Giải mã thất bại "đau đớn" nhất của MiG-21 trong thế kỷ 20

Thứ năm, ngày 16/04/2020 08:31 AM (GMT+7)
24 tiêm kích MiG-21 của Liên Xô triển khai tại Ai Cập đã mắc bẫy của Không quân Israel và 5 chiếc bị bắn hạ chỉ trong chưa đầy 3 phút vào tháng 7/1970.
Bình luận 0

Mỹ, Nga và Israel đang bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng ở Syria. 48 năm trước, câu chuyện này cũng rất quen thuộc. Ở thời điểm đó, Ai Cập, khách hàng mua vũ khí thân thiết của Liên Xô cũng đang gặp rắc rối với Israel.

Theo National Interest, sau thất bại trong cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quyết định đối đầu với Israel bất chấp nguy cơ thất bại. Giai đoạn 1967-1970, pháo binh Ai Cập liên tục pháo kích qua kênh đào Suez.

img

 MiG-21 của Liên Xô triển khai hoạt động tại Ai Cập. Ảnh: Wikipedia.

Sự can thiệp của Liên Xô

Israel không thể chiến thắng trong một cuộc chiến trực diện trên bộ. Họ trả đũa các đợt pháo kích của Ai Cập bằng chiến dịch đột kích chớp nhoáng trên không. Không quân Israel (IAF) được trang bị máy bay chiến đấu F-4 Phantom do Mỹ chế tạo, Mirage của Pháp thường xuyên đột kích vào không phận và Ai Cập gần như bất lực.

Cairo cầu cứu Moscow và Liên Xô đã đồng ý triển khai Sư đoàn tên lửa phòng không đặc biệt số 18 đến Ai Cập, gồm trung đoàn không quân tiêm kích 135 với các máy bay chiến đấu MiG-21MF, cùng các phiên bản mới nhất của tên lửa phòng không S-75 Dvina và S-125 Pechora.

IAF ngừng các đợt không kích vào Ai Cập vì lo ngại đối đầu với Liên Xô. Tuy nhiên, Ai Cập với sự trợ giúp của Liên Xô bắt đầu xây dựng hàng rào phòng không kết hợp, đe dọa khả năng chiếm ưu thế trên không của Israel. IAF bắt đầu lên kế hoạch tấn công vị trí triển khai tên lửa phòng không của Ai Cập sát kênh đào Suez.

Từ tháng 6/1970, 2 tiêm kích F-4 Phantom bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không, 2 chiếc khác vào tháng 7. Bên cạnh đó, MiG-21 của Liên Xô cũng mở rộng phạm vi hoạt động trên khắp bán đảo Sinai do Israel kiểm soát. Ngày 25/7/1970, MiG-21 của Liên Xô chặn A-4 Skyhawks của Israel. Một chiếc bị bắn bởi tên lửa không đối không AA-2 Atoll buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Bir Gifgafa.

Sự việc trở thành “giọt nước tràn ly” đối với sự nhẫn nại của Israel. Lần đầu tiên, uy quyền tối cao của IAF bị đe dọa nghiêm trọng, không chỉ ở bờ Tây kênh đào Suez mà còn trên khu vực lãnh thổ do Israel kiểm soát.

Chiến dịch Rimon 20

Sau nhiều cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng và nội các Israel, IAF được phép “dạy cho Không quân Liên Xô một bài học”. IAF tuyển chọn những phi công dày dạn kinh nghiệm và lên kế hoạch rất chi tiết. Chiến dịch nhằm chứng minh sức mạnh thống trị trên không của IAF ở Trung Đông, vực dậy tinh thần cho quân đội sau khi một số máy bay bị bắn hạ, đồng thời tạo lợi thế trên bàn đàm phán.

img

 Máy bay bay chiến đấu Mirage của Israel. Ảnh: JPost.

Chiến dịch giăng bẫy MiG-21 có tên là Rimon 20. Theo nhà sử học Shlomo Aloni, kế hoạch của Israel khá đơn giản. Bốn máy bay Mirage bay trinh sát trên khu vực mà MiG-21 của Liên Xô hoạt động. Mirage được vũ trang và bay rất gần nhau thành từng cặp, để mô phỏng trên màn hình radar nhìn giống như 2 chiếc Mirage đang bay trinh sát, không có vũ trang. 12 chiếc F-4 và Mirage khác bay ở độ cao dưới tầm radar để phục sẵn chờ MiG-21 “cắn câu”.

Chiều 30/7/1970, trắc thủ radar báo cáo về sự xuất hiện của máy bay trinh sát Israel ở phía tây kênh đào Suez và Không quân Liên Xô đã mắc bẫy. 24 chiếc MiG-21 từ nhiều sân bay ở Ai Cập được lệnh cất cánh đánh chặn Mirage của Israel, mà không biết rằng họ đang sa vào cái bẫy mà IAF giăng sẵn.

24 chiếc MiG-21 đang lao về phía 4 chiếc Mirage, thì những chiếc F-4 và Mirage ở dưới bất ngờ bay vọt lên phóng tên lửa vào những chiếc MiG. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút, 5 chiếc MiG-21 đã bị bắn hạ. Phía IAF chỉ tổn thất một máy bay.

Một số nhà phân tích nói rằng các phi công Liên Xô bị bất ngờ trước cuộc phục kích và vỡ trận. Họ không duy trì được đội hình chiến thuật để bảo vệ lẫn nhau dẫn đến tổn thất nặng. Một số khác cho rằng các phi công IAF không chỉ giỏi mà còn may mắn vì nhiều tên lửa AA-2 bắn về máy bay Israel đã không phát nổ.

Một số nguồn tin nói rằng Không quân Ai Cập tỏ ra hả hê trước thất bại của Không quân Liên Xô, vì trước đó các cố vấn quân sự Liên Xô thường xuyên chỉ trích thành tích yếu kém của Ai Cập khi chiến đấu với Israel và tự hào về kỹ năng cao cấp của họ. Nhưng rồi Không quân Liên Xô đã rơi vào cái bẫy mà Ai Cập vốn quen thuộc.

Trung Hiếu (Zing)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem