Giá phân bón tăng "phi mã", Bộ NN&PTNT đề nghị thanh tra toàn diện

10/08/2021 11:57 GMT+7
Chỉ trong khoảng nửa năm, giá phân bón tăng trung bình 50-73%, thậm chí có loại tăng 83%. Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón tại các tỉnh phía Nam.

Nguồn cung không thiếu, giá phân bón vẫn tăng dựng đứng

Ngày 9/8, Tổ trưởng Tổ công tác 970, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam có công văn gửi Tổ công tác 970 của Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch COVID-19.

Theo Bộ NN&PTNT, tổng hợp từ số liệu sản xuất trong nước và nhập khẩu phân bón tính đến ngày 8/8 cho thấy giá phân bón hiện nay tăng vọt so với đầu năm 2021. 

Phân bónGiá (đồng/kg)Mức tăng (%)

Phân đạm Cà Mau

11.700

72%

Phân DAP Đình Vũ

14.300

67,3%

Phân NPK Bình Điền

10.760

24,3%

Phân SA bột của Trung Quốc

5.250

60,6%

Phân DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc

16.800

50%

Tại cuộc họp về tình hình tiêu thụ lúa hè thu của Bộ NNPTNT và các tỉnh phía, Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác 970 tỏ ra bức xúc khi giá phân bón tăng rất cao, có loại tăng 83% so với thời điểm tháng 1/2021 dù những khó khăn trong lưu thông đã được tháo gỡ.

"Giá phân bón sản xuất trong nước tăng quá cao như vậy thì nông dân làm sao chịu nổi?" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt câu hỏi.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, giá vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tăng cao; việc kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, nhập khẩu không rõ nguồn gốc, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến thực phẩm, tình trạng đầu cơ tích trữ, tạo khan hiếm giả để tăng giá thu lợi đang là vấn đề bức xúc, làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, môi trường, sức khỏe người dân.

Trước đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết sau đại dịch COVID-19, một số nước trên thế giới bước đầu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chính vì thế lượng sử dụng phân bón tăng trên phạm vi toàn cầu.

Các nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón của thế giới tăng rất cao. Lưu huỳnh tăng trên 200% so với thời điểm thấp nhất của năm 2019; amoniac tăng gần 200%, kéo theo đó là những phân bón đơn, như ure, DAP, super lân… tăng giá theo.

Tiếp đến, giá dầu khí thế giới tăng, nhiên liệu tăng, do vậy quá trình vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, do COVID-19, container thiếu hụt trầm trọng, có lúc chi phí vận chuyển container tăng đến 5 lần so với trước đây. Đó là những nguyên nhân chính làm tăng giá phân bón.

Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ các nguyên nhân khác như quá trình điều phối lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, do chúng ta gần nước nông nghiệp lớn là Trung Quốc, ảnh hưởng từ Trung Quốc về hóa chất, phân bón rất lớn.

Trung Quốc có hệ thống chính sách thuế với phân bón rất nhanh nhạy và biên rất rộng. Trong thời gian qua, Trung Quốc bằng rất nhiều hình thức đã hạn chế xuất khẩu, chính vì thế, chúng ta có thể thiếu một cách cục bộ phân bón theo thời gian cho một số các giai đoạn.

Nguyên nhân cuối cùng, vụ hè thu là vụ sử dụng phân bón rất lớn trên toàn quốc, do vậy có thể có những lúc nhu cầu phân bón tăng cao.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật riêng 6 tháng đầu năm 2021, thống kế cho thấy sản xuất phân bón trong nước đều tăng 5% so với cùng kỳ của năm 2020, lượng nhập khẩu cũng tăng khoảng 6%. 

Giá phân bón tăng "phi mã", Bộ NN&PTNT đề nghị thanh tra toàn diện - Ảnh 2.

Sản xuất phân bón tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ). Ảnh: Minh Ngọc

Sản xuất tăng, nhập khẩu tăng và nhu cầu sử dụng không tăng, giữ ổn định so với năm 2020, thậm chí còn giảm bởi trong chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều diện tích trồng trọt đã chuyển đổi sang mục đích khác.

Vậy với cung - cầu như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định nguồn cung phân bón của chúng ta không thiếu. 

"Có thể, việc khan hiếm chỉ mang tính chất cục bộ ở một số nơi nào đó hoặc một số thời điểm nào đó. Còn về khả năng cung ứng để phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp hoàn toàn chúng ta có thể đáp ứng được", ông Hoàng Trung cho biết.

Giá phân bón tăng mạnh, đề nghị tăng cường thanh kiểm tra

Theo đó, Tổ công tác 970 đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố Nam Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh, Thanh tra Sở NNPTNT phối hợp với các sở ban ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phụ gia thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên rà soát, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản), không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng, tạo khan hiếm giả kiếm lời.

Tổ công tác 970 cũng lưu ý khi triển khai thanh, kiểm tra cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành để tránh chồng chéo, gây phiền hà cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.

Theo dữ liệu Vietstock cho thấy, 14 doanh nghiệp phân bón – hóa chất niêm yết trong quý II/2021 đã tạo ra tổng cộng 13,664 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so cùng kỳ; lãi ròng tăng 55%, đạt 1,490 tỷ đồng. Toàn bộ nhóm đều báo lãi, trong đó 11 đơn vị báo lãi tăng, 2 đơn vị báo lãi giảm và 1 đơn vị chuyển lỗ thành lãi.


Mai Lan
Cùng chuyên mục