Hồ tiêu chất đầy trong kho của nông dân và doanh nghiệp. Ảnh: Đăng Nhật
Nghìn tỷ “hốc hơi” sau vài tháng
Gia đình chị Vũ Thị Hồng (thôn 4, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai) có 4ha hồ tiêu kinh doanh năm thứ 3, nhờ chăm sóc tốt nên vụ này nhà chị thu hoạch được 20 tấn tiêu khô. Giá tiêu đầu vụ khoảng 130.000 đồng/kg, thấp hơn 70.000 đồng/kg so với cùng kỳ nhiều năm nên chị Hồng đã trữ lại, chỉ bán 2 tấn để lấy tiền trang trải sinh hoạt và trả tiền vật tư, nhân công. Còn 18 tấn chị trữ lại chờ giá lên, nhưng càng chờ càng mất, vì giá tiêu sụt giảm từng ngày.
“Cách đây 2 tháng, giá tiêu vẫn còn ở mức 110.000 đồng, chồng tôi định bán nhưng tôi không đồng ý vì vẫn hy vọng giá lên, nào ngờ hôm nay chỉ còn 70.000 đồng. Với 18 tấn tiêu trữ lại, so với giá đầu vụ thì gia đình tôi đã mất trắng hơn 1 tỷ đồng rồi” – chị Hồng chua chát nói.
Hỏi sao không bán lúc mới thu hoạch, chị Hồng cho biết: “Năm trước 20 tấn tiêu của gia đình tôi bán được 4 tỷ đồng, còn nếu bán giá đầu vụ này thì chỉ thu được 2,6 tỷ đồng, lỗ mất 1,4 tỷ làm sao mà bán được?”.
Tương tự, gia đình anh Lê Việt Đức (thôn Brêp, xã Đăk Djrăng, Mang Yang, Gia Lai) có 1,1ha hồ tiêu kinh doanh, vụ này thu hoạch được 5 tấn. Đầu tư hết 500 triệu đồng, đến lúc thu hoạch giá tiêu xuống 130.000 đồng, rồi 110.000 đồng anh đã choáng, ai ngờ hiện chỉ còn 70.000 nghìn đồng. Anh Đức buồn rầu nói: “Gia đình tôi bấm bụng vay mượn để sinh hoạt và trả nợ, chờ giá lên mới bán tiêu. Cũng vì chờ giá mà tôi mất gần 300 triệu đồng rồi”.
Hiện không có số liệu chính xác về sản lượng hồ tiêu còn tồn trong dân, nhưng tại hầu hết các địa phương ở Tây Nguyên, PV Dân Việt đều ghi nhận việc trữ tiêu chờ giá rất phổ biến.
Ông Trịnh Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, Đăk Nông cho biết: “Xã có hơn 3.000ha hồ tiêu, sản lượng mỗi năm khoảng 6.000 tấn. Qua nắm bắt tình hình thì những người ít vốn đã bán tiêu ngay sau khi thu hoạch, còn những hộ có điều kiện thì trữ lại, theo tôi biết thì có nhà trữ tới 40 – 50 tấn tiêu”.
Như vậy trên toàn vùng Tây Nguyên, con số thiệt hại của nông dân trong mấy tháng qua ước tính đã lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Bán tháo hay trữ tiếp?
Không chỉ nông dân bị thiệt hại vì giá hồ tiêu giảm mà giới kinh doanh hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng đang điêu đứng.
Không chỉ nông dân thiệt hại, mà giới kinh doanh hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng đang điêu đứng.
Bà Bùi Thị Vượt (chủ một cơ sở kinh doanh nông sản ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết: “Nông dân vẫn đang găm hàng chờ giá nên chưa thể nói là họ lỗ hay lời, còn những người kinh doanh thì lỗ nặng. Vừa rồi giá tiêu xuống 97.000 đồng, nghĩ chạm đáy rồi nên ai cũng dốc hết vốn liếng ra mua, nhưng chỉ hơn tháng sau đã xuống 70.000 đồng, mỗi tấn tiêu chúng tôi lỗ 27 triệu đồng”.
Ông Trịnh Đức Anh cũng xác nhận, trên địa bàn xã Nâm N’Jang có nhiều đại lý kinh doanh bị lỗ nặng, do phán đoán giá tiêu sẽ tăng nên dốc tiền mua trữ, nhiều người mua vào số lượng lớn khi giá đang ở mức 110.000 – 130.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - cho biết: “Tôi không thể ngờ giá tiêu lại tụt dốc không phanh như vậy, thiệt hại của người trồng tiêu trong mấy tháng qua là rất lớn. Do người dân găm hàng nên thời gian tới giá có thể tăng nhưng không nhiều, còn về dài hạn thì dự báo 2 năm tới giá tiêu còn giảm mạnh hơn nữa”.
Cũng theo ông Bính, tốt nhất là người dân nên ngưng trồng mới hồ tiêu trong vòng 5 năm tới, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.