Giá vàng vượt qua mốc 59 triệu đồng/lượng: Người dân mua vào

05/08/2020 16:40 GMT+7
Cuối giờ chiều ngày 5/8, giá vàng SJC chính thức được doanh nghiệp điều chỉnh tăng vọt qua ngưỡng 59 triệu đồng/lượng, hiện giao dịch ở mức 57,9 triệu đồng/lượng - 59,1 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 400.000 đồng/lượng.

Với mức điều chỉnh tăng mạnh giá mua vào, khoảng cách chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng SJC là 1,2 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 58,00 – 58,70 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng tại DOJI tăng 900.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 500.00 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch đầu giờ sáng ngày 5/8. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại đây đang là 700.000 đồng/lượng.

Theo đại diện Tập đoàn Doji, từ đầu phiên giao dịch sáng đến hiện tại, trên toàn hệ thống của Doji, khách hàng vẫn mua vào vàng dù giá vàng đang neo ở mức khá cao. Có khả năng người mua vàng trong nước vẫn kì vọng việc giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa do những bất ổn của việc kiểm soát dịch bệnh trên thế giới cũng như những yếu tố về mặt kinh tế, tài chính.

Giá vàng vượt qua mốc 59 triệu đồng/lượng - Ảnh 1.

Giá vàng vượt mốc 59 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng thế giới lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 2.000 USD/ounce trong phiên vừa qua do lãi suất trên toàn cầu duy trì ở mức rất thấp và giới đầu tư kỳ vọng Mỹ sẽ gia tăng các chương trình kích thích để bảo vệ nền kinh tế đang yếu đi do Covid-19.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 32%. Trong 6 tháng gần nhất, giá vàng thế giới leo dốc 29,84% và trong 30 ngày gần nhất, giá vàng tăng 13,24%.

Giá vàng thế giới bứt phá trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung tiếp tục leo thang, cùng với môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu và hàng loạt biện pháp kích thích chưa từng có từ các ngân hàng Trung Ương.

Ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế tại Allianz nhận định: “Cuộc biểu tình giá vàng có thể lý giải do các nhà đầu tư đang ngày càng đổ tiền vào những tài sản an toàn để giảm thiểu rủi ro, vì lợi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức rất thấp”.

Trong khi đó, ông Lee Ferridge, nhà phân tích chiến lược vĩ mô Bắc Mỹ tại State Street Global Market cho biết: “Thị trường đã mất niềm tin rằng Quốc hội sẽ tung ra một dự luật kích thích mới đủ bù đắp (những thiệt hại do dịch Covid-19); điều này sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang FED mở rộng bảng cân đối kế toán. Việc FED tăng cường mua trái phiếu thông qua các chương trình nới lỏng định lượng và sự tăng lên của cung tiền cuối cùng sẽ làm giảm giá trị đồng USD”. Do đó, tâm lý tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng cũng ngày một tăng cao. “Vàng đang trở nên vượt trội” - ông Ferridge nhấn mạnh.

Hồi cuối tháng 7, một nhà phân tích khác là Barry Dawes, chủ tịch điều hành tại Martin Place Securities cũng nhận định: “Điều quan trọng trong bức tranh toàn cảnh là giá vàng đã vượt các mốc quan trọng 1.800 USD, 1.900 USD/ounce hết sức dễ dàng. Về cơ bản, tôi thấy rằng thị trường vàng hiện đang quá mạnh... Tôi tin rằng giá vàng sẽ lên 3.500 USD/ounce trong vòng 2 năm tiếp theo”.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, xu hướng trong dài hạn vàng vẫn được dự báo có thể sẽ lên tiếp và lập các đỉnh cao kỷ lục mới, có thể là 2.500-3.000 USD/ounce khi các nền kinh tế hồi phục và lạm phát gia tăng từ những khối nợ khổng lồ, có nguồn gốc từ các gói kích thích kinh tế vượt đại dịch.

Tuy nhiên, trước khi đạt mốc cao này, giá vàng nhiều khả năng đối mặt với một đợt điều chỉnh tạm thời, nhất là khi các quỹ đầu cơ lớn xả hàng, chốt lãi. Do đó, người dân trong nước cần tỉnh táo mỗi đợt thị trường vàng có "sóng lớn", không đầu tư theo tâm lý đám đông.



Q.D
Cùng chuyên mục