Giá tiêu hôm nay 5.10: 3 nguyên nhân khiến giá tiêu giảm, nhiều nước châu Âu muốn nhập khẩu tiêu Việt

H.L Thứ năm, ngày 05/10/2017 04:25 AM (GMT+7)
Theo phân tích chung của các chuyên gia, Bộ, ngành, giá tiêu giảm trong thời gian qua và đứng ở mức giá thấp trong mấy ngày hôm nay, xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: Sản lượng trong nước tăng, tác động từ thị trường thế giới và chưa xây dựng được chuỗi sản xuất tiêu sạch.
Bình luận 0

1.Sản lượng tăng đột biến do người dân đổ xô trồng tiêu:

Bộ NNPTNT ước tính sản lượng hồ tiêu vụ 2017 sẽ khoảng 215.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, sản lượng tăng cao tới mức không thể kiểm soát được đang khiến sản xuất hồ tiêu của nước ta đi vào trạng thái không còn bền vững.

img

Giá tiêu trong nước liên tục giảm là do phát triển quá ồ ạt, không theo quy hoạch.

Chính vì thế, dù khối lượng xuất khẩu tiêu 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 181.000 tấn và 966 triệu USD, tăng 23% về khối lượng nhưng lại giảm 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2017 đạt 5.377,3 USD/tấn, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Nông dân nhiều nơi đang bắt đầu hoang mang khi giá xuống đã gần sát với mức đầu tư, đặc biệt là với nông dân vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng hồ tiêu. Cũng vì biến động giá, diện tích hồ tiêu trồng mới có phần chững lại, ở một số tỉnh trồng hồ tiêu diện tích lớn số lượng và giá cả dây tiêu giống và trụ tiêu bán ra đều giảm mạnh.

Nông dân Đăk Lăk, Đăk Nông thấy giá tiêu xuống mạnh đã bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác có triển vọng thị trường tốt là bơ, sầu riêng, còn ở Bình Phước, Đồng Nai… nhiều vườn tiêu đã được chuyển sang trồng bưởi da xanh…

Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT:  Không thể cứ vì hồ tiêu mang lại lợi nhuận khủng mà phát triển nóng, tăng diện tích ồ ạt như những năm qua. Do đó, doanh nghiệp và ngành trồng trọt phải sớm xác định được các vùng trồng tập trung đối với hồ tiêu, sau đó đẩy mạnh đầu tư, phát triển ở những vùng này. Việc tiếp theo là liên kết sản xuất tại các vùng tập trung này.

Ngoài ra, sau khi xác định được các vùng sản xuất tập trung, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải phát huy vai trò cầu nối, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, hội viên và nông dân trong các vùng sản xuất, kịp thời tiếp cận tình hình giá cả thị trường và những tiến bộ kỹ thuật của thế giới…

"Năm nay, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu phải giải quyết cơ bản các vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm xuất khẩu"- ông Nam cho biết.

2.Tác động từ thị trường thế giới

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, sản lượng tiêu của một số đối thủ chính cạnh tranh với nước ta như Ấn Độ, Srilanka và cả Indonesia đang khá dồi dào.

Cũng chính vì lẽ đó, nên vào cuối tuấn trước giá tiêu giao ngay Ấn Độ giảm 1.200 Rs/tạ xuống còn 43.600 Rs/tạ đối với tiêu xô và 45.600 Rs/tạ đối với tiêu chọn lọc. Giá tiêu Ấn Độ xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ giảm 200 USD/tấn xuống các mức giá lần lượt là 7.350 USD/tấn và 7.600 USD/tấn.

Theo nguồn tin thương mại trên Business Line, tiêu nhập khẩu từ Sri Lanka đang tràn ngập thị trường đã đẩy giá tiêu Ấn Độ sụt giảm liên tục và chưa thấy khả năng sẽ dừng lại. Hầu hết các trung tâm tiêu thụ hạt tiêu ở Ấn Độ đều tràn ngập hạt tiêu nhập khẩu từ Sri Lanka được chào bán với giá 400 – 410 Rs/kg, nhưng các thương nhân trong nước muốn giá thấp hơn, trong khi hạt tiêu Kamataka được chào với giá 450 Rs/kg vẫn không có khách mua.

Theo các nguồn tin thương mại, trong khi nhiều cảng đang áp dụng mức thuế nhập khẩu 8% trên giá nhập khẩu tối thiểu là 6.000 USD/tấn đối với tiêu Sri Lanka thì một số cảng phía Nam Ấn vẫn tính trên giá mua thực tế. Điều này đã giúp các nhà nhập khẩu bán tiêu với giá thấp hơn nhiều. Tuy nhiên thị trường vẫn không sôi động do thiếu vắng người bán lẫn khách mua.

3.Thiếu tiêu chuẩn và thương hiệu cho tiêu Việt

Theo thống kê tổng diện tích trồng hồ tiêu tại các tỉnh  là trên 126.000ha, trong đó trồng mới trên 25.000ha tập trung chủ yếu tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Năng suất và sản lượng hồ tiêu của Việt Nam luôn đứng đầu thế giới tạo được nhiều ưu thế cạnh tranh. Tây Nguyên là khu vực có diện tích và năng suất hồ tiêu cao nhất cả nước với 28,6 tạ/ha/vụ (cao nhất là Gia Lai với 41,2 tấn/ha). Nhiều vườn hồ tiêu cho năng suất rất cao, đạt 5- 7 tấn/ha/vụ, cá biệt có một số hộ đạt năng suất 10 tấn/ha/vụ.

Hiện nay, nhiều vùng trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên đã áp dụng các giải pháp từ quy hoạch vùng trồng, đào tạo thiết kế vườn, sử dụng giống cây sạch bệnh, chăm sóc đúng quy trình. Nông dân có kinh nghiệm trong thâm canh sản xuất hồ tiêu, bón phân cân đối... đã từng bước thúc đẩy hồ tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, sản lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu chiếm 40% sản lượng hồ tiêu thế giới. Do đó, vị thế chủ động của ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn rất vững chắc và có tác động mạnh đến Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng như Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hồ tiêu Việt Nam đặc biệt tại Đăk Nông, Đăk Lăk được người dân mở rộng ồ ạt, vượt xa so với quy hoạch kéo theo nhiều hệ lụy, giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh. Thời điểm này, giá tiêu khô dao động quanh mức 80.000 đồng/kg, đây là mức giảm sâu nhất trong 5 năm trở lại đây, chỉ bằng 50% so với thời điểm cuối năm 2016.

Ngoài ra, trên cây hồ tiêu đã xuất hiện nhiều loại bệnh khó chữa như chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng hại rễ do canh tác không đúng yêu cầu kỹ thuật và sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng... khiến đầu ra sản phẩm bấp bênh.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Mặc dù ngành hồ tiêu Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu, nhưng với xu hướng thế giới chú trọng vào mục đích an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội thì ngành hồ tiêu cũng cần có chiến lược mạnh mẽ mới đủ sức giữ vững vị thế hiện nay.

img

Rất cần có sự quy hoạch cho cây hồ tiêu để đảm bảo giá tiêu ổn định.

Nhiều nước châu Âu có nhu cầu nhập tiêu Việt

Hiện nhiều nước châu Âu đang bày tỏ sự quan tâm đến sản phẩm hạt tiêu của Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, CH Séc.

Thổ Nhĩ Kỳ

Hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức tăng rất mạnh 139% về lượng và tăng 57% về kim ngạch, trong khi các thị trường khác đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái

Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2017 cả nước xuất khẩu 20.215 tấn hạt tiêu, thu về 92,19 triệu USD (giảm 6% về lượng và giảm 4,7% về kim ngạch so với tháng 7/2017); đưa tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2017 lên 167.996 tấn, tương đương 903,36 triệu USD (tăng 23,9% về lượng nhưng giảm 18,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016).

Trong tháng 8/2017, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.560 USD/tấn, giảm 1,58% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 7/2016 và giảm rất mạnh tới gần 45% so với giá xuất khẩu trong tháng 8/2016.

Tính chung trong cả 8 tháng đầu năm 2017, giá hạt tiêu xuất khẩu trung bình đạt 5.377 USD/tấn, giảm gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ, đạt 28.637 tấn, tương đương 170 triệu USD, chiếm 17% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước và chiếm 19% trong tổng kim ngạch (giảm 10% về lượng và giảm 38,5% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2016).

EU là thị trường lớn thứ 2 về tiêu thụ hạt tiêu của Việt Nam, chiếm 11,4% trong tổng lượng và chiếm 13,5% trong tổng kim ngạch; đạt 19,221 tấn, trị giá 122,39 triệu USD (giảm 8,3% về lượng và giảm 35% về kim ngạch).

Đứng thứ 3 là thị trường Ấn Độ, chiếm 7% trong tổng lượng và chiếm 6,6% trong tổng kim ngạch; đạt 11.678 tấn, trị giá 59,49 triệu USD (tăng 26,5% về lượng nhưng giảm 15,8% về kim ngạch).

Sau đó là thị trường U.A.E đạt 11.137 tấn, trị giá 53,77 triệu USD, chiếm 6,6% trong tổng lượng và chiếm 6% tổng kim ngạch (tăng 14,6% về lượng nhưng giảm 25,8% trị giá)

Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong 8 tháng đầu năm nay sang hầu hết các thị trường đều bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu hạt tiêu sang Phlippines giảm mạnh nhất giảm 48% về lượng và giảm 72,4% về kim ngạch; bên cạnh đó xuất sang Ba Lan cũng giảm mạnh 43% về lượng và giảm 61% về kim ngạch); Ucraina (giảm 26% về lượng và giảm 49% về kim ngạch).

Tuy nhiên, xuất khẩu hạt tiêu sang Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đạt được mức tăng mạnh 139% về lượng và tăng 57% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3651 tấn, tương đương 16,14 triệu USD.

img

Nhiều nước châu Âu bày tỏ sự quan tâm đến hạt tiêu Việt Nam.

CH Séc: 

Do nằm ở trung tâm của khu vực Đông Âu, lại có hệ thống đường xá và kho ngoại quan được đánh giá là tốt nhất Đông Âu, Cộng hòa Séc không chỉ là thị trường tiêu thụ, mà còn là cầu nối cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước Đông Âu và cả Tây Âu.

Trong số các mặt hàng nông sản, thì mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đang chiếm thị phần cao tại thị trường này. 5 năm qua, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu của Cộng hòa Séc ổn định, khoảng 20 triệu USD/năm, với mức tăng trưởng bình quân là 2%. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Cộng hòa Séc đạt 21,31 triệu USD, đứng thứ 32 trên thế giới về nhập khẩu hạt tiêu.

Năm 2016, Việt Nam, Tây Ban Nha, Đức là 3 thị trường chính xuất khẩu hạt tiêu, chiếm 61,4% thị phần. Về mặt hàng, các mặt hàng hạt tiêu mang mã HS 090411, mã HS 090412 là những mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

Về thị phần, Tây Ban Nha hiện đang là đối thủ cạnh tranh lớn của doanh nghiệp Việt Nam (với thị phần 20,3% năm 2016). Để mở rộng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu hơn về chính sách, pháp luật tại Cộng hòa Séc cũng như đặc điểm phong tục tập quán kinh doanh.

Hiện Cộng hoà Séc đã thực sự hoà nhập vào nền kinh tế thị trường thông qua việc chuyển đổi nền kinh tế một cách triệt để dựa trên 5 biện pháp sau: Tự do hoá giá cả và thương mại; Chuyển đổi tiền tệ ngay trong nước; Chương trình tư nhân hoá; Chính sách hạn định tài chính tiền tệ của nhà nước; Cải cách lĩnh vực thuế.

Tính riêng năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hoà Séc đạt hơn 249 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 148 triệu USD và nhập khẩu đạt 103 triệu USD. Với giá trị trao đổi thương mại như vậy, Cộng hoà Séc là một trong những bạn hàng quan trọng của Việt Nam tại Đông Âu và Trung Âu.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm nông sản vào thị trường Séc phải đảm bảo đầu tiên về yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh và dịch tế. Đây là yêu cầu để nông sản Việt được lưu hành và cũng là căn cứ để người tiêu dùng Séc đánh giá. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm hiểu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam là Liên minh châu Âu (EVFTA) mà Czech là một thành viên, để tận dụng những ưu đãi mà FTA này mang lại.

Hiệp định EVFTA đã kết thúc đàm phán, sắp được ký kết và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018. Khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ mở ra tiềm năng thị trường to lớn, với 99% dòng thuế được cắt giảm về mức 0%. Đây là cơ hội thuận lợi để hàng xuất khẩu của Việt Nam mở rộng tại thị trường EU nói chung và Cộng hòa Séc nói riêng.

Hồ tiêu sạch vào được nhiều thị trường khó tính

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (Cẩm Mỹ, Đồng Nai), từng có thời gian công tác ở Đức và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu ở EU là rất lớn, nhưng lại có những đòi hỏi rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi trở về nước, ông Luân vận động, liên kết với hơn 1.000 nông hộ tham gia vào chuỗi sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng canh tác sinh thái.

Theo ông Luân, để sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đứng lâu ở các thị trường khó tính, chỉ cần doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân sản xuất theo đúng quy trình về nông học, kỹ thuật canh tác là có thể kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm. Lúc đầu người dân cứ tưởng làm tiêu sạch rất khó nhưng khi được hỗ trợ kiến thức thì họ lại thấy đơn giản.

Trong bối cảnh giá tiêu sụt giảm như hiện nay, việc liên kết giữa HTX Lâm San với các hộ nông dân đã đảm bảo được thị trường và giá bán xuất khẩu ổn định. Do đó, nông dân tham gia vào HTX ngày càng đông. Trong thời gian gần đây, HTX này đã chuyển 50 ha diện tích trồng tiêu sang canh tác theo hướng hữu cơ của các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường; đồng thời có kế hoạch mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác như Nhật Bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem