Giá lúa gạo tiếp tục duy trì ở mức cao, thị trường sôi động

20/02/2023 14:39 GMT+7
Giá lúa gạo các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ở mức khá cao, cộng với tiêu thụ nhanh. Hiện các doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng mới với giá tốt...

Giá lúa gạo hôm nay 20/2: Thị trường sôi động phiên đầu tuần 

Giá lúa gạo hôm nay 20/2 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định ở mức cao. Hiện giá gạo nguyên liệu, thành phẩm ở mức 9.600 – 9.700 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.600 – 10.70 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm đi ngang. Hiện giá cám khô ở mức 8.650 đồng/kg; giá tấm ở mức 9.600 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, giá duy trì ổn định so với hôm qua. Cụ thể, Đài thơm 8 6.800 – 7.000 đồng/kg; OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.700 – 6.800 đồng/kg; hiện lúa OM 5451 6.400 – 6.600 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.100 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Giá lúa gạo tiếp tục duy trì ở mức cao, thị trường sôi động - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 20/2 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định ở mức cao.

Về xuất khẩu, trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay duy trì ổn định. Hiện giá gạo 5% tấm đang ở mức 463 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 443 USD/tấn.

Theo các nhà giao dịch dự kiến giá gạo xuất khẩu sẽ vẫn ở mức cao do nhiều quốc gia đang mua để tăng dự trữ quốc gia; trong đó có cả Trung Quốc và Indonesia.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, vào thời điểm này, các doanh nghiệp cũng ký được nhiều hợp đồng mới với giá khá tốt nên xu hướng thị trường tới đây không đáng ngại.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm trong tuần qua xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng do nhu cầu và đồng baht suy yếu.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 460 - 465 USD/tấn, giảm so với mức từ 480 - 490 USD/tấn trong tuần trước. Đồng baht suy yếu và đã làm giá gạo Thái giảm đi. Nhu cầu cũng thưa thớt và không có đơn đặt hàng lớn nào. Nhu cầu với gạo Thái vẫn trầm lắng và sẽ phải đợi đến khi có nhiều nguồn cung mới vào tháng 4/2023.

Tương tự như gạo Việt Nam, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức từ 395 - 402 USD/tấn trong tuần qua, không đổi so với tuần trước. Người mua vẫn mua gạo của Ấn Độ bất chấp giá tăng gần đây.

Theo các quan chức chính phủ và ngành, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục bất chấp việc Chính phủ hạn chế bán ra nước ngoài, do người mua tiếp tục mua hàng vì giá cả cạnh tranh.

Trong khi đó, giá gạo trong nước ở Bangladesh vẫn ở mức cao mặc dù được mùa và dự trữ tốt. Chính phủ nước này cũng đã nhập khẩu gạo trong khi các thương nhân tư nhân được phép mua gạo nhằm hạ nhiệt giá.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023 cả nước xuất khẩu 359.310 tấn gạo, thu về 186,6 triệu USD, giá trung bình 519,3 USD/tấn, giảm 17,3% về lượng và giảm 15,3% kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 2,5% so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 cũng giảm 29% về lượng, giảm 24,2% kim ngạch nhưng tăng 6,8% về giá.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 36% trong tổng lượng và chiếm 34,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt trên 129,32 triệu tấn, tương đương 64,55 triệu USD, giá trung bình 499,2 USD/tấn, giảm 40,2% về lượng, giảm 37,4% về kim ngạch nhưng tăng 4,7% về giá so với tháng 12/2022; cũng giảm 44,8% về lượng, giảm 41,4% về kim ngạch nhưng tăng 6% về giá so với tháng 1/2022.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2022 Việt Nam không xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia, nhưng tháng 1/2023 xuất khẩu sang thị trường này chiếm trên 23,9% trong tổng khối lượng và chiếm 21,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 85.925 tấn, tương đương 40,93 triệu USD, giá trung bình 476,4 USD/tấn, tăng 69,6% về lượng và tăng 65,2% kim ngạch; giá giảm nhẹ 2,6% so với tháng 12/2022.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 đạt 47.424 tấn, tương đương 28,39 triệu USD, giá 598,6 USD/tấn, tăng 10,3% về lượng, tăng 19,1% kim ngạch và tăng 8% về giá so với tháng 12/2022, cũng tăng 28,2% về lượng, tăng 49,5% về kim ngạch và tăng 16,7% về giá so với tháng 1/2022; chiếm trên 13,2% trong tổng lượng và chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu gạo sang các thị trường FTA RCEP đạt 282.351 triệu tấn, tương đương trên 144,73 triệu USD, giảm 18% về lượng, giảm 14,2% kim ngạch so với tháng 12/2022; giảm 10,6% về lượng, giảm 4,3% kim ngạch so với tháng 1/2022. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 19.679 tấn, tương đương 10,86 triệu USD, giảm 43% về lượng và giảm 36,2% kim ngạch so với tháng 12/2022; giảm 56% về lượng và giảm 50,8% kim ngạch so với tháng 1/2022.

Giá lúa gạo tiếp tục duy trì ở mức cao, thị trường sôi động - Ảnh 2.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam.

USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 tăng 0,6 triệu tấn so với dự báo trước, đạt 54,4 triệu tấn, song vẫn thấp hơn gần 4% so với kỷ lục của năm trước và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2019. Đó là dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo tháng 1/2023.

Xuất khẩu dự báo giảm. Cụ thể so với năm 2022, xuất khẩu năm 2023 dự báo sẽ giảm đồng loạt ở Argentina, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Pakistan, Paraguay, Nga, Senegal, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay và Mỹ. Xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm 1,3 triệu tấn và của Pakistan giảm 0,80 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng giảm. Xuất khẩu của Mỹ dự kiến sẽ giảm 10.000 tấn xuống 2,15 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 1992.

Ngược lại, Australia, Myanmar và Thái Lan dự kiến sẽ tăng xuất khẩu gạo trong năm 2023. Xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ tăng 0,6 triệu tấn lên 8,5 triệu - mức cao nhất kể từ năm 2018, chủ yếu là do Ấn Độ và Pakistan giảm xuất khẩu.

Nhập khẩu cũng dự báo giảm. Cụ thể dự báo nhập khẩu gạo trong năm 2023 so với 2022 sẽ giảm ở Angola, Australia, Bangladesh, Benin, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Costa Rica, Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Guinea, Iraq, Kenya, Hàn Quốc, Madagascar, Mali, Nigeria, Philippines, Senegal, Somalia, Sri Lanka, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Việt Nam. Ngược lại, nhập khẩu dự báo sẽ tăng ở Afghanistan, Congo (Kinshasa), Cuba, Ecuador, Liên minh Châu Âu, Ghana, Guinea-Bissau, Haiti, Kazakhstan, CHDCND Triều Tiên, Kuwait, Libya, Mexico, Nepal, Niger, Oman, Panama, Peru, Nga, Nam Phi, Thụy Sĩ, Syria, Tanzania, Thái Lan, Ukraine, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh, Mỹ, và Venezuela. Nhập khẩu của Mỹ và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ cao kỷ lục.

Tại Pakistan, thiệt hại do lũ lụt nghiêm trọng hơn so với ước tính ban đầu. Theo đánh giá sơ bộ, sản lượng lúa Pakistan niên vụ 2022/23 sẽ giảm xuống 6 triệu tấn, thấp nhất kể từ vụ 2012/13. Nguyên nhân chủ yếu do nước đọng kéo dài ở nhiều địa điểm khiến năng suất lúa giảm nhiều hơn so với dự đoán ban đầu. Chính phủ sẽ công bố thống kê chính thức về mức độ thiệt hại vào cuối tháng Hai.

Về xuất khẩu của Mỹ, do dự báo sản lượng trong nước giảm, xuất khẩu gạo niên vụ 2022/23 dự báo giảm xuống còn 3,6 triệu tấn. Thiệt hại do lũ lụt đối với cơ sở hạ tầng và giá cước vận chuyển tăng lên kết hợp với nguồn cung gạo trong nước thấp hơn đang dẫn đến giá xuất khẩu tăng và làm giảm triển vọng xuất khẩu gạo của Mỹ, với lượng xuất khẩu trong niên vụ 2021/22 ước tính không thay đổi so với năm trước, ở mức 4,5 triệu tấn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục