Giám đốc dự án LIFSAP: Nông dân nuôi lợn trong dự án bị dịch tả lợn châu Phi là bất khả kháng

Trần Quang Thứ năm, ngày 28/05/2020 09:36 AM (GMT+7)
"Sau 9 năm triểu khai, đến nay dự án LIFSAP đã thành công. Tuy nhiên, hiện trong các hợp phần của dự án vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan. Sắp tới cần sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương để tiếp tục duy trì, phát triển và bảo vệ thành quả của dự án".
Bình luận 0

Ông Thất Sơn Phong - Phó Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Giám đốc Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) cho biết như trên khi trao đổi với Dân Việt xung quanh loạt bài về dự án LIFSAP.

Nông dân lâm nợ vì dự án LIFSAP: Trách nhiệm của địa phương - Ảnh 1.

Ông Tôn Thất Sơn Phong - Phó Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Giám đốc Dự án LIFSAP.

Dự án đã thành công?

Sau 9 năm triển khai,đến nay Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Dự án LIFSAP đã thu được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Dự án LIFSAP chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2010-2015, hiện giai đoạn này đã quyết toán và hoàn thành xong. Giai đoạn 2 triểu khai từ năm 2016 -2018, dự án đã kết thúc vào 31/12/2018, trong thời gian vừa qua các địa phương đang làm thủ tục để quyết toán hoàn thành dự án. Còn lại các hoạt động đầu tư chính thức kết thúc vào ngày 30/6/2019.

Qua 2 giai đoạn dự án đã tập trung vào đối tượng chăn nuôi nông hộ và kết quả chúng tôi đã thiết lập được 40.000 hộ áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAHP; hình thành được 130 tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAHP.

Dự án đã nâng cấp được 400 cơ sở giết mổ; nâng cấp được 600 chợ thực phẩm và hỗ trợ cho hệ thống giảm sát về dịch bệnh, về khuyến nông, thú y, an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương.

Sau khi dự án hình thành được 130 THT, HTX đã có một số đơn vị đã gắn được vào chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ; nhiều nhất là các mô hình HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có rất nhiều mô hình, đa dạng trong cách làm, mỗi địa phương lại có cách áp dụng, làm các mô hình khác nhau để khép các chuỗi giá trị.

Tính đến thời điểm hiện tại có 9/12 tỉnh tham gia Dự án LIFSAP hoàn thành việc quyết toán, 3 tỉnh còn lại đang trình hồ sơ cho các cấp cho thẩm quyền để phê duyệt quyết toán dự án. Theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, dự kiến đến hết quý 3/2020, 3 tỉnh này sẽ hoàn thành việc quyết toán theo đúng quy định.

Chính vì thế mà các hoạt động sau ngày 31/12/2018 thì chỉ còn kinh phí để duy trì, phục vụ công tác quyết toán.

Vừa qua, theo ghi nhận của PV Dân Việt, có một số hộ chăn nuôi ở Hà Nội tham gia dự án bị dịch tả lợn châu Phi, phía dự án có nắm được vấn đề này?

- Do bối cảnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi diễn ra đầu năm 2019, Ban QL dự án đã tham mưu cho Bộ NNPTNT làm việc với nhà tài trợ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn dự án thêm 1 năm và cấp kinh phí bổ sung khoảng 3 triệu USD để hỗ trợ các nông hộ trong dự án, vừa nhằm bảo vệ kết quả của dự án.

Lúc đó, một đồng chí lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo và rất quyết liệt, mong dự án tiếp tục được gia hạn để tiếp tục có những hỗ trợ đối tượng chăn nuôi nông hộ trong dịch tả lợn châu Phi.

Thời điểm đó, phía nhà tài trợ cũng đồng ý cho Việt Nam làm thủ tục gia hạn dự án thêm 1 năm. Chính vì thế Bộ NNPTNT đã trình thủ tục và được Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính đồng ý, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận và có quyết định điều chỉnh bổ sung đầu tư dự án.

Khi nguồn vốn của phía nhà tài trợ còn rất ít khoảng 1,8 triệu USD nhưng lúc đó, Chính phủ đã đồng ý bỏ ra 3 triệu USD để có các biện pháp bảo vệ thành quả của dự án và hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ bị ảnh hưởng dịch.

Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị thủ tục dài đến 30/6/2019 dự án chưa nhận được quyết định điều chỉnh hiệp định (Hiệp định tín dụng Khoản vay bổ sung) của Chủ tịch nước nên phía nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã không đồng ý cho gia hạn. 

Chúng tôi đã mất rất nhiều công sức, anh em cũng lăn lộn 6-7 tháng trời để làm việc này nhưng đạt kết quả nên dự án đã kết thúc luôn.

Giám đốc dự án LIFSAP: Nông dân nuôi lợn trong dự án bị dịch tả lợn châu Phi là bất khả kháng - Ảnh 2.

Một mô hinh chăn nuôi tham gia dự án LIFSAP

Quá trình triển khai dự án, người nông dân được nhận hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Trong đó, tổng số vốn thực hiện trong giai đoạn 1 khoảng 79 triệu USD; giai đoạn 2 là 44,68 triệu USD. Dự án đã dành 15% số vốn hỗ trợ cho đối tượng nông hộ; hơn 50% nguồn vốn để hỗ trợ nâng cấp các chợ thực phẩm, lò giết mổ; số vốn còn lại dùng để hỗ trợ, tăng cường năng lực cho hệ thống giảm sát về dịch bệnh, về khuyến nông, thú y, an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương.

Có thể nói LIFSAP là dự án đầu tiên và duy nhất đầu tư cho ngành chăn nuôi và đối tượng tập trung của dự án là nông hộ nhỏ.

Chúng tôi khẳng định, khi triển khai thí điểm quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP tại các nông hộ, dự án chỉ hỗ trợ "mồi" cho nông hộ như hỗ trợ tiền mặt (các hộ qua ngân hàng nhận tiền) nâng cấp chuồng trại 2 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 4 triệu đồng cho bà con xây dựng bể biogas và một số thiết bị chăn nuôi đi kèm. 

Trong giai đoạn 1 (từ 2010-2015), mặc dù dự án gặp một số khó khăn ở giai đoạn đầu. Do dự án hỗ trợ một nguồn vốn rất nhỏ, chỉ hỗ trợ mồi và chủ yếu vẫn là tiền của nông dân bỏ ra. Tại thời điểm đó, trong số 22 tiêu chí áp dụng VietGAHP thì người dân phải bỏ ra số tiều đầu tư tương đối lớn.

Dù thế nhưng dự án đã triển khai thiết lập được hơn 8.000 nông hộ chăn nuôi VietGAHP. Nhưng khi kết thúc giai đoạn 1, và bước sang giai đoạn 2, dự án không hỗ trợ nữa mà chúng tôi chỉ hỗ trợ tập huấn, kết nối thị trường... nhưng số hộ đã thiết lập được tăng lên 40.000 hộ.

Qua đó có thể thấy, sau quá trình triển khai dự án khoảng 9 năm (từ 2010 -2018), các nông hộ này đã thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất. Họ sẵn sàng đầu tư lớn khi thấy dự án có triển vọng, điều này là tự nguyện và không ép buộc gì cả.

Thứ 2 là công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, trong số 40.000 hộ chỉ có 10% số hộ bị dịch tả. Như ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có 80 tham gia dự án nhưng chỉ có 15 hộ bị dịch, như thế cho thấy ý thức phòng chống dịch và chăn nuôi an toàn sinh học của người dân ở đây cao lên hẳn.

Dự án cũng đã khép kín được mô hình, từ các nhóm hộ nhỏ sau đó các nông dân đã thành lập nên các THT, HTX. Như tại xã Hồng Phong cũng xây dựng được một HTX chăn nuôi tương đối điển hình. Khi bà con vào THT, HTX thì mọi người đã tự góp vốn với nhau để cùng mua con giống, thức ăn, thuốc thú y số lượng lớn từ các nguồn uy tín, chất lượng, từ các nhà máy hoặc đại lý cấp 1 để được giảm giá.

Với hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi qua việc áp dụng các phương thức chăn nuôi an toàn (GAHP). Cụ thể, ở thời điểm 2018, chúng tôi tổng hợp kết quả cho thấy các hộ trong dự án đã tăng tỉ lệ nuôi sống đàn lợn lên 93%, rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, các nông hộ này cũng rút ngắn được thời gian nuôi lợn từ 6 tháng rút xuống còn 5 tháng, giảm được 1 tháng so với việc chăn nuôi thời xưa.

Thứ 3 là dự án đã hình thành được chuỗi liên kết, trong đó có rất nhiều mô hình liên kết rất hiệu quả. Điển hình như các mô hình nông hộ ở phía Nam đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các siêu thị...

Thứ tư là việc nâng cấp các chợ thực phẩm, lò giết mổ. Trước đây, khi bắt đầu triển khai dự án năm 2010, trên địa bàn 12 tỉnh có khoảng trên 30.000 cơ sở giết mổ nhỏ, mổ lậu nhưng đến giờ theo đánh giá, tỷ lệ các lò mổ lầu này đã giảm được khoảng 30%.

Trong quá trình triển khai dự án cũng đã hỗ trợ nâng cấp được 600 chợ thực phẩm, qua đó giúp các địa phương hoàn thành một tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công dự án còn một số điểm yếu. Chính những hạn chế, tồn tại này cũng được các đoàn công tác của nhà tài trợ, của Bộ, ngành khi đi kiểm tra và đã chỉ ra như mức độ liên kết giữa các hộ GAHP, nhóm GAHP, HTX VietGAHP còn yếu, lỏng lẻo làm lượng sản phẩm đầu ra phân tán, chưa đạt đến được một quy mô lớn để tạo tác động đáng kể cho chuỗi giá trị ngành hàng, do đó giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao; 

Sau khi kết thúc dự án, dự án sẽ có những hỗ trợ gì cho bà con nông dân?

- Trong suốt thời gian tham gia dự án, trải qua nhiều các đợt dịch bệnh như lở mồm long móng, tai xanh... nhưng các nông hộ trong dự án đều an toàn. Tuy nhiên do dịch tả lợn châu Phi quá nguy hiểm, rủi ro cao (hiện vẫn chưa có vắc xin, thuốc đặc trị), nên không chỉ các trang trại lợn mà các nông hộ nhỏ đều đã bị ảnh hưởng, thiệt hại. 

Theo tổng hợp của chúng tôi, tính đến khoảng 30/6/2019, có khoảng 10% số nông hộ chăn nuôi VietGAHP bị thiệt hại trực tiếp, 25% số hộ trong vùng dịch bị ảnh hưởng gián tiếp, trong đó, các tỉnh, thành có nông hộ bị thiệt hại nặng sau "bão" dịch gồm Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng... 

Bên cạnh đó, các tỉnh có mật độ chăn nuôi thưa như Cao Bằng, Lâm Đồng...các nông hộ tham gia dự án không bị ảnh hưởng nhiều.

Đến nay, số hộ tham gia dự án bị dịch đã được các tỉnh, thành triển khai chi trả hỗ trợ tiền lợn tiêu hủy. Cùng với đó, hiện các địa phương cũng đang khẩn trương triển khai rà soát các đối tượng nông hộ đủ điều kiện để tiếp tục hỗ trợ cho công tác tái đàn, ổn định lại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Trong thời điểm dự án kết thúc đúng vào lúc xảy ra dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi cũng có văn bản gửi cho các tỉnh và có báo cáo Bộ chỉ đạo để các tỉnh trong dự án bố trí nguồn vốn đối ứng (từ nguồn vốn của các tỉnh) để bảo vệ các thành quả của dự án cũng như việc hỗ trợ cho các nông hộ trong dự án.

Hiện, chúng tôi cũng đang rất lo và trăn trở về các khó khăn mà các nông hộ, đây là đối tượng bị động, biến động và dễ bị tổn thương nhất. Có thể trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi cũng đã có hành động để kịp thời hỗ trợ bà con, nhưng khi xảy ra dịch tả lợn châu phi lại diễn ra đúng vào thời điểm kết thúc dự án nên bà con bị ảnh hưởng, thiệt hại ngay.

Theo thống kê của chúng tôi, năm 2010 khi triển khai dự án, các tỉnh trong dự án có khoảng 7 triệu nông hộ nhưng đến khi kết thúc dự án 31/12/2018, các địa phương này chỉ còn 2,5 triệu đến khoảng 3 triệu hộ, trong đó có nhiều hộ phát triển lên trang trại. Trong khi đó, sản lượng thịt lại tăng cao hơn.

Về loạt bài phản ánh của Dân Việt, ông Phong cho biết, sau khi nắm được thông tin, BQL dự án đã có công văn gửi ngay cho Sở NNPTNT Hà Nội để tiến hành kiểm tra, nắm tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, xem hộ nào có nhu cầu tái đàn, dự án sẽ hướng dẫn thực hiện

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem