Giải pháp nào để cứu sân khấu Việt?

Thứ năm, ngày 30/09/2021 15:40 PM (GMT+7)
Biểu diễn sân khấu online, ghi hình và phát lại trên sóng là những giải pháp tạm thời để các nghệ sĩ được làm nghề trong giai đoạn khó khăn.
Bình luận 0

Không biết bao giờ sân khấu mới có thể sáng đèn trở lại và đón khán giả đến rạp. Đó là nhận định chung của lãnh đạo các nhà hát lúc này.

Ngay cả khi tình hình dịch Covid-19 được cải thiện, việc khôi phục hoạt động nghệ thuật, nhất là lĩnh vực đặc thù như sân khấu, vẫn là câu chuyện gian nan. Bởi chỉ khi kinh tế, xã hội, y tế ổn định, công chúng mới có tinh thần để thưởng thức nghệ thuật.

Giải pháp tạm thời để sống chung với dịch

Từ đầu tháng 8, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chương trình nghệ thuật trực tuyến mang tên San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch. Nghệ sĩ Xuân Bắc, Chí Trung đảm nhận vai trò MC. Mỗi chương trình được ghi hình tại các điểm cầu khác nhau. Qua 5 số, các nghệ sĩ từ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam... mang đến những tiết mục đa dạng, phục vụ khán giả.

Đây là một trong những dịp nghệ sĩ làm quen với việc biểu diễn ở sân khấu không có khán giả. Thay vì những tràng pháo tay ủng hộ quen thuộc, tình cảm họ nhận được là biểu tượng "thích", "thả tim", bình luận từ người xem online.

Giải pháp nào để cứu sân khấu Việt? - Ảnh 1.

Nghệ sĩ biểu diễn online trong chương trình San sẻ yêu thương dịp Tết Trung thu.

Mỗi nghệ sĩ mang một tâm tư riêng khi đứng trên sân khấu đặc biệt, nhưng có lẽ điều khiến họ vui nhất là được tiếp tục sống với đam mê. Nghệ sĩ múa Ngọc Cần (Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam) chia sẻ trong chương trình ngày 1/9: "Rất lâu rồi tôi không được đứng trên sân khấu, nên rất hồi hộp. Cảm xúc hôm nay cũng khác biệt. Bình thường, mỗi khi diễn, chúng tôi nhận được những tràng pháo tay không ngớt như một sự ghi nhận. Thậm chí, có lúc, chúng tôi đi vào bên trong rồi vẫn chạy ra vì xúc động. Mong rằng, ngày hôm nay, dù không kết nối trực tiếp, chúng tôi vẫn có thể mang đến cho khán giả một tiết mục nghệ thuật qua màn hình".

Hiện, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với 12 đơn vị trực thuộc Bộ có kế hoạch dài hơi hơn, kéo dài đến cuối năm 2021.

Cụ thể, các nhà hát sẽ sản xuất chương trình, vở diễn chọn lọc. Chương trình được ghi hình và sau đó phát sóng trên các đài truyền hình từ cuối tháng 9 đến tháng 12. Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện vở Thanh xuân 21, Cuộc chiến vô cực. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dự định quay hình tiết mục múa ballet Hồ Thiên Nga và nhạc kịch Những người khốn khổ.

Ngày 26/9, vở Trung thần của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã được phát sóng trên VTV1. Đây cũng là tiết mục đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm từ những đơn vị nghệ thuật khác dự kiến được đưa lên màn ảnh nhỏ.

Có thể mở cửa vào đầu năm 2022

Trao đổi với Zing, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, bày tỏ với tình hình hiện nay, sân khấu có thể rậm rịch mở cửa trở lại vào cuối năm 2021 hoặc đầu 2022. Tuy nhiên, lúc ấy, khán giả đã sẵn sàng đến rạp hay chưa lại là chuyện khác.

Ông Sĩ Tiến cho rằng việc biểu diễn online hoặc mang nghệ thuật sân khấu lên truyền hình là giải pháp tạm thời để sân khấu không bị đóng băng quá lâu. Các nghệ sĩ cũng giữ được tinh thần tích cực để sống với đam mê.

"Nếu xét về đặc thù, sân khấu vẫn là nơi phải có khán giả ở đó. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nghệ sĩ không thể cứ ngồi im mãi và chờ đợi. Mình cũng phải đón đầu xu hướng và mong mọi thứ tốt dần lên. Khi ghi hình một vở kịch, rồi cắt dựng, phát lại cũng có những mặt hạn chế nhất định. Bối cảnh hay tình tiết tất nhiên không thể thu hút như phim truyền hình. Song theo tôi, đây cũng là một giải pháp hay để tiếp cận với khán giả", ông nói.

Giải pháp nào để cứu sân khấu Việt? - Ảnh 2.

Hình ảnh trong vở diễn Bầy chim thiên nga của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ.

Theo Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, bên cạnh các tiết mục chuẩn bị để phát sóng trên truyền hình sắp tới, nghệ sĩ của nhà hát cũng bắt tay vào tập để hoàn thành 4 chương trình năm nay và một vở tham dự liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 (dự kiến tổ chức tại Hải Phòng).

"Anh em nghệ sĩ rất vui khi được diễn sau vài tháng chỉ ở nhà. Đương nhiên, trong giai đoạn này, chúng ta chưa được tụ tập trên 20 người. Chúng tôi vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe trên hết, tìm phương án phù hợp", NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến chia sẻ.

Nghệ sĩ Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, cũng cho rằng nếu tình hình tiến triển thuận lợi, phải đến đầu 2022, các sân khấu mới có thể mở cửa.

"Tôi hy vọng như thế dù biết vẫn còn nhiều khó khăn. Bây giờ, nghệ sĩ chỉ tập vở theo từng nhóm nhỏ. Chúng tôi cũng đã thực hiện chương trình theo kế hoạch của Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhưng chưa có lịch lên sóng cụ thể. Tôi nghĩ đây là cách mới để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả trong tình hình dịch Covid-19", bà nói.

"Khi dịch qua đi, hình thức biểu diễn trực tuyến vẫn có thể tồn tại song song để khán giả ở mọi miền đất nước theo dõi. Còn nghệ thuật sân khấu, đương nhiên vẫn phải có khán giả trực tiếp. Các nghệ sĩ chờ đến ngày được diễn trong những tràng pháo tay và thăng hoa cùng cảm xúc", NSƯT Trần Ly Ly phát biểu thêm.

Theo Ly Nguyễn (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem