"Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, giá nông sản cũng vậy!"

06/11/2019 13:44 GMT+7
Sáng 6/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 về tình trạng "được mùa mất giá'' của nông sản Việt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói: "Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, giá nông sản cũng vậy!".
"Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, giá nông sản cũng vậy!" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: Quochoi.vn

Chưa giải quyết được khâu chế biến thì nông sản vẫn "được mùa mất giá"

Đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nêu giải pháp về việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay. Cụ thể, trong đó cây hạt tiêu mất cả mùa và giá, còn cây cà phê thì mất giá kéo dài, gây khó khăn cho người sản xuất.

Làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Cường cho biết, vấn đề bất cập nhất ở Việt Nam hiện nay là khâu chế biến, vì vậy chưa thể giải quyết được vấn đề được mùa mất giá.

"Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, nông sản cũng vậy! Đại biểu có nói về cây hạt tiệu, Việt Nam sản xuất 350.000 tấn, trong khi thế giới có 600.000 tấn. Như vậy, chúng ta chiếm tới 60% của thế giới. Thừa đến như vậy cơ mà!", Bộ trưởng Cường cho hay.

Theo ông Cường, sản lượng nông nghiệp dư thừa như vậy cũng có trách nhiệm của Bộ và các ngành liên quan. Ông Cường cho biết, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào chế biến. "Nếu không tập trung vào chế biến thì câu chuyện thừa và thiếu vẫn xảy ra", Bộ trưởng Cường nói thêm.

Đề xuất Quốc hội giảm nửa triệu héc ta đất canh tác lúa.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Chau Chắc (đoàn An Giang) đề cập đến vấn đề giá lúa và ngành nông sản còn bấp bênh, chưa đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp cho vấn đề này.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, lúa gạo là ngành rất rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. "Thế giới này có 7 tỷ người nhưng có 3,5 tỷ người ăn gạo và các cường quốc đều tập trung cạnh tranh vào chuỗi giá trị này. Điều này còn gây áp lực lớn hơn cho ngành lúa gạo, trong khi hiệu quả thấp", ông Cường nói.

Trước thực trạng trên, ông Cường cho biết, chủ trương lâu dài là giảm dần diện tích trồng lúa. Hiện nay chúng ta có 7,8 triệu ha đất canh tác. Chủ trương tới đây, chúng ta đề xuất Quốc hội giảm nửa triệu héc ta đất canh tác, giảm 3-4 triệu tấn gạo, nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời với đó tập trung ưu tiên vào nhóm giống lúa gạo có sản lượng, chất lượng cao.

"Lúa gạo không chỉ để bán mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm. Cụ thể, hiện nay dầu cám gạo còn có giá trị cao hơn hạt gạo tự nhiên", Bộ trưởng Cường nói và cho biết, thời gian tới Bộ ngành và địa phương kêu gọi các doanh nghiệp vào tập trung vào chế biến sâu hơn nữa sản phẩm nông nghiệp.

Vì sao 55 tàu tiền tỷ của ngư dân nằm bờ?

Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) chất vấn Bộ trưởng về Nghị định 67, chính sách phát triển thủy sản, giải pháp hỗ trợ ngư dân tới đây ra sao?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 67 được ban hành nhằm hỗ trợ ngư dân ra khơi, đảm bảo phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng trong bối cảnh vùng biển đang có nhiều vấn đề. Chính phủ hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm ra khơi. Kết quả, đến lúc này chúng ta đã phát triển được hơn 1.000 tàu, trong đó hiện có 358 tàu đóng mới gặp nhiều vấn đề, gây khó khăn cho ngư dân.

Với 55 chiếc tàu đang nằm bờ, Bộ trưởng Cường chỉ ra nhiều nguyên nhân: Do đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu đã chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, muốn chuyển đổi… Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã tham mưu và Thủ tướng đã có quyết sách, thay đổi phương thức đầu tư.

"Hiện nay có tâm lý ỷ lại nên sẽ không hỗ trợ tối đa như trước nữa mà ngư dân ai có tiềm lực thì ra khơi. Dân tự bỏ tiền ra mới khai thác hiệu quả được", Bộ trưởng nói.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo 28 tỉnh thành tổng kết Nghị định 67, đưa ra quyết sách tiếp, khuyến khích ngư dân, còn chính sách không phù hợp sẽ bỏ qua.

Về Nghị định 67, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng tiếp lời Bộ trưởng Nông nghiệp, cho biết, tổng dư nợ hiện nay là 10 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xấu 33%. Theo ông Hưng, quan trọng nhất là giải pháp và cuối năm 2018, Ngân hàng nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng để trên cơ sở đó triển khai các biện pháp, có giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Thời gian qua, Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân, ưu tiên thu nợ gốc, nợ lãi thu sau. Tuy nhiên, theo Thống đốc, trước tình hình nợ xấu phát sinh, tới đây sẽ tham mưu, hướng dẫn ngư dân sản xuất khai thác hiệu quả hơn; rà soát các trường hợp có thể hỗ trợ, nhưng nếu ỷ lại sẽ phối hợp thu hồi nợ.

Về giải pháp thu hoạch, bảo quản cá ngừ đại dương để nâng cao giá trị xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, xuất khẩu cá ngừ đã đạt mốc 560 triệu USD trong năm 2018. Nhiều địa phương như Khánh Hòa, Bình Định... có mô hình sản xuất tốt, trong đó có doanh nghiệp chế biến ra hơn 30 sản phẩm từ cá ngừ, tuy nhiên nhìn chung chuỗi giá trị còn thấp.

"Cùng với việc nâng cao năng lực đánh bắt thì phải tổ chức thành chuỗi khai thác, tập trung nhiều hơn cho công nghệ chế biến. Bên cạnh xuất khẩu cũng cần hướng đến thị trường trong nước, với 100 triệu dân. Người Việt Nam có quyền ăn hải sản ngon", ông Cường nói.

Giải pháp thu hoạch, bảo quản cá ngừ đại dương

Về giải pháp thu hoạch, bảo quản cá ngừ đại dương để nâng cao giá trị xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, xuất khẩu cá ngừ đã đạt mốc 560 triệu USD trong năm 2018. Nhiều địa phương như Khánh Hòa, Bình Định... có mô hình sản xuất tốt, trong đó có doanh nghiệp chế biến ra hơn 30 sản phẩm từ cá ngừ, tuy nhiên nhìn chung chuỗi giá trị còn thấp.

"Cùng với việc nâng cao năng lực đánh bắt thì phải tổ chức thành chuỗi khai thác, tập trung nhiều hơn cho công nghệ chế biến. Bên cạnh xuất khẩu cũng cần hướng đến thị trường trong nước, với 100 triệu dân. Người Việt Nam có quyền ăn hải sản ngon", ông Cường nói.

Đóng góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

Bà Phạm Thị Thu Trang - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự đóng góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Cường, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 đơn vị; hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đều góp mặt và đầu tư trải dài khắp vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp.

"Tuy nhiên, 11.800 đơn vị nói trên cùng với 49.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khi chỉ chiếm 8% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam", ông Cường cho hay.

"Vậy giải pháp căn cơ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp là gì?", bà Trang tiếp tục chất vấn. Ông Cường nói Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

"Khuôn khổ pháp lý tốt sẽ giúp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hiện nay dù khó khăn nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa", ông Cường nói.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong 3 ngày (6 đến 8/11), các thành viên Chính phủ sẽ lần lượt đăng đàn là: Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục