Giá nhập khẩu phân bón tháng 2 tăng vọt, Việt Nam chi gần 10 triệu USD nhập khẩu mặt hàng này từ Nga

15/03/2022 07:41 GMT+7
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu trung bình đối với phân bón trong 2 tháng đầu năm đã vọt lên 480,7 USD/tấn, tăng 85% so với cùng kỳ.

Nga cung cấp phân bón nhiều thứ hai cho Việt Nam

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, Việt Nam nhập khẩu 269.747 tấn phân bón, tương đương 131,43 triệu USD, giảm 16,4% về lượng và giảm 14,4% về kim ngạch so với tháng trước đó.

So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu mặt hàng này giảm 8,4% về lượng nhưng tăng 74,3% kim ngạch.

Giá nhập khẩu trong tháng 2 tăng 2,4% so với tháng 1 nhưng cao hơn 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 594.518 tấn, trị giá trên 285,77 triệu USD, giảm 3,2% về lượng nhưng tăng mạnh 79,2% về trị giá.

Giá nhập khẩu phân bón tháng 2 tăng vọt, Việt Nam chi gần 10 triệu USD nhập khẩu mặt hàng này từ Nga - Ảnh 1.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu trung bình đối với phân bón trong 2 tháng đầu năm đã vọt lên 480,7 USD/tấn, tăng 85% so với cùng kỳ.

Giá nhập khẩu phân bón trung bình 2 tháng qua đạt 480,7 USD/tấn, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nhớ, cùng thời điểm này năm 2021, giá nhập khẩu phân bón được Tổng cục Hải quan công bố chỉ 259,7 triệu USD/tấn.

Về thị trường, trong tháng 2, Việt Nam mua 88.869 tấn từ Trung Quốc với giá 403,3 USD/tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam. Nhập khẩu từ thị trường Nga giảm  trên 67% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 1, ở mức 17.567 tấn, tương đương 9,71 triệu USD.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 594.518 tấn, trị giá trên 285,8 triệu USD. Trung Quốc đứng đầu với 226.191 tấn, kim ngạch hơn 93 triệu USD.

Nga cung cấp phân bón nhiều thứ hai cho Việt Nam, sau Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm với 71.341 tấn, tương đương 39,4 triệu USD. Nước này chiếm 12% tổng tượng và 13,8 trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Belarus đứng thứ ba với 52.833 tấn, tương đương 30,9 triệu USD, chiếm 8,9% trong tổng lượng và chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Cuộc chiến tại Ukraine đang ảnh hưởng lên thị trường phân bón vì Nga là nhà sản xuất lớn trên thế giới. Mỗi năm, nước này sản xuất khoảng 50 triệu tấn, chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu.

Theo bản tin thị trường nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong tháng 2/2022, giá bán lẻ trung bình của hầu hết các loại phân bón tiếp tục tăng so với tháng trước.

Hầu hết các loại phân bón tiếp tục có giá cao hơn đáng kể so với một năm trước đó. MAP hiện đắt hơn 44%, DAP cao hơn 46%, Urê cao hơn 95%, kali đắt hơn 102% so với năm ngoái.

Hàng năm Việt Nam sản xuất hơn 8 triệu tấn phân bón các loại và nhập khẩu thêm khoảng 4,5 triệu tấn. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021 nhập khẩu phân bón của cả nước đạt 4,54 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng, tăng 52,6% về trị giá. Giá nhâp khẩu trung bình các loại phân bón trong năm qua tăng 27,8% về giá so với năm 2020

Trong đó, Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2,02 triệu tấn, trị giá 610,29 triệu USD, tăng 27,3% về lượng, tăng 65,6% về trị giá.

Phân bón nhập khẩu từ Đông Nam Á là 504.838 tấn, trị giá 190,44 triệu USD, tăng 37,2% về lượng, tăng 117,4% về trị giá. Tiếp đến thị trường Nga, với 386.193 tấn, trị giá 143,53 triệu USD, tăng 7,9% về lượng, tăng 30,3% trị giá.

Chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga

Nhằm duy trì đảm bảo nguồn cung phân bón, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên theo dõi; nắm chắc diễn biến tình hình thị trường thế giới, khu vực và trong nước, trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng, chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, chủ động đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân kali.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật.

Ngành công thương tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Bộ Tài chính rà soát, xem xét các chính sách về thuế đối với phân bón. Trước mắt, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP và MAP.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phân bón tại địa phương phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các cơ quan chuyên môn tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là phân bón hữu cơ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


An Vũ
Cùng chuyên mục