt đông lạnh, chứ không cần con lợn hơi. Trong khi đó, tiêu chuẩn xuất lợn sống hà khắc hơn nhiều so với xuất đông lạnh"- ông Thành nói.

Ông Ngô Thành nói tiếp: “Việc này rất hay, nhưng bài toán đó sẽ giải quyết sau, bởi bản thân công ty tôi cũng đang thiếu đầu vào. Vấn đề bây giờ là làm thế nào có hệ thống đồng bộ tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn Trung Quốc”.

Đàn lợn phát triển nóng cùng với thiếu quy chuẩn, sự yếu kém trong chế biến đã khiến thịt lợn Việt Nam bị kém canh tranh. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường Trung Quốc vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì kịch bản giá lợn giảm sốc sẽ tái diễn.

Hải Linh