Giám đốc Ban Quản lý Dự án cao tốc 34.000 tỷ bị đình chỉ công tác

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 30/10/2018 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 30.10, chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đã tiến hành xét kỷ luật hàng loạt tập thể, cá nhân có liên quan.
Bình luận 0

img

Dự án cao tốc 34.000 tỷ : Xem xét kỷ luật hàng loạt tập thể cá nhân (Ảnh: IT)

Theo đó, VEC đã tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Có 5 cá nhân bị kỷ luật cảnh cáo, gồm: Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 6; cảnh cáo cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 4 (đoạn Công ty Tuấn Lộc thi công); cảnh cáo cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 6 (đoạn Tổng công ty Thành An thi công); Phó giám đốc kiêm đội trưởng đội vận hành và bảo trì Ban điều hành đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

VEC cũng cảnh cáo 4 đơn vị, gồm: Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 6; Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Ban điều hành quản lý khai thác đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.Theo VEC, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác 65km đầu tuyến (2.8.2017), khoảng cuối tháng 9.2018 đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 3cm tại một số vị trí với diện tích khoảng 70 m2 / 3,1 triệu m2. Những hư hỏng này đã được các đơn vị kiểm tra có Biên bản hiện trường và báo cáo lên Ban QLDA.

Tuy nhiên, công tác sửa chữa chưa được các nhà thầu thực hiện kịp thời, triệt để, đã làm hư hỏng thêm lớp bê tông nhựa phía dưới tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông; mặt khác, công tác cung cấp thông tin cho báo chí chưa đầy đủ, kịp thời đã gây dư luận xã hội không tốt. Sau hơn 04 ngày thi công, đã hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục các hư hỏng mặt đường tại đoạn tuyến này, cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tuyệt đối an toàn giao thông và đã được xác nhận hoàn thành bởi các đơn vị có chức năng, đã được Bộ GTVT cho phép đưa vào thu phí trở lại.

Trên chính tuyến xuất hiện cục bộ khoảng 21 vị trí/426 tổng số cầu, cống bị thấm, dột do công tác thi công hệ thống thoát nước của nhà thầu chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hoặc hư hỏng trong quá trình khai thác. Các vị trí này đã được VEC chỉ đạo nhà thầu khắc phục triệt để trong tuần tới.

Tại một số vị trí mái taluy bị sạt trượt, do lớp cỏ bảo vệ mái taluy chưa kịp phát triển, VEC đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương khắc phục, hoàn thiện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Công trình có thời gian bảo hành 24 tháng. Trong thời gian này, toàn bộ kinh phí sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, tồn tại do nhà thầu chịu trách nhiệm chi trả.

Trước đó, VEC cũng đã lần đầu tiên thừa nhận một số hầm chui xuất hiện tình trạng thấm nước, rỉ nước. Cụ thể, VEC cho biết, đoạn tuyến WB (Km65+000 – Km139+204; đưa vào khai thác từ 02/9/2018): Tại một số vị trí thuộc phạm vi các Gói thầu A1, A2, A3 (Km66+680, Km73+200-Km81+150, Km83+040 (phải tuyến), Km104+500, Km109+230…) còn tồn tại tình trạng mặt đường bị đọng nước; một số hạng mục cầu, hầm chui xuất hiện tình trạng thấm nước, rỉ nước từ điểm thu nước xuống cống, ống thu nước bị bật khỏi mối nối; lòng cầu/hầm chui chưa được thanh thải, vệ sinh; chưa thanh thải vật liệu thừa khi thi công ra khỏi công trường; công tác gia cố mái taluy tứ nón đầu cầu chưa hoàn thiện; công tác hoàn trả đường địa phương, thi công đường ngang, đường gom chưa thi công xong.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thấm nước, đọng nước tại một số cầu là do việc thi công hệ thống thoát nước mặt cầu chưa được hoàn thiện để bảo đảm yêu kỹ thuật theo thiết kế (một số vị trí phễu thu nước và ống nhựa dẫn nước tuy đã được lắp đặt nhưng chưa được chèn khít, ống thoát nước bị bật khỏi mối nối…); Nhà thầu chưa thi công rãnh dẫn nước mặt cầu thoát xuống dưới gầm cầu về cống tròn gần đó, dẫn đến nước mưa chảy xuống dưới gầm cầu; chưa thực hiện thanh thải lòng cầu/cống cũng như thanh thải vật liệu thừa khi thi công dầm ngang đầu cầu ra khỏi công trường khiến cầu/hầm chui mất vệ sinh, mất mỹ quan, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân địa phương.

Việc thấm nước tại các hầm chui dân sinh, qua kiểm tra cho thấy các hầm chui chủ yếu bị thấm nước mối nối khe co giãn thành cống. Nguyên nhân chính là do băng cản nước được bố trí giữa 02 thân đốt hầm trong quá trình thi công bị xô lệch, gây nên hiện tượng rò rỉ nước từ đỉnh hầm chui. Những tồn tại này Nhà thầu chậm triển khai khắc phục dẫn đến những bức xúc cho người dân địa phương và tạo dư luận không tốt cho Dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem