Giá vàng tăng “điên đảo” sát 57 triệu đồng/lượng: Lợi nhuận doanh nghiệp vàng vẫn khiêm tốn?

27/07/2020 13:52 GMT+7
Giá vàng hôm nay vẫn tiếp tục tăng "điên đảo", tiến sát mốc 57 triệu đồng/lượng, cùng với đó, chênh lệch giá mua bán vàng cũng tăng lên. Tuy vậy lợi nhuận của các doanh nghiệp vàng lại khá khiêm tốn.

Giá vàng hôm nay 27/7 vẫn tiếp tục neo cao và vượt qua mức cản 1.930 USD/ounce. Với mức giá này, giá vàng thế giới quy đổi tương đương trên 54 triệu đồng/lượng.

Giới chuyên gia trên thế giới dự báo, giá vàng sẽ còn tăng nữa và vàng đang thực sự có giá. Dịch bệnh Covid-19 và căng thẳng Mỹ Trung là nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng cao và mạnh nhất trong 9 năm qua.

Nhiều dự báo cũng cho thấy, giá vàng trên thị trường thế giới vào cuối quý III/2020 có thể đạt 2.000/ounce.

Vàng tăng "sốc" sát ngưỡng 57 triệu đồng/lượng

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) niêm yết vọt lên 56,72 triệu đồng/lượng (bán ra) và mua vào quanh mức 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào).

Như vậy giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 2,7 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch lớn giữ giá vàng trong nước và thế giới được nhìn nhận là kết quả của việc các hãng kinh doanh vàng "bắt tay nhau" nâng giá là chiêu kích cầu, thu hồi vốn trong dân của các nhà vàng.

Với mức giá hiện tại, giá vàng hiện nay đã tăng gấp 5,6 lần trong 15 năm trở lại đây. Theo đó, năm 2005, chỉ với 10 triệu đồng có thể sở hữu 1 lượng vàng thì đến giai đoạn 2007-2009 giá vàng trong nước và quốc tế tăng chóng mặt khi nền kinh tế thế giới nhiều biến động. 

Đến năm 2012, giá vàng trong nước đã tăng gần 5 lần lên mức trên 47 triệu. Nhiều năm liên tiếp, giá vàng luôn giữ mức tăng trưởng 2 con số.

Nhờ đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác đều có doanh thu "khổng lồ", lên tới hàng chục nghìn, thậm chí có thười điểm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây cũng được xem là giai đoạn "hoàng kim" của các doanh nghiệp vàng.

Cụ thể, năm 2011, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) từng ghi nhận doanh thu lên tới 111.000 tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu từ bán vàng của doanh nghiệp này cũng lên tới trên 72.000 tỷ.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, doanh thu của SJC đã giảm rất mạnh. Năm 2013, doanh thu của SJC chỉ còn 28.000 tỷ đồng và tạo đáy ở mức 16.000 tỷ năm 2014.

Năm 2019, doanh thu của SJC tăng 11% lên 23.100 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD), mức cao nhất 6 năm. Tại thời điểm đó, giá vàng SJC kết thúc năm 2019 ở mức giá khoảng 42,2-42,7 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 6 triệu đồng so với thời điểm đầu năm.

Tương tự, với Công ty VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung nhờ cơn sốt vàng giai đoạn 2009 – 2011, doanh thu thuần của PNJ cũng lần lượt tăng trưởng từ 10.000 tỷ lên 13.752 tỷ (năm 2010) và 17.964 tỷ đồng (năm 2011).

Sau Nghị định 24 có hiệu lực, doanh thu của PNJ bất ngờ giảm mạnh chỉ còn hơn 6.700 tỷ trong năm 2012. Đến cuối năm 2019, doanh thu của PNJ quay trở lại mức 17.000 tỷ đồng song vẫn chưa vượt, thậm chí chưa bằng con số đạt được tại thời điểm "hoàng kim" của ngành vàng.

Ngược lại trong suốt thời kỳ doanh thu của SJC chững lại thì quy mô doanh thu của Doji vẫn tăng gấp 8 lần sau 10 năm, từ 11.000 tỷ đồng trong năm 2009 lên 90.000 tỷ đồng năm 2019.

Kinh doanh vàng lời lãi ra sao?

Doanh thu "khổng lồ" song biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này lại rất thấp. Đơn cử như SJC, biên lợi nhuận trong năm 2019, chỉ khoảng 0,3%.

Năm 2020 này, SJC đặt kế hoạch tổng doanh thu ở mức 25.700 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ khoảng 70 tỷ đồng, tăng nhẹ 3 tỷ đồng so với năm 2019. Nghĩa là 1.000 đồng thu vào mới thu về xấp xỉ 3 đồng lợi nhuận.

So với SJC, biên lợi nhuận của Doji dưới 0,2%. Do vậy, với 90.000 tỷ đồng doanh thu, Doji cũng chỉ có mức lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng.

Giá vàng tăng “điên đảo” sát ngưỡng 57 triệu đồng/lượng, buôn vàng thời nay lời lãi ra sao? - Ảnh 2.

"Ông lớn" vàng miếng SJC thu về 1.000 đồng, chỉ lãi gần 3 đồng

Trong khi đó, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung có tỷ suất sinh lợi cao hơn nhiều. Theo đó, với 17.000 tỷ doanh thu năm 2019, PNJ đạt gần 3.500 tỷ đồng lãi gộp và gần 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tuy vậy, với tác động của Covid-19 thì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ PNJ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong quý II/2020, doanh thu của PNJ chỉ giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 81%, từ 169 tỷ xuống 32 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, PNJ công bố doanh thu là 7.745,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 439,9 tỷ đồng, lần lượt đi ngang và giảm 26% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Được biết, trong năm 2020, PNJ đặt kế hoạch doanh thu 14.485 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 832 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 30% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, sau nửa năm, PNJ đã hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận và 53,5% kế hoạch doanh thu.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục