Giá máy xét nghiệm Covid-19 "nhảy múa", mỗi nơi một kiểu

PV Thứ sáu, ngày 01/05/2020 14:39 PM (GMT+7)
Sau khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) khởi tố vụ án mua máy xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương báo cáo việc mua hệ thống xét nghiệm Covid-19, từ đây dư luận thấy được tình trạng “loạn giá" thiết bị này.
Bình luận 0

Cùng loại máy, mỗi nơi một giá

Trong vụ việc tại CDC Hà Nội, theo điều tra ban đầu xác định hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu giá 2,3 tỉ đồng, sau khi phân phối mua bán lòng vòng giá được "thổi" lên 7 tỉ đồng.

Cùng với lãnh đạo, nhân viên của CDC Hà Nội, một nhân viên của Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông (đơn vị cung cấp máy xét nghiệm) cũng bị khởi tố.

img

Hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 ở mỗi địa phương một giá khác nhau. Ảnh minh họa (IT)

Tại Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh này đã ký hợp đồng với liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao mua thiết bị Realtime PCR giá 8,4 tỉ đồng.

Sở Y tế Quảng Ninh đã trình UBND tỉnh phê duyệt, nhưng sau cuộc làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Sở này đã ký phụ lục hợp đồng, giảm xuống còn 7 tỉ đồng. Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu, nhưng ngày 21/4 bên trúng thầu đã hoàn lại số tiền này.

Còn tại Ninh Bình, Công ty Tâm Việt cung cấp hệ thống xét nghiệm Realtime PCR với mức giá trúng khoảng 7,8 tỉ đồng. Công ty này đã từng liên danh với 20 nhà thầu trong 17 gói thầu và thắng thầu cả 17 gói. Tại Thái Bình, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng trúng thầu cung cấp máy xét nghiệm với giá gần 6 tỉ đồng...

Mỗi tỉnh, thành và bệnh viện mua hệ thống máy xét nghiệm Real time PCR với mức giá khác nhau. Sở Y tế Quảng Nam 7,2 tỷ đồng, CDC Hà Nội 7 tỷ, Sở Y tế Quảng Ninh 7 tỷ, Sở Y tế Thái Bình 6,48 tỷ, sau khi rà soát điều chỉnh lại 5,85 tỷ, Ninh Bình 5,98 tỷ, An Giang hơn 4,1 tỷ, Kiên Giang 3 tỷ, Gia Lai gần 2 tỷ, Yên Bái 1,8 tỷ, TP. Hồ Chí Minh 1,7 tỷ, Bình Thuận 1,6 tỷ, Quảng Trị 1,45 tỷ, Đà Nẵng 1,4 tỷ, Lâm Đồng 950 triệu đồng, Hải Phòng đi mượn.

Sở Y tế tỉnh Thái Bình cũng mua máy xét nghiệm Real-time PCR phục vụ chống dịch Codid-19 ở mức giá 5,8 tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Phạm Văn Dịu, máy xét nghiệm Sở này mua là máy móc hiện đại nhất (Cobas 4800) có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh chứ không chỉ xét nghiệm riêng Covid-19.

“Đây là mức giá đã được đàm phán với đơn vị cung cấp. Nhà cung cấp còn chủ động bán giá ưu đãi, khuyến mại 5 năm bảo hành, kèm theo 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng. Một năm bảo hành chi phí rất lớn, tương đương khoảng 5% hợp đồng. Nếu tính tổng giá trị được chiết khấu, giá sản phẩm này ở mức trên 4 tỉ đồng" - ông Dịu hay.

Sở Y tế Quảng Nam cũng đã mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19 với giá 7,2 tỷ đồng để trang bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam).

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, thông tin máy xét nghiệm được đưa vào sử dụng từ ngày 1/4. Trong cuộc họp gần đây nhất, ông Hai đã khóc và đề nghị trả lại máy cho doanh nghiệp, dù đã được chính doanh nghiệp này đề nghị giảm giá xuống còn hơn 4 tỷ đồng. 

Ngày 28/4 là thời hạn chót được Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR từ 1/3/2018 đến 29/2/2020. Bước đầu cho thấy có 15 tỉnh thành, bệnh viện hoặc viện trực thuộc Bộ Y tế đã mua sắm thiết bị này, trong đó có một số đơn vị đã mua trong giai đoạn chống dịch Covid-19. Ngoài ra, có nhiều tỉnh thành cho biết đã mượn thiết bị xét nghiệm. Riêng CDC Hà Nội vừa mua, vừa mượn thiết bị.

img

Các Sở Y tế, CDC, mỗi nơi mua một giá được cho là khác chủng loại, model...

Một số tỉnh thành như Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam... mua toàn bộ hệ thống, với giá phổ biến từ 5,9 - 8,4 tỉ đồng trước khi đàm phán giá lại.

Nhưng cũng có những tỉnh, thành mua được hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 với giá "rất sát thị trường" như Quảng Trị với mức 2,2 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, cơ bản trong số các thiết bị đã được mua, các tỉnh thành mua hệ thống xét nghiệm từ Công ty Phương Đông giá có cao hơn. Cho đến nay ngoại trừ Hà Nội thì Quảng Ninh và Thái Bình đã đàm phán giảm giá xong. Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị, đã sử dụng nhưng chưa thanh toán tiền cho bên trúng thầu.

Đàm phán lại giá, mượn dùng thử

Sau khi trường hợp của CDC Hà Nội bị "phát lộ", nhiều địa phương đã chuyển sang phương án mượn máy hoặc đàm phán lại mức giá trúng thầu.

Như tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, về việc giá của hệ thống xét nghiệm lên tới 7,5 tỷ đồng do hãng sản xuất hoặc nhà phân phối mua hàng về rồi định giá. Việc này tùy thuộc thị trường, loại máy móc để bán với giá như vậy. Tuy nhiên, trong lúc mua máy đã đàm phán và giảm xuống còn 7,2 tỷ đồng.

Sau khi có thông tin phản ánh từ các cơ quan truyền thông, bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty CP Giải Pháp Việt, cho biết hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 bán cho Quảng Nam được mua từ công ty khác chứ không phải nhập khẩu.

“Công ty mua máy từ đơn vị nhập khẩu với giá 5,2 tỷ đồng, sau đó bán cho tỉnh Quảng Nam với giá 7,23 tỷ. Trừ đi số tiền thuế nộp cho Nhà nước là 382 triệu, công ty còn lợi nhuận 1,04 tỷ”, bà Tuyến nói.

Bà Tuyến cho hay xét về tình và trong tình hình dịch bệnh, công ty đồng ý bán cho tỉnh Quảng Nam với giá giảm xuống còn 4,8 tỷ đồng. Công ty sẵn sàng chịu mức lợi nhuận 0% với mong muốn phòng chống dịch.

img

Giá máy xét nghiệm Realtime PCR  sau khi ký hợp đồng và vụ việc CDC Hà Nội bị phát lộ, các Sở Y tế còn "đàm phán lại, giảm giá hàng tỉ đồng" (Ảnh: IT)

Còn TP.Hải Phòng ban đầu có thông tin đã trang bị hệ thống máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động trị giá gần 10 tỉ đồng đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng TP để phục vụ xét nghiệm Covid-19. 

Ngay sau vụ việc CDC Hà Nội, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định Hải Phòng chưa phê duyệt bất kỳ kế hoạch đấu thầu cũng như chưa chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 liên quan đến máy xét nghiệm Realtime PCR tự động.

Theo ông Nam, Sở Y tế Hải Phòng trước đó đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH Y tế Phương Đông hỗ trợ cho mượn một hệ thống thiết bị Realtime PCR tự động trong thời gian chưa hoàn tất thủ tục mua sắm thiết bị.

Đại diện Bộ Công an cho biết, ngay từ khi C03 vào cuộc vụ "thổi giá" máy xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nội, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo rà soát các địa phương khác. Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và UBND các tỉnh thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, hình thức lập hợp đồng phụ để "mượn" máy móc của doanh nghiệp dưới góc độ pháp luật dân sự việc thỏa thuận là hoàn toàn tự nguyện giữa các bên mà pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều khả năng loại hợp đồng đó về bản chất không phải là hợp đồng dân sự thuần túy mà có khả năng đó chính là hợp đồng giả cách để che đậy. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm cũng phải xử lý nghiêm khắc.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem