dd/mm/yyyy

Giá lợn hôm nay (26.7): Nhích dần lên mức 40.000 đồng/kg, treo chuồng hay vay vốn tái đàn?

Sau khi duy trì ổn định, giá lợn hôm nay đã tăng nhẹ. Tại các trang trại, thương lái đã chủ động tìm về đặt mua với mức giá tăng từ 100.000 đến 150.000 đồng/tạ.

Giá lợn hôm nay đã tăng nhẹ, người chăn nuôi vẫn hy vọng lên mức 40.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Giá 40.000 đồng/kg mới xuất chuồng

Giá lợn tăng chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc và chỉ diễn ra cục bộ ở tùng địa phương. Tuy nhiên, nhiều chủ trang trại vẫn cân nhắc chưa quyết định bán.

 Hôm nay có mấy lái buôn gọi điện trả giá đàn lợn nhà tôi 37.000 đồng/kg (tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với ngày 23 và 24/7), lợn giống khoảng 800.000 đồng/con nhưng tôi cũng chưa muốn bán.
Ông Phạm Văn Tính.

Ông Dương Văn Tuyến, một chủ trang trại ở Bắc Giang cho biết: "Hôm qua thương lái vào trả đàn lợn 80 con nặng trên một tạ của tôi với giá 36.000 đồng một kg. Nhưng sáng nay thấy mấy người gọi hỏi mua với giá 37.000 đồng, thậm chí có người trả tới 37.500 đồng một kg. Mấy hôm vừa rồi giá lợn đi xuống làm chúng tôi lo quá, giá lợn lên xuống cứ như chơi cổ phiếu vậy".

Còn tại trang trại của ông Phạm Văn Tính ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) nhiều lái buôn gọi điện đặt hàng. Tuy nhiên, do đàn lợn chỉ còn vài chục con khoảng trên dưới 1 tạ/con nên ông muốn "găm hàng" chờ giá lợn hơi tăng lên 40.000 đồng mới xuất chuồng.

Một số thương lái lâu năm khẳng định trong thời gian tới giá lợn có thể sẽ tăng nhẹ và ổn định ở mức xấp xỉ 40.000 đồng một kg vì lợn nuôi trong dân không còn nhiều, lượng hàng đổ về các chợ đầu mối khiêm tốn.

Chỉ khi giá lợn ổn định người nuôi mới yên tâm đầu tư. Ảnh minh họa

Diễn biến tăng nhẹ của giá lợn khiến cho người chăn nuôi có thêm hi vọng vào tình hình sẽ sớm ổn định trong thời gian tới.

"Tôi không cần giá lợn lên quá cao làm gì, chỉ cần ổn định ở quanh mức 40.000 đồng là người nông dân vừa có lãi, người tiêu dùng cũng không phải mua thịt với giá cao. Giá cả thị trường ổn định thì chúng tôi mới yên tâm chăn nuôi phát triển đàn lợn", ông Tuyến cho biết.

Để chuồng treo hay vay vốn tái đàn?

Đây là vấn đề được nhiều người chăn nuôi đặt ra lúc này. Ngay khi giá lợn tăng vọt lên ngưỡng 45.000 đồng/kg, nhiều người đã vội vã mua giống tái đàn đẩy giá con giống tăng vọt từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/con. Tuy nhiên ngay sau đó giá lợn quay đầu giảm liên tục, hiện giá con giống trong khoảng 800.000 đồng/con.

Chị Hoàng Thị Trang, một người chăn nuôi ở Đồng Nai, cho biết: "Tôi mới nuôi lợn được ba năm, những năm trước giá lợn khá ổn định, đem lại nguồn thu cho gia đình. Tuy nhiên từ cuối năm ngoái đến nay giá lợn hơi xuống quá thấp khiến bao nhiêu vốn liếng của gia đình đầu tư vào đàn lợn gần 500 con nay chẳng con bao nhiêu. Gia đình đã đầu tư khá nhiều vào hệ thống chuồng trại nếu giờ mà không nuôi nữa cũng phí, nhưng nếu tiếp tục duy trì đàn thì chúng tôi phải đi vay ngân hàng để có sức mà tiếp tục".

Thị trường lợn giống cũng biến động theo giá lợn hơi. Ảnh minh họa

 Cục Chăn nuôi đã có khảo sát và cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại thị trường trong nước đã bão hòa. Còn thị trường xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc chưa thể xong trong năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hết sức bấp bênh, nước bạn có thể “bịt” cửa khẩu bất cứ lúc nào. Việc tăng đàn hiện nay là hết sức mạo hiểm, nếu được thì không đáng bao nhiêu, nhưng nếu thất bại, thì thua lỗ sẽ rất lớn.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Còn ông Trương Quang Định (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: "Bao nhiêu vốn liếng đổ vào lợn hết rồi. Khi giá lợn xuống thấp phải bán tháo để cắt lỗ, giờ trong nhà tôi cũng không còn nhiều lợn, đang duy trì một ít lợn con để có việc mà làm hàng ngày. Đợt vừa rồi thấy giá lợn lên cao gia đình bàn tính nhau có nên tiếp tục tái đàn thời điểm này không, nhưng chưa kịp quyết định thì giá lợn lại xuống khiến chúng tôi loay hoay không biết phải làm sao. Nếu giờ mà duy trì tiếp phải đi vay vốn ngân hàng để tiếp tục chứ chúng tôi cũng lực cạn rồi, nếu giờ mà không vay được chắc bán hết lợn để chuyển nghề khác làm".

PGS TS Phạm Ngọc Thạch, chuyên gia chăn nuôi thú y, cho biết: "Vào thời điểm này người nuôi nên duy trì đàn nái, và phải chọn những con nái có chất lượng tốt, năng suất để duy trì, những con chất lượng kém thì nên loại thải để giảm thiểu chi phí. Đối với lợn thịt, lợn thương phẩm thì không nên duy trì vì duy trì đàn lợn này sẽ tốn nhiều chi phí thức ăn. Nếu không bán được sẽ càng lỗ thêm. Nếu phải vay vốn để duy trì những con nái có năng suất cao thì nên vay. Nếu ai cũng loại hết tất cả đi thì đến khi giá lợn lên lại không có để mà bán".

Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS Trịnh Quang Tuyên, chuyên gia chăn nuôi thú y cho rằng, nếu vay vốn nên vay ở mức vừa phải, không nên vay với số tiền lớn quá mà giá lợn thấp quá sẽ lỗ lớn. Nếu đầu tư vào liệu có gỡ gạc được không khi giá lợn chưa ổn định. Nếu bà con có điệu kiện chăn nuôi tốt nên duy trì đàn nái, nếu khu vực chăn nuôi chưa có hệ thống xử lý môi trường tốt hay nguồn vốn kém nên chuyển đổi.

Hữu Bình