Giá xăng dầu cao kỷ lục trong 8 năm qua, doanh nghiệp vận tải đường bộ "khóc" ròng

18/02/2022 09:39 GMT+7
Sau kỳ điều chỉnh vào ngày 11/2, giá xăng RON 95 vượt mức 25.000 đồng/lít, lên mức cao nhất trong 8 năm qua khiến thị trường chưa thể hạ nhiệt, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải "khóc" vì lỗ nặng.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu cũng đang phải "gồng" lên để kinh doanh khi giá nhập bằng giá bán, chiết khấu 0 đồng trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên… Mỗi lít xăng bán ra đang lỗ 600-700 đồng. Trung bình một cửa hàng bán được 600m3 thì tháng mất 400 triệu đồng.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính khiến giá dầu liên tục tăng giá được cho là xuất phát từ căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, mùa đông khắc nghiệt tại nước Mỹ càng khiến việc khai thác dầu của các công ty nước này không thể diễn ra thuận lợi khiến giá năng lượng càng bị đẩy lên cao.

Giá xăng dầu cao kỷ lục trong 8 năm qua, doanh nghiệp "khóc" ròng - Ảnh 1.

Giá xăng dầu ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Ảnh: L.Đ

Đánh giá về việc giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh vận tải, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội cho biết: "Giá xăng dầu chiếm đến 45 -50% doanh thu của doanh nghiệp vận tải. Việc giá xăng dầu lên ảnh hưởng trực tiếp đến ngành vận tải".

"Hai năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải đã khó khăn lại muôn vàn khó khăn. Việc giá xăng tăng liên tục như những ngày qua, khiến doanh nghiệp không thể nào cầm cự được nữa", ông Bằng chia sẻ.

Do giá xăng dầu tăng cao nhất trong 8 năm qua, ông Bằng cho rằng: "Các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tiết kiệm chi phí tối đa có thể. Đối với các xe khách chạy đường dài, bộ phận vận hành buộc phải tính toán tiết kiệm tối đa các chi phí phát sinh trong chuyến đi".

"Đối với những chuyến đi do lượng khách quá ít, không đủ chi phí cho chuyến đi nếu cần thiết doanh nghiệp có thể hủy bỏ chuyến đi, ghép chuyến để cắt lỗ", ông Bằng bày tỏ.

Giá xăng dầu cao kỷ lục trong 8 năm qua, doanh nghiệp "khóc" ròng - Ảnh 2.

Doanh nghiệp vận tải đang phải gồng mình để duy trì hoạt động kinh doanh. Ảnh: B.Đ

Cho đến nay, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã có đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt là Bộ Công Thương xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu nhất là các loại thuế phí như thuế môi trường để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu giúp doanh nghiệp vận tải và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa sử dụng nhiều nguyên liệu xăng dầu ổn định sản xuất, vượt qua thời điểm khó khăn này.

Các cơ quan chức năng cũng cần tính toán xem xét xem việc tiếp tục thu thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong thời điểm này có phù hợp hay không. Bởi gián xăng dầu tăng cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vận tải đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Trước đó, ngày 14./2, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp các số liệu liên quan tới lượng hàng mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước; lượng xăng dầu thực tế các đơn vị sản xuất trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay cũng như cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường, kế hoạch nhập khẩu...

Từ dữ liệu này, Bộ Công thương sẽ tính toán tổng nguồn, giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo nguồn trong nước khi rơi vào kịch bản xấu nhất.

Bộ Công Thương khẳng định, tổng nguồn sẽ đáp ứng đầy đủ cho tổng cầu nền kinh tế và đã tính phương án để tự chủ hơn về nguồn cung, đề phòng phương án xấu nhất của Nghi Sơn không hoạt động bình thường.


Thế Anh
Cùng chuyên mục