Giá lợn hơi cao nhất lại tiếp tục tụt xuống, chỉ còn 67.000 đồng/kg

13/09/2022 17:24 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 13/9 tiếp tục giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg ở nhiều địa phương trên cả nước và dao động trong khoảng 58.000 - 67.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi ngày 13/9, tiếp tục giảm sâu 

Giá lợn hơi hôm nay 13/09/2022, thị trường tiếp tục đi xuống. Mức giá lợn hơi toàn quốc đến chiều nay giảm tiếp từ 1.000-3.000 đồng/kg, dao động từ 59.000-67.000 đồng/kg. Như vậy, so với giá lợn hơi cao nhất chiều qua, giá lợn hơi cao nhất chiều nay tiếp tục tụt 1 giá, từ 68.000 đồng/kg xuống còn 67.000 đồng/kg.

Hôm nay giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đã giảm 1.000 đồng/kg, dự kiến tuần tới sẽ còn giảm thêm 1-2 giá. Giá lợn hơi CP cao nhất tại miền Bắc, đứng ở mức 67.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 63.000 đồng/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay tiếp tục giảm, đứng ở mức 71.900 đồng/kg so với mức mức 72.200 đồng/kg của chiều qua. 

Giá lợn hơi cao nhất tại tiếp tục tụt xuống, chỉ còn 67.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Giá lợn hơi cao nhất tại tiếp tục tụt xuống, chỉ còn 67.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá lợn hơi cao nhất tại tiếp tục tụt xuống, chỉ còn 67.000 đồng/kg.

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi sáng nay điều chỉnh giảm nhẹ so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 65.000 - 68.000 đồng/kg.

Cụ thể, sau khi cùng hạ nhẹ một giá, giá lợn hơi sáng nay tại Hà Nội xuống mốc 66.000 đồng/kg còn tại Bắc Giang và Lào Cai đang thu mua lợn hơi với giá 67.000 đồng/kg.

Tương tự, Hưng Yên và Thái Bình cũng hạ nhẹ một giá xuống còn 68.000 đồng/kg, cao nhất trong khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá thấp nhất 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Yên Bái, Hà Nam.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi sáng nay giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg. Trong đó, cùng thu mua lợn ở mức 63.000 đồng/kg, giá lợn hơi sáng nay tại Quảng Bình giảm 1.000 đồng/kg còn tại Quảng Trị giảm 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó.

Tương tự, tại Quảng Nam và Quảng Ngãi cùng thu mua lợn hơi ở mức 65.000 đồng/kg, giảm lần lượt 2.000 đồng/kg và 1.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Mức giá thấp nhất được ghi nhận tại hai tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk là 58.000 đồng/kg, sau khi giảm lần lượt 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg. Còn tại Ninh Thuận, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi về mức 59.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi sáng nay cũng điều chỉnh giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 59.000 - 66.000 đồng/kg.

Theo đó, sau khi giảm 2.000 đồng/kg, thương lái tại Hậu Giang và Vũng Tàu đang lần lượt thu mua lợn hơi với giá 59.000 đồng/kg và 63.000 đồng/kg. Sau khi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, mức giá được ghi nhận tại Cần Thơ, Sóc Trăng xuống còn 60.000 đồng/kg còn tại Đồng Nai ở mức 64.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực không nghi nhận sự biến động về giá sáng nay.

Theo các doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi, thị trường nhìn chung dư cung và giá cả ổn định, xu hướng tái đàn đang tăng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới. Với việc kiểm soát chặt xuất khẩu tiểu ngạch, thị trường lợn hơi dự báo sẽ ổn định và giá sẽ ở mức thấp vì giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhờ nguồn cung khởi sắc.

Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá lợn hơi tại các tỉnh trên cả nước không có nhiều biến động, giá giảm so với cuối tháng trước. Giá lợn hơi trên toàn quốc đầu tháng 8 dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022, giá giảm do nhu cầu trên thị trường yếu, các trường học vẫn chưa bước vào năm học mới và Chính phủ yêu cầu bình ổn giá thịt lợn.

Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá thịt lợn; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, đồng thời không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới.

Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 60.000 đồng/kg, vào cuối năm thì giá lợn hơi có thể sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng, hơn nữa giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao khiến chi phí chăn nuôi tăng. Để hạ giá thành chăn nuôi, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước, chí phí thấp hơn, kiểm soát phòng chống dịch tả lợn châu Phi tốt. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang các nước láng giềng, tăng nguồn thịt nhập khẩu chất lượng.

Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 - đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022. Tổng số bò của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng khoảng 2,6%; tổng số lợn tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn).

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: Hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi; hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;…

Về đề xuất hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, dự thảo nêu rõ, hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu đối với cơ sở chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, các sàn giao dịch vật tư chăn nuôi để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhằm quảng bá sản phẩm; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ không quá 50% giá trị xây dựng kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 03 tỷ đồng/kho lạnh. Điều kiện được hỗ trợ là các dự án đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới giá cả. Tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 -15% so với những tháng trước đó. Cụ thể, số lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình mỗi năm là khoảng 4 triệu tấn; tháng Tết, nhu cầu tăng lên, ở mức khoảng 420.000 tấn. Theo Bộ Nông nghiệp, nếu giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg sẽ là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh tái đàn phục vụ cho nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.

Hiện 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam cũng duy trì tổng đàn khoảng 6,5 triệu con lợn để cung cứng thịt lợn cho thời điểm cuối năm với giá bình ổn. Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy, công tác tái đàn của địa phương trên cả nước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục