Giải bài toán quỹ đất eo hẹp: Cả gia sản trong 5m2

Thứ năm, ngày 25/07/2013 06:40 AM (GMT+7)
"Bây giờ ở đâu cũng khan hiếm đất chăn thả gia súc, nhưng không chăn nuôi gia súc thì khó mà giàu lên được. Thế nên chúng tôi vận động nông dân áp dụng cách nuôi gia súc nhốt chuồng…"
Bình luận 0
Anh Lừ Văn Sởn- Chi hội trưởng nông dân bản Sơn Pha (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La) nói.

Gia đình chị Lò Thị Hải ở bản Sơn Pha có cuộc sống khá giả hơn nhờ nuôi bò, dê nhốt chuồng.
Gia đình chị Lò Thị Hải ở bản Sơn Pha có cuộc sống khá giả hơn nhờ nuôi bò, dê nhốt chuồng.

Các xã Chiềng Khoang, Nậm Ét, Chiềng Bằng… thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La vốn là địa bàn đất rộng, người thưa, chăn thả gia súc là một trong những thế mạnh vốn có của bà con nơi đây. Nhưng giờ đây thì "tất cả đã được nhốt chuồng, lấy đâu ra đất mà thả rông nữa" - bà Cà Thị Giót, bản Đúc, xã Chiềng Khoang, bảo vậy.

Cả gia sản trong 5m2

Cũng theo bà Giót, đất sản xuất ở Chiềng Khoang trong gần chục năm nay trở nên hiếm hoi hơn bởi "cùng lúc thực hiện 2 dự án: Phát triển cây cao su và đón dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La nên phải san sẻ nhiều, chẳng còn những nương vườn đi mỏi chân để thả rông trâu, bò nữa. Vì thế, bây giờ mấy con bò của nhà tôi đều phải nuôi nhốt trong chuồng, thỉnh thoảng mới đưa ra ngoài tắm nắng".

Đang buổi trưa nhưng vợ chồng anh Quàng Văn Dũng ở bản Ngáy, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai vẫn tranh thủ cắt cỏ voi. “Chiều nay phải đi nương xa nên tôi phải lo cái ăn tối nay và ngày mai cho bò. Nhà tôi có 1 con bò, 2 con trâu đều nuôi nhốt cả trong 5m2 chuồng trại. Cỏ bây giờ phải trồng, phải cắt, phải bón phân mới đủ cho gia súc ăn. Đàn trâu, bò của tôi là cả gia sản đi vay vốn về mới mua được đấy. Nếu thành công thì chỉ vài ba năm là có khoản tiền hàng trăm triệu đồng. Vì thế dân mấy xã ở đây ai cũng cố gắng làm cái chuồng để nuôi nhốt gia súc. Nuôi nhốt thì vất vả hơn nhưng đảm bảo ít bệnh tật, nhanh lớn và quản lý tốt hơn" - anh Dũng tâm sự.

Lấy chăn nuôi làm bàn đạp

"Từ khi chuyển từ huyện Quỳnh Nhai về tái định cư tại bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, Mai Sơn, mấy chục hộ dân chúng tôi cứ loay hoay tìm cách làm ăn để xoá nghèo, làm giàu nhưng đất đai hạn hẹp, điều kiện sản xuất mới nên vươn lên không dễ"-anh Lù Văn Hội - Trưởng bản Sơn Pha, tâm sự. 74 hộ dân trong bản rất cần cù, chịu khó nhưng ở Sơn Pha chỉ có đất nương với hạn mức cấp nhiều lắm cũng chỉ hơn 1ha cho hộ 5-7 nhân khẩu nên cố làm thì năm cũng chỉ 2 vụ ngô hoặc 1 vụ mía, thu nhập chỉ ở mức thoát nghèo.

Chỉ vào đàn dê 5 con đang nghển cổ đòi ăn trong chuồng, chị Lò Thị Hải, bản Sơn Pha, bảo: “Bây giờ mỗi con dê to giá cũng bạc triệu, còn trâu bò thì mấy chục triệu một con. Không làm theo cách nuôi nhốt chuồng Hội ND hướng dẫn thì không thể vươn lên làm giàu được đâu”.


Cũng trong cái khó khăn "đất cấp theo định mức", các hộ tái định cư ở Sơn Pha đã học theo cách nuôi nhốt gia súc để giải quyết bài toán về thu nhập cao khi ít đất sản xuất. Anh Lừ Văn Sởn- Chi hội trưởng ND bản Sơn Pha, tâm sự:

Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có nuôi gia súc thì cuối năm mới có khoản tiền lớn để chi những việc lớn. Vì thế, Hội ND chúng tôi vận động bà con làm chuồng nuôi nhốt gia súc; tranh thủ những mảnh đất dù chỉ như cái chiếu cũng trồng cỏ, tra ngô dày hạt lấy thức ăn cho gia súc.

Hộ ít vốn thì nuôi lấy 2-3 con dê; hộ lớn vốn thì nuôi 5-7 con trâu, bò. Cán bộ làm trước. Nhà tôi nuôi 2 con bò và 5 con dê; nhà anh Tấm - Bí thư thì nuôi 6 con bò, 1 con trâu; trưởng bản thì nuôi lợn và gà, vịt… Thấy chúng tôi thành công, bây giờ cả bản học theo. Gia súc, gia cầm trong bản nhờ thế tăng lên nhanh lắm.
Kiều Thiện ( Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem