Giá lợn hơi giảm mạnh trên toàn cầu vì diễn biến mới tại Trung Quốc, người nuôi Việt Nam cần chú ý gì?

07/11/2021 17:25 GMT+7
Từ nay tới cuối năm 2021, ngành chăn nuôi lợn thế giới và trong nước sẽ tiếp tục đối mặt thách thức chi phí leo thang và giá cả không tăng...

Giá lợn hơi giảm toàn cầu 

Trong quý III/2021, ngành chăn nuôi lợn thế giới đối mặt thách thức giá giảm, chi phí leo thang. Giá lợn hơi toàn cầu có xu hướng giảm dưới tác động của sự phục hồi đàn lợn sau khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại Trung Quốc. 

Nguồn cung tại Trung Quốc đã phục hồi so với trước khi dịch bệnh diễn ra. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí sản xuất của các nhà chăn nuôi gia tăng. Xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra trong tháng 10 và 11/2021. Giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn tháng 12/2021 dao động ở mức 72 UScent/lb, giảm 15,5% so với cuối tháng 9/2021, nhưng vẫn tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành chăn nuôi lợn cuối năm 2021 đang đối mặt với điều gì? - Ảnh 1.

Nguồn: cmegroup.com

Trong quý III/2021, giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi) tăng cao và cung vượt cầu khiến giá lợn hơi đều giảm mạnh tại nhiều thị trường, ảnh hưởng chung tới chăn nuôi lợn toàn thế giới.

Tại các nước có ngành chăn nuôi lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc... người chăn nuôi cũng đối mặt với khó khăn tương tự. Phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, ngành thịt lợn của EU cũng đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung, giá xuất khẩu giảm mạnh. Đáng chú ý, sản lượng thịt lợn của EU dự báo tiếp tục tăng trong năm 2021 trong khi xuất khẩu thịt lợn của EU sang Trung Quốc giảm.

Ngành chăn nuôi lợn cuối năm 2021 đang đối mặt với điều gì? - Ảnh 2.

Giá lợn hơi giảm toàn cầu. Ảnh: BTC

Trong báo cáo quý mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cơ quan này ước tính đàn lợn của thế giới đạt khoảng 1.175 triệu con trong năm 2021, tăng khoảng 0,14% so với năm 2020 (tăng so với ước tính đưa ra trong tháng 4/2021 là 1.154 triệu con). 

Trong đó, đàn lợn của EU được dự báo tăng nhẹ 0,78% so với năm 2020, lên 271 triệu con. Số lượng lợn của Brazil và Mehico tăng lần lượt 2,9% và 2,56%. Ngược lại, đàn lợn tại Hoa Kỳ và Hàn Quốc giảm xuống lần lượt 139 triệu con (giảm 2,1%) và 19,7 triệu con (giảm 1,2%). 

Sản lượng thịt lợn toàn cầu dự báo tăng 5% trong năm 2021, lên 105,5 triệu tấn nhờ sự phục hồi sản xuất ở Trung Quốc và Việt Nam. 

Tiêu thụ thịt lợn toàn cầu năm 2021 ước tính tăng 8,46% so với năm 2020, lên 104,4 triệu tấn (tăng nhẹ 3,6% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2021 là tăng gần 101 triệu tấn). 

Dự báo này cho thấy lượng thịt lợn tiêu thụ toàn cầu vẫn thấp hơn sản lượng dù hầu hết các quốc gia đều ghi nhận tăng trưởng trong tiêu thụ thịt lợn, trừ Hoa Kỳ và Hàn Quốc giảm. Tiêu thụ tại Hoa Kỳ dự kiến giảm 2,35% xuống gần 9,8 triệu tấn, còn tiêu thụ tại Hàn Quốc giảm 0,25%, xuống 1,95 triệu tấn. 

Nuôi lợn tiếp tục đối mặt thách thức chi phí leo thang, giá không tăng...

Cũng như thế giới, trong quý III/2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi trong nước. Tại nhiều địa phương, giá các mặt hàng chăn nuôi giảm mạnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tái đàn thời gian tới. 

Ngành chăn nuôi lợn cuối năm 2021 đang đối mặt với điều gì? - Ảnh 3.

Nguồn: Trung tâm Thương mại và Công nghiệp tổng hợp.

Trong quý III/2021, giá lợn hơi trung bình trên cả nước giảm mạnh 26,1% – 30% so với quý trước đó, xuống khoảng 43.000-49.000 đồng/kg. Xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra đến ngày 22/10/2021, đặc biệt có một số địa phương giá lợn hơi xuống khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2021, giá lợn hơi đã phục hồi nhẹ sau khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, cùng với những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ ngành. Ngày 29-30/10/2021, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc dao động trong khoảng 49.000 – 52.000 đồng/kg, tăng 3.000-6.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2021; tại các tỉnh miền Trung và miền Nam dao động trong khoảng 45.000 – 52.000 đồng/ kg, tăng 1.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2021. 

Đến ngày hôm nay (7/11), giá lợn hơi tại miền Bắc phổ biến trong khoảng 44.000-47.000 đồng/kg; miền Trung-Tây Nguyên khoảng 45.000-48.000 đồng/kg và miền Nam khoảng 45.000-49.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong vài ngày đầu tháng 11, giá lợn hơi trong nước lại có dấu hiệu đi xuống so với cuối tháng 10.

Thực tế chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi đang rất cao. Giá thức ăn chăn nuôi đến hết quý III/2021 tăng từ 16 - 36%, trong khi thức ăn chiếm 65 - 70% giá trị con lợn. Nếu nuôi theo chuỗi từ con nái đến lợn thịt thì giá thành dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, còn nếu phải mua lợn giống giá thành từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Chưa kể người chăn nuôi còn gặp phải những rủi ro khác. Như vậy, với giá bán lợn hơi hiện nay, người chăn nuôi vẫn chưa đủ chi phí sản xuất.

Ngành chăn nuôi lợn cuối năm 2021 đang đối mặt với điều gì? - Ảnh 4.

Các trại heo đều đang mong chờ giá heo hơi khởi sắc. Ảnh chụp tại trại heo Hoa Phượng ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nha Mẫn.

Dự kiến của các Bộ ngành từ nay tới cuối năm, giá lợn hơi sẽ không có biến động lớn do lượng tiêu thụ thịt lợn vẫn còn thấp so với mức bình quân trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và xuất khẩu thịt lợn trong nước chưa có sự bứt phá. 

Do nhu cầu yếu nên ngay việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam đã có xu hướng giảm trong quý III/2021 và còn tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm. 

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III/2021, Việt Nam nhập khẩu 183,56 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 335,72 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 16,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Cũng trong quý III/2021, Việt Nam nhập khẩu 42,02 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 96,68 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Qua số liệu cho thấy, tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn tiêu thụ trong nước, phần lớn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu được tiêu thụ tại các nhà hàng. Sức mua giảm do dịch vụ ăn uống ngoài gia đình phục hồi chậm, nguồn cung dư thừa, cùng với việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn nên khả năng thời gian tới nhu cầu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ tiếp tục giảm. 

Ngành chăn nuôi lợn cuối năm 2021 đang đối mặt với điều gì? - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Cuối năm 2021, với tổng đàn lợn khoảng 28 triệu con, đàn gia cầm khoảng 523 triệu con, đàn bò gần 6,3 triệu con, đàn trâu đạt 2,34 triệu con, đàn dê đạt 2,65 triệu con, cừu đạt 115 nghìn con..., Việt Nam đủ năng lực cung ứng thực phẩm cho thị trường nội địa và còn dư để xuất khẩu. 

Tuy nhiên thời gian qua, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chưa xứng với sản lượng sản xuất hàng năm là do khâu chế biến yếu và thiếu. Để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn, cần xây dựng được thương hiệu đủ lớn của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó phải chủ động trọn gói các khâu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý III/2021, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam chỉ đạt 3,8 nghìn tấn, trị giá 17,25 triệu USD, giảm 23,4% về lượng và giảm 5,8% về trị giá so với quý II/2021. 

Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng kông là nhiều nhất, chiếm 46,9% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước với 1,78 nghìn tấn, trị giá 10,87 triệu USD, giảm 34,2% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với quý II/2021.

Ngành chăn nuôi lợn cuối năm 2021 đang đối mặt với điều gì? - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu vẫn là thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt ếch đông lạnh… Trong đó, thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm được xuất khẩu nhiều nhất và được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Hồng kông và Thái Lan.

Được biết, để gỡ khó cho ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán đầu năm 2022.




 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục