dd/mm/yyyy

Giá tiêu liên tục lập "đỉnh" mới, nhà nông có lãi khá nhưng vẫn cất trữ vì lí do này

Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, giá tiêu nguyên liệu tại thị trường trong nước liên tục lập kỷ lục mới. Chỉ trong 2 tuần, giá tiêu tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, hiện dao động từ 74.000 - 76.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Thu (ở thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) phải thuê từ 25-30 nhân công để thu hoạch tiêu, với giá 180.000 đồng/người/ngày.

Nhiều người phấn khởi vì có lãi khá

Chị Nguyễn Thị Thu phấn khởi nói: "Với giá tiêu hiện tại, nông dân đã có lãi dù không nhiều. Năm nay thời tiết không thuận lợi, song vườn tiêu của gia đình mình vẫn đạt năng suất. Nếu như mọi năm, với 2ha tiêu thường chỉ thu được 9-10 tấn thì năm nay đạt đến 12-13 tấn. Còn 3ha tiêu trồng theo quy trình hữu cơ, năm 2020 chỉ đạt 6-7 tấn nhưng theo ước tính năm nay sẽ đạt từ 9-10 tấn".

Giá tiêu lập đỉnh, nhà nông vẫn cất trữ  - Ảnh 1.

Thu hoạch tiêu trồng theo hướng hữu cơ tại Bình Phước. Ảnh: Trần Hiền

Cuối năm 2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã có nhiều đợt khảo sát các vùng trồng tiêu trọng điểm và đưa ra dự báo sản lượng hồ tiêu năm nay giảm từ 20-30% so với năm ngoái, ước đạt khoảng 170.000-180.000 tấn.

Tuy nhiên theo thực tế thu hoạch của nhiều hộ nông dân trồng tiêu tại Tây Nguyên, sản lượng hồ tiêu năm nay giảm tới 30-50%, nhiều vườn thậm chí mất mùa.

Do đó, một số chuyên gia cho rằng giá tiêu sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Tương tự, ông Phạm Văn Hanh (ở xã Đăk N'Drung, Đăk Song, Đăk Nông) cho biết, với 6ha hồ tiêu, năm nay gia đình ông thu được 14 tấn hạt tiêu. Vài ngày trước ông bán tiêu với giá 60.000 đồng/kg, thu về 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng. 

Trong khi cũng với diện tích 6ha hồ tiêu này, năm ngoái gia đình ông chỉ lãi 20 triệu đồng vì giá tiêu quá rẻ, chỉ được 36.000 đồng/kg, thậm chí nhiều hộ trồng tiêu khác còn thua lỗ.

Mặc dù giá tiêu đang tăng từng ngày, song nhiều hộ xác định thu hoạch tiêu về để phơi khô, trữ lại chờ giá tăng cao hơn nữa mới bán. 

Chị Nguyễn Thị Thạnh (38 tuổi, trú tại huyện Đăk Đoa, Gia Lai) cho biết: "Vì kẹt tiền trả nhân công nên hôm trước mình đã bán 2 tạ với giá 71.000 đồng/kg đầu giá. Số tiêu còn lại ở vườn, mình xác định hái, trữ chờ tăng giá thêm mới bán".

Tại Gia Lai, chủ đại lý thu mua nông sản Tân Cường (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) cho biết: "Hiện các đại lý tại địa phương đang đẩy mạnh thu mua hồ tiêu của người dân. Tuy nhiên, do mới vào chính vụ thu hoạch nên sản lượng chưa nhiều. Mặt khác, các hộ dân cũng chưa muốn bán vội vì chờ giá tiêu tăng thêm. Từ đầu vụ đến nay, đại lý chúng tôi mới mua được khoảng 30 tấn…".

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, giá tiêu tại Gia Lai hiện dao động từ 67.000 - 68.000 đồng/kg đầu giá. Nếu cộng các chỉ số về chất lượng hạt tiêu (tạp chất, độ ẩm, dung trọng), thường từ 5.000-6.000 đồng/kg thì bà con đã có lãi khá.

Theo tính toán của Cục Trồng trọt về chi phí sản xuất hồ tiêu mấy năm gần đây, bình quân giá thành sản xuất 1kg hồ tiêu ở Tây Nguyên là 45.000 đồng/kg, còn ở Đông Nam Bộ là 49.000 đồng/kg.

Cách đây khoảng 5 năm, giá hồ tiêu tăng cao kỷ lục, khoảng trên 200.000 đồng/kg nên diện tích trồng tiêu tăng "nóng ở nhiều nơi kể cả về trồng tập trung lẫn trồng xen trong vườn cây cà phê. Nhưng bắt đầu từ năm 2018, giá tiêu giảm dần, từ chỗ 150.000 - 170.000 đồng/kg xuống dưới 100.000 đồng/kg, sau đó lao dốc không phanh và thậm chí trong năm 2020, giá tiêu đen có thời điểm xuống "đáy" dưới 40.000 đồng/kg.

Bài học trong trồng tiêu

Giá tiêu lập đỉnh, nhà nông vẫn cất trữ  - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) cho biết, mỗi ngày phải thuê tới 30 nhân công thu hái tiêu. Ảnh: Trần Hiền

Ông Hoàng Phước Bính nhận định: Giá tiêu tăng trở lại như hiện nay cũng là theo quy luật của thị trường, khi sản lượng giảm mà nhu cầu tăng thì ắt giá tiêu sẽ tăng lên. Bà con nông dân có lãi sẽ có động lực chăm sóc, đầu tư cho cây tiêu. Nếu thị trường tiếp tục diễn biến tốt, sẽ có nhiều hộ quay lại với cây trồng được ví là "vàng đen" này. 

"Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng trồng tiêu bây giờ không như ngày xưa nữa, phải rút kinh nghiệm những năm vừa rồi" - ông Bính nhận định.

Cụ thể, theo ông Bính, trước đây có thời nhiều khu vực, nhất là tại các huyện Đăk Song, Tuy Đức (Đăk Nông), việc trồng tiêu được nhiều nông dân ví là dễ như trồng… khoai lang. Hiện trồng tiêu đã khó hơn do đất trồng tiêu trước đây bị lạm dụng phân bón, thuốc hoá học dẫn tới bị thoái hoá, nhiễm độc. 

Do đó, theo ông Bính, khi trồng tiêu vụ mới, đầu tiên bà con phải chọn đất phù hợp, không nên tái canh mà nên trồng tiêu trên đất đã trồng cây khác. Tốt nhất nên trồng xen, có thể xen với cà phê, một số cây ăn quả khác.

Thứ hai, phải chọn giống tiêu tốt. Thứ ba phải đi theo hướng trồng sạch, hữu cơ, cố gắng hạn chế bón phân hoá học và sử dụng thuốc BVTV hóa học. Bón phân hóa học càng nhiều thì cây tiêu càng dễ bị sâu bệnh, đất đai không tiêu hoá hết phân bón dần dần sẽ bị "ngộ độc".

Về định hướng cho cây hồ tiêu thời gian tới, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai cho biết, thời gian tới Gia Lai sẽ duy trì diện tích hồ tiêu khoảng 12.300ha, năng suất đạt bình quân khoảng 4 tấn/ha. Đồng thời, mở rộng mô hình trồng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh.

Bên cạnh đó, khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất hồ tiêu với hợp tác xã, doanh nghiệp và áp dụng các phương pháp chế biến đưa ra các sản phẩm: Tiêu ngũ sắc, tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu vàng, tiêu xanh..., nhằm làm tăng giá trị của hạt tiêu. 



Minh Huệ