Giải quyết khiếu nại, tố cáo: “Nghe ông này, mất lòng ông kia!”

Lương Kết Thứ tư, ngày 05/10/2016 06:26 AM (GMT+7)
“Có khi một sự việc có tới 3 trường phái chỉ đạo, không biết nghe ai? Các vị chỉ đạo đều chức vụ to như nhau, tiềm lực, thế mạnh như nhau, nghe ông này, mất lòng ông kia”. Đó là những trải lòng của ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.
Bình luận 0

Nhiều lãnh đạo chưa tiếp công dân theo quy định

Sáng 4.10, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016. Theo báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015. Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%, số đoàn đông người giảm gần 10%, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015.

img

Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội  phát biểu tại phiên thảo luận sáng 4.10. Ảnh: X.B.M

Góp ý vào báo cáo, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Qua giám sát có thể thấy, khi nào người đứng đầu của cơ quan hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện tiếp công dân thì công dân đều đăng ký rất đông, số vụ việc được giải quyết tại chỗ là rất lớn.

Cũng theo bà Hải, đi giám sát ở các tỉnh, đoàn thấy nhiều chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện chưa thực hiện việc tiếp công dân đúng theo quy định của pháp luật. Luật quy định chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân 1 lần/tháng, chủ tịch UBND huyện 2 lần/tháng, chủ tịch UBND cấp xã 4 lần/tháng.

"Trong báo cáo Chính phủ có nêu số liệu phần lớn các bộ, ngành đã tiếp công dân theo quy định, nhưng chúng tôi nhận thấy có Bộ như Bộ TNMT 3 tháng mới tiếp công dân 1 lần" - bà Hải cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu thực tế khi ông và đoàn công tác đến làm việc tại trụ sở tiếp dân ở T.Ư. Trong số những cơ quan được phân công tiếp công dân, có cơ quan chỉ đưa trợ lý đến, trong khi những người này không đủ thẩm quyền và điều kiện để giải quyết khiếu nại.

“Người tiếp dân phải đủ địa vị pháp lý mới giải quyết được. Người tiếp dân phải có trách nhiệm và bản lĩnh, ngoài ra nếu cấp thấp quá cũng không giải quyết được công việc" - ông Tỵ đánh giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn cho rằng: “Cần phải xem xét là trách nhiệm của các cơ quan xử lý việc khiếu kiện làm chưa tốt, chưa giải quyết đến nơi đến chốn, thậm chí còn có tình trạng cậy thế của mình, cũng có tiêu cực dẫn tới xử lý các vụ khiếu kiện không đến nơi đến chốn".

“Mấy nơi chỉ đạo, không biết nghe ai”

Mặc dù số vụ khiếu nại, tố cáo giảm về số lượt so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lại tăng 31,3% số đơn tố cáo và tăng 2,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, bản thân ông từng chứng kiến nhiều cán bộ tiếp công dân nhưng không có kiến thức, nói đúng thành sai, nói đơn giản thành phức tạp. “Nhưng nguy hiểm hơn là đùn đẩy và đổ lỗi trách nhiệm” - ông Việt nói.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, có một thực tế rất nguy hiểm nữa đó là sự can thiệp, chỉ đạo, nhận định của quan chức trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

"Có những vụ việc rất đơn giản, anh em xử lý, giải quyết đúng tinh thần, nhưng lại có điện thoại gọi đến. Tôi đã chứng kiến và rất chia sẻ với anh em làm nghề này. Họ muốn làm tốt nhưng có sự can thiệp, chỉ đạo làm méo mó sự việc. Có khi một sự việc 3 trường phái chỉ đạo, không biết nghe trường phái nào? Các vị chỉ đạo đó đều  chức vụ to như nhau, tiềm lực, thế mạnh như nhau, nghe ông này, mất lòng ông kia" - ông Việt thẳng thắn cho hay.

Từ một vụ việc vừa gây nóng dư luận, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị: “Thực hiện đúng chủ trương Chính phủ, từ việc nhỏ không xảy ra thành việc to, không để gây ra dư luận hiểu lầm, chúng ta phải làm công khai và nghiêm minh. Với những vụ gây ra "bão" dư luận như vụ việc của phóng viên Quang Thế, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và ngay cả Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng phải có sự theo dõi, kiểm tra xử lý công minh, công bằng, thuyết phục để cả người trong cuộc và ngoài cuộc đều tâm phục, khẩu phục, củng cố lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước”. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem