Giá nông sản hôm nay (5.7), dự báo thị trường cà phê sẽ có nhiều biến động. Ảnh minh họa.
Thị trường cà phê đầy "căng thẳng"
Thị trường cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày hôm qua (4.7) không theo xu hướng tăng của giá thế giới mà lại quay đầu giảm nhẹ, với mức giảm 100 đồng/kg so với phiên cuối tuần. Theo đó, giá cà phê tại khu vực này vẫn duy trì trên mức 45.000 đồng/kg, một số nơi sát mức 46.000 đồng/kg. Tại cảng TP. Hồ Chí Minh, giá cà phê robusta theo giá FOB phiên 4.7 cũng điều chỉnh giảm 3 USD xuống mức 2.076 USD/tấn.
Đáng chú ý là mặc dù giá cà phê tại Việt Nam đã tăng mạnh vào nửa cuối tuần trước nhưng các giao dịch hàng thực vẫn rất khiêm tốn, do hiện đang vào cuối vụ và hầu hết nông dân đã gửi cà phê thu hoạch được cho đại lý từ trước. Được biết, một lượng lớn cà phê còn tồn (khoảng 5 triệu bao) lại đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI chuyên xuất khẩu cà phê, và những doanh nghiệp này thường dùng lượng tồn kho này để "làm giá", hoặc bán ra để "ăn" chênh lệch trừ lùi so với giá kỳ hạn.
Trong khi đó, tại hai sàn giao dịch cà phê thế giới đều tràn ngập sắc xanh trên tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, trên thị trường giao dịch London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9.2017 trong phiên 4.7 chốt mức 2.149 USD/tấn, tăng 3USD so với phiên giao dịch ngày 3.7. Trong khi đó, giá cà phê giao ngay trong tháng 7.2017 tăng 14 USD/tấn, đạt mức 2.181 USD/tấn. Lượng giao dịch không nhiều, chưa bằng một nửa so với phiên giao dịch trước đó.
Đáng chú ý, giá cà phê arabica trên sàn New York tiếp tục duy trì xu hướng tăng khá phiên thứ 2 với khối lượng cà phê giao dịch ở mức trung bình. Cụ thể, giá kỳ hạn tháng 9 đạt 127,7 cent/lb, tăng 2,0 cent/lb so với ngày 3.7. Giá cà phê arabica giao ngay cũng tăng 1,80 cent/lb, đạt 125,85 cent/lb.
Giá cà phê tham khảo tại thị trường Tây Nguyên ngày 4.7. Nguồn: tintaynguyen.com
Các thương nhân xuất khẩu cà phê tại Việt Nam dự đoán lượng hàng xuất khẩu trong 3 tháng còn lại của niên vụ cà phê 2016/2017 sẽ giảm rất đáng kể do nguồn cung bị thắt chặt và tồn kho gối vụ dự kiến sẽ rất thấp. Dựa trên mức giá hồi cuối tuần qua cũng như nguồn cung robusta trên thị trường tiếp tục căng thẳng, một số nhà phân tích cho rằng giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn có thể tăng lên quanh mức 2.200 USD/tấn, theo đó giá nội địa có thể tăng thêm 0,5-1 triệu đồng/tấn.
Giá hồ tiêu còn dư địa hồi phục
Trên thị trường hồ tiêu nội địa, giá giao dịch ngày 4.7 không thay đổi so với cuối tuần trước, ổn định ở mức 76.000 - 78.000 đồng/kg. Mặc dù giá hồ tiêu đã sụt giảm rất mạnh (so với cuối năm 2016 đã giảm tới 57.000 - 61.000 đồng/kg), song theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đối với thị trường xuất khẩu, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn dư địa tăng giá, vì nhu cầu thế giới đang tăng và Việt Nam lại là nước xuất khẩu số một thế giới nên hoàn toàn có thể làm thay đổi cục diện thị trường thế giới.
Giá hạt tiêu nội địa đang ở mức thấp, song các chuyên gia cho rằng về dài hạn, giá tiêu Việt Nam sẽ phục hồi vì nhu cầu tiêu thụ của thế giới vẫn tăng. Ảnh minh họa.
Theo phân tích của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Intimex Group, 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 18,3% so với cùng kỳ 2016, với sản lượng xuất khẩu đạt 126.000 tấn và 714 triệu USD, tăng 18,3% về khối lượng. Dù giá trị thu về giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2016, song có thể thấy nhu cầu thị trường toàn cầu đối với mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng, lượng tiêu thụ hạt tiêu của nước ta vẫn thuận lợi.
Theo VPA, mỗi năm thế giới cần khoảng 300.000 tấn, năm nay Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 180.000 tấn. Trong 6 tháng qua, nước ta đã xuất khẩu 126.000 tấn, nghĩa là lượng tiêu trong nước đang còn tồn khoảng 54.000 tấn. Nếu chúng ta không ra hàng, thị trường sẽ bị thiếu nguồn cung, vì trên thị trường không có nguồn hàng nào có thể lấp vào khoảng thiếu hụt này, như vậy hồ tiêu vẫn có cơ hội tăng giá trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.