Giá vàng "lao" về 46 triệu đồng/lượng, rút ngắn chênh lệch mua, bán

25/02/2020 15:44 GMT+7
Giá vàng trong nước tiếp tục "lao" về dưới mức giá 47 triệu đồng/lượng chiều bán và dưới 46 triệu đồng/lượng mua vào. Đồng thời, chênh lệch mua bán cũng được kéo hẹp, giao động từ 500 nghìn đến 11,5 triệu đồng/lượng.

Ghi nhận vào lúc 15h ngày nay 25/2, giá vàng miếng SJC trong nước được niêm yết cao nhất chỉ còn 46,92 triệu đồng/lượng, tiếp tục giảm so với đầu phiên và giảm sâu so với chốt phiên hôm qua.

Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, vàng SJC niêm yết tại thị trường Hà Nội được ở mức 45,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,92 triệu đồng/lượng (bán ra). Với đà giảm "sốc" này khoảng cách chênh lệch mua - bán tại hệ thống này đang trong khoảng 1 - 1,02 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn Doji giá vàng hiện ở mức 45,8 - 46,4 triệu đồng/lượng theo hai chiều mua vào - bán ra, giảm 1,9 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm đến 2,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày 24/2.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC mua/bán ở mức 45,7 – 46,39 triệu đồng/lượng. Theo đó, chênh lệch giá vàng mua vào – bán ra được kéo giảm xuống chỉ còn dưới 700 nghìn đồng/lượng. So với mức giá cao nhất niêm yết trong ngày hôm qua của hãng vàng này thì giá vàng hôm nay tại Phú Quý đã giảm tới hơn 3 triệu đồng/lượng (bán ra).

Và tại hệ thống PNJ, giá vàng cũng đảo chiều giảm sâu với giá niêm yết là 45,4 triệu đồng/lượng và 46,9 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tương ứng mức giảm là 1,6 triệu đồng và 2,3 triệu đồng mỗi lượng. PNJ cũng là công ty niêm yết giá mua/bán vàng có mức độ chênh lệch lớn nhất trong những ngày gần đây. Có thời điểm chênh lệch mua/bán lên tới hơn 2 triệu đồng/lượng trong phiên ngày hôm nay, tuy nhiên đến hiện tại khoảng cách này cũng được rút ngắn về 1,5 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng sau khi tăng một mạch lên 1.688 USD/ounce đã quay đầu lao dốc, hiện chỉ còn khoảng 1.646 USD/ounce, giảm tới 26, 25 USD so với chốt phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), tương ứng giảm 1,57%.

"Lao" về 46 triệu đồng/lượng, rút ngắn chênh lệch mua, bán vàng  - Ảnh 2.

Trước sự biến động mạnh của giá vàng trong 2 ngày gần đây, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần hết sức cẩn trọng, đặc biệt khi giá vàng tăng nhưng mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán ngày càng nới rộng. Chẳng hạn, trong ngày hôm qua, chênh lệch giữa giá mua và giá bán lên tới 2 triệu đồng/lượng.

Theo ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), không nên mua vàng khi thị trường đang "sốt xình xịch" như hiện nay. Thậm chí, với mức chênh lệch giá mua và giá bán lớn, nhiều người còn nhân cơ hội này tung ra bán.

"Tôi cũng phải nói thêm rằng, nhà đầu tư cũng như người dân có rất nhiều người bình tĩnh trong các giao dịch mua,bán vàng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những người thiếu bình tĩnh, nóng vội, không hiểu bản chất vấn đề và chạy theo phong trào, chạy theo số đông để mua vàng trong những ngày này.

Ngoài ra, cũng có những đối tượng làm ăn kiểu "chộp giật" trong lúc vàng nổi sóng. Cả 2 trường hợp này, đều phải nhìn nhận lại, phải thận trọng và không nên đầu tư khi có nghiệp vụ kinh doanh về vàng. Bởi tình trạng giá vàng bất ổn như hiện nay, rủi ro rất khó lường và một khi đã xảy ra rủi ro thì sẽ rất lớn", ông Long khuyến nghị.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, giải thích cho việc giá vàng tăng chưa từng có trong ngày 24/2, phía doanh nghiệp vàng cho biết, giá vàng trong nước tăng theo đà của vàng thế giới nhưng không cùng biên độ vì nguồn cung vàng trong nước hạn chế do không được nhập khẩu và Ngân hàng Nhà nước từ lâu đã không còn sản xuất và cung vàng SJC ra thị trường nên thị trường trở nên khan hiếm.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thì cung cấp thông tin, giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường vẫn khá trầm lắng. Với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục