Giảm cán bộ cấp phó, tăng kiêm nhiệm

Thứ ba, ngày 15/01/2013 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 14.1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về xây dựng Đề án "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở".
Bình luận 0

Theo Chủ tịch nước, vướng mắc lớn nhất là chỗ phường, xã, thị trấn còn lùng bùng. "Tôi nhớ biên chế hành chính lúc trước chỉ 400-500 ngàn người, giờ thành 1,5 triệu người, rồi hô khẩu hiệu cải cách tiền lương thì sao cải cách được. Còn khối sự nghiệp công, dù Bộ Chính trị ra rất nhiều văn bản rồi nhưng thực tế hiện còn vướng mắc ghê gớm lắm. Dân số tăng thì thầy giáo tăng, thầy thuốc tăng là tự nhiên, nhưng toàn bộ khối sự nghiệp công này mà Nhà nước dùng ngân sách trả lương thì bất cứ quốc gia nào cũng không kham nổi. Làm sao để quỹ tiền lương ngân sách vào khối sự nghiệp không thể tăng song song mà xã hội đóng góp một phần để tổng quỹ lương hành chính có điều kiện tăng lên" - Chủ tịch nước nói.

img
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc.

Giải pháp mà Chủ tịch nước đề ra là phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy. Muốn nâng cao hiệu quả bộ máy thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Theo đó, đội ngũ công chức phải chết sống với công việc. "Nói tóm lại là phải giỏi, phải trung thành nhưng phải có động lực và phải sống được bằng lương. Chứ từ sau giải phóng 1975 tới giờ mình nói mãi nhưng vẫn chưa làm được" - Chủ tịch nước nói.

Nhận xét về mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND, Chủ tịch nước cho rằng, chủ trương này phụ thuộc rất lớn vào cán bộ. Bí thư kiêm chủ tịch, chỉ sợ nhiều việc quá anh em làm không tròn, rồi gia trưởng, độc đoán… "Nhưng nếu phải phát huy cái này thì biên chế sẽ giảm 11.000 người cấp xã, phường, thị trấn trên cả nước. Mà một người cấp phường định suất khoán lương, chi phí hành chính… là 74 triệu đồng/người/năm thì sẽ tiết kiệm được con số khổng lồ. Lấy một phần này mình tăng cho anh em kiêm nhiệm sẽ rất tốt, rất hay" - Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, ngay cả số phó cũng phải giảm mà tăng kiêm nhiệm lên để cuối cùng bộ máy gọn lại nhằm cải cách tiền lương. Có một điều không thể né tránh là làm sao cho thu nhập anh em khá lên thì mới có động lực làm việc. Chúng ta đều muốn mà họ hỏi "tiền lương em bao nhiêu" lại nín thinh là không được. "Do đó, có mấy vấn đề, thứ nhất chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền đô thị và nông thôn phải khác nhau để góp phần sửa đổi Hiến pháp 1992. Làm được sẽ có sự chuyển động lớn về mô hình tổ chức và biên chế để sát thực tế, sát công việc hơn. Thứ hai là biên chế, đội ngũ hướng tới không tăng mà phải giảm và hiện đại hóa đội ngũ lên" - Chủ tịch nước kết luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem