Giá ô tô giảm sốc vẫn “ế” hàng không bán được do dịch Covid-19

Quỳnh Chi Thứ năm, ngày 16/04/2020 16:25 PM (GMT+7)
Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, trong đó có ngành ô tô. Tính đến hết tháng 3/2020, doanh số bán ô tô của các thành viên VAMA giảm 33% so với cùng kì năm ngoái.
Bình luận 0

Doanh số lao dốc thảm hại

Theo báo cáo bán hàng mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), trong tháng 3/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 19.154 xe, tăng 8% so với tháng 1/2020 và giảm 41% so với tháng 2/2019.

img

Do ảnh hưởng Covid-19, thị trường xe ô tô trong nước liên tục giảm mạnh trong những tháng đầu năm

Xét tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3/2020 giảm 33% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 26% và xe chuyên dụng giảm 32% so với cùng kì năm ngoái. Tính đến hết tháng 3/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28% trong khi xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kì năm ngoái.

Doanh số của hầu hết các thành viên VAMA đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Thaco tiêu thụ được 16.149 xe trong quý I (giảm 29% so với năm 2019), Toyota Việt Nam giảm 28%; Honda Việt Nam giảm 39%; Ford Việt Nam giảm 48%...

Doanh số lao dốc do dịch Covid-19 khiến nhiều hãng ô tô phải dừng hoạt động, đóng cửa sản xuất. Cụ thể, Ford là hãng xe đầu tiên tại Việt Nam chính thức tạm dừng sản xuất kể từ ngày 26/3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc lắp ráp xe có thể bị trì hoãn tới nhiều tuần. Ngay sau đó, VinFast cũng đưa ra thông báo tạm thời đóng cửa toàn bộ đại lý thuộc hệ thống trung tâm thương mại Vincom tại Hà Nội và TP. HCM vào ngày 27/3. Sáng 28/3, đến lượt Toyota và Lexus Việt Nam thông báo tạm thời đóng cửa đại lý và chi nhánh tại Hà Nội, bao gồm phòng trưng bày và xưởng dịch vụ. 

Không lâu sau thông báo, Toyota Việt Nam đã tiếp tục tạm ngưng sản xuất ngay từ 30/3 với thời gian hoạt động trở lại tùy thuộc vào tình hình dịch COVID-19 cùng nhu cầu thị trường, tình hình chuỗi cung ứng, tồn kho của các đại lý và quy định của Chính phủ. Mới đây nhất, TC MOTOR cho biết sẽ tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy lắp ráp ô tô Hyundai tại Ninh Bình từ ngày 1/4 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 15/4/2020

Để kích cầu tiêu dùng, các hãng xe cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi và khuyến mại lên tới hàng trăm triệu đồng với mỗi xe.

Sau loạt ô tô giảm giá hơn 100 triệu đồng giữa mùa dịch Covid-19 như Toyota Fortuner, Innova, Honda CR-V, Mazda CX-8,... mới đây hãng xe Volswagen đã điều chỉnh giảm giá 2 sản phẩm Tiguan Allspace và Passat lên đến hơn 200 triệu đồng. 

Hãng xe Mazda cũng tung ra các ưu đãi cho tất cả dòng xe như Mazda 2, Mazda 3, Mazda 6, CX-8... Cụ thể, Mazda 2 bản mới giảm 20 triệu, trong khi bản cũ giảm 30-40 triệu đồng. Mazda 3 giảm 10-30 triệu đối với mẫu cũ và 10 triệu đồng với mẫu mới, Mazda 6 giảm đồng đều 20 triệu đồng. CX-5 giảm 30-50 triệu đồng và CX-8 giảm mạnh nhất 50-100 triệu đồng.

Hàng loạt đề xuất “cứu cánh”

Trước những khó khăn mà ngành ô tô đang phải đối diện, để kích cầu tiêu dùng, vừa qua Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm. Trong đó, Bộ Công thương đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để hỗ trợ ngành ô tô. Đáng chú ý là đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. 

img

Mới đây, Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để hỗ trợ ngành ô tô

Theo Bộ Công thương, tiêu thụ ô tô đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm, trong khi tồn kho tăng tới 122% so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đề xuất giảm lệ phí trước bạ, Bộ Công thương còn kiến nghị một số giải pháp khác để hỗ trợ ngành ô tô, như gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đến hết quý 1/2021,

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm.

Trong đó, Bộ Công thương đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để hỗ trợ ngành ô tô. Đáng chú ý là đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.

Hiện nay, mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm tùy theo từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Cụ thể, mức lệ phí trước bạ đối với ôtô con tại Hà Nội và 7 tỉnh thành khác như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức phí trước bạ là 11%; TP Hồ Chí Minh và các khu vực còn lại chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%. Xe bán tải có mức lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô con.

Nếu đề xuất này được thông qua, số tiền để mua một chiếc xe có thể giảm từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Trước đó, VAMA đã có báo cáo gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng. VAMA cho rằng, nếu được thông qua, kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số ô tô toàn thị trường, trước tương lai ảm đạm vì dịch bệnh.

Một số chuyên gia cho biết, doanh số ô tô trong tháng 4 được dự báo tiếp tục sụt giảm mạnh do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tâm lý dè chừng của người mua trong đại dịch Covid-19 cùng áp lực thanh lý hàng tồn kho của các mẫu xe 2018, 2019 khiến các đại lý buộc phải kích cầu dẫn đến giá ô tô sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem