Giá phân bón nhập khẩu trong tháng 8 tăng hơn 15%

19/09/2022 16:46 GMT+7
Giá phân bón nhập khẩu trung bình trong tháng 8 là 457,4 USD/tấn, tăng 15,4% với tháng trước đó và cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu phân bón tăng 46%

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 246.015 tấn phân bón, tăng 46% và tương đương 112,5 triệu USD, cao hơn 68% so với tháng 7. 

Giá nhập khẩu trung bình trong tháng 8 là 457,4 USD/tấn, tăng 15,4% với tháng trước đó và cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 8, nhập khẩu từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tăng 2,3% về lượng, tăng 12% kim ngạch so với tháng 7 và ở mức 110.166 tấn, tương đương 47,21 triệu USD. Giá trung bình nhập từ Trung Quốc là 428,6 USD, tăng gần 10% về giá so với tháng 7 và 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 2,2 triệu tấn, trị giá trên 1,02 tỷ USD, giảm 31% về khối lượng nhưng tăng 12,2% về kim ngạch. Giá trung bình 467 USD/tấn, tăng 62,4% so với cùng kỳ 2021. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 48,2% trong tổng lượng và chiếm 42,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, ở mức 1,1 triệu tấn, tương đương 434,3 triệu USD. Con số này thấp hơn 26,9% về lượng nhưng cao hơn 9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá mặt hàng này mua từ Trung Quốc là 411,2 USD/tấn, tăng gần 50%.

Trong 8 tháng qua, Việt Nam mua 150.457 tấn, tương đương 97,7 triệu USD từ Nga. Giá trung bình 649,5 USD/tấn, tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á trong 8 tháng là 179.822 tấn, tương đương 112,7 triệu USD, giảm mạnh 53,7% về lượng, giảm 15% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 8,2% trong tổng lượng và chiếm 11% trong tổng kim ngạch mặt hàng này.

Lượng nhập khẩu từ thị trường Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là 1,6 triệu tấn, tương đương 645,1 triệu USD, giảm 26% về lượng nhưng tăng 8,6% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 72,7% trong tổng lượng và chiếm 63% trong tổng giá trị của mặt hàng này.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 383.117 tấn, tương đương 131 triệu USD, giảm 7,2% về lượng nhưng tăng 56% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 13% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước.

Không gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu 

Bộ Công Thương quyết định không gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu theo Quyết định 1845/QĐ-BCT, ngày 14/9/2022.

Bộ Công Thương cho biết sẽ không gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu sau khi nhận thấy không còn hiện tượng chênh lệch giá giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.

Cục Phòng vệ Thương mại cho biết Bộ Công Thương ra quyết định không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu kể từ ngày 7/9/2022. Trước đó, ngày 20/10/2021, Cơ quan điều tra nhận được hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số một số sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu bởi đại diện ngành sản xuất trong nước gồm ba công ty: CTCP DAP- Vinachem, CTCP DAP số 2–Vinachem và CTCP hóa chất Đức Giang.

Các sản phẩm phân bón có một trong các thành phần có hàm lượng như sau sẽ được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ chính thức: Ni-tơ (N) 7% ; Lân (P.05) 30% và Ka-li (K,O) 3%. Cơ quan điều tra đánh giá không tồn tại hiện tượng chênh lệch giá, kìm giá, ép giá giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, lượng nhập khẩu là hợp lý và bổ sung nguồn cung đang thiếu của ngành sản xuất trong nước.


An Vũ
Cùng chuyên mục