Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Giá cả hàng Tết tăng 2-4%

Bạch Dương Thứ năm, ngày 08/12/2022 14:03 PM (GMT+7)
Tại phiên chất vấn ngày 8/12 trong kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khoá X, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đã giải đáp các chất vấn của đại biểu về hàng hóa dịp Tết, chợ truyền thống cũng như các vấn đề khác.
Bình luận 0
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Giá cả hàng Tết tăng 2-4% - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ. Ảnh: Thành Nhân

Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc cung ứng hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán để không gây biến động về giá cả, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hàng Tết năm nay tăng 15%-30%, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị hàng hóa cho Tết.

TP.HCM đã huy động các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng. Theo đó, đã có hơn 30.000 tấn hàng hóa được chuẩn bị cho người dân dịp Tết. "Nguồn hàng Tết năm nay đảm bảo dồi dào, nhưng về mặt giá cả lương thực, thực phẩm có tăng 2%-4%, chưa đến mức phải điều chỉnh giá bình ổn. Các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí để giữ giá", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định.

Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân về giải pháp quản lý chợ truyền thống thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện TP.HCM có 232 chợ truyền thống. Các chợ phần lớn được hình thành từ rất lâu cùng với quá trình hình thành khu dân cư. Đây cũng là kênh phân phối quan trọng cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng và vẫn đóng vai trò rất quan trọng, sẽ còn đồng hành lâu dài với người dân TP.HCM.

Khó khăn hiện nay của các chợ truyền thống là không gian của chợ không lớn, hạ tầng các chợ thiếu hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, bãi giữ xe, quầy sạp diện tích nhỏ.

Về giải pháp quản lý chợ, Sở Công thương TP.HCM đã kết nối các thông tin về nguồn hàng, phối hợp các cơ quan đơn vị, địa phương các cấp để xây dựng phong trào kinh doanh văn minh, khai thác công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống. Hiện nay có nhiều mô hình kinh doanh chợ truyền thống online, như ứng dụng Utop…

Bên cạnh đó, còn nhiều chồng chéo trong quản lý. Theo Luật Đất đai hiện hành, chợ là đất thương mại nên phải thu tiền sử dụng đất. Trong khi TP.HCM trong nhiều năm coi đây là thiết chế công cộng, chỉ thu phí để duy trì hoạt động, phòng cháy chữa cháy... Thời gian tới, sở sẽ phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu triển khai cho phù hợp.

Về đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố có 549 cửa hàng, 61 thương nhân phân phối, 15 thương nhân đầu mối. Mỗi ngày, TP.HCM tiêu thụ khoảng 6,5-7 triệu lít xăng dầu.

Trước diễn biến tình hình xăng dầu thời gian qua, ông Vũ lý giải, nguyên nhân là nguồn cung phụ thuộc thế giới rất nhiều, phí logistic cũng tăng lên, biến động lớn mà biên độ thời gian để ghi nhận giá lại quá dài. Từ đó, nguồn cung trong giai đoạn qua rất khó, một số cửa hàng, cao điểm là 137 cửa hàng bán lẻ không nhận được hàng, phải tạm ngưng một vài ngày.

Để giải quyết việc này, TP.HCM đã đẩy mạnh hoạt động của các doanh nghiệp lớn nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp nhỏ; tạo điều kiện cho việc vận chuyển xăng dầu đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ với trung ương. Giám đốc Sở Công Thương cam kết bảo đảm lượng dự trữ xăng dầu cho trước và sau Tết.

Về vấn đề an toàn thực phẩm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, rau không sạch vào siêu thị như báo chí phản ánh là do khâu cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng. Cơ quan quản lý cũng chưa giám sát kịp thời. Chính các kênh phân phối đã vào cuộc để chọn kỹ hơn đối tác của mình, giám sát quá trình sản xuất. Ban An toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra. Sở Công Thương đã thường xuyên làm việc với hệ thống phân phối để nhắc nhở các đơn vị.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Giá cả hàng Tết tăng 2-4% - Ảnh 3.

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn về lộ trình, tiến độ cụ thể để cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng giảm các ngành thâm dụng lao động, tăng công nghệ cao. Doanh nghiệp đang trông chờ lộ trình của TP.HCM để cơ cấu lại hoạt động. Người lao động cũng cần được biết để chuẩn bị cho mình, tránh cú sốc thất nghiệp thời gian tới.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện lĩnh vực công nghiệp TP.HCM chiếm khoảng 23% trong GRDP. Phát triển công nghiệp cũng là điểm sáng trong phục hồi kinh tế thành phố thời gian qua. Hiện các cơ quan đã xây dựng đề án giảm thâm dụng lao động. Trong đó, TP.HCM đang thực hiện 3 chiến lược về 3 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện 17 khu đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%, hơn 330.000 người làm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Các khu, cụm công nghiệp có khoảng 8.000ha đất sản xuất công nghiệp, giá trị hàng năm tạo ra khoảng 265.000 tỷ đồng. Với quỹ đất rất hạn hẹp, việc chuyển đổi công nghệ, nâng cao suất đầu tư, phát triển theo hướng công nghệ cao là rất cần thiết.

Vì vậy, Sở Công Thương TP.HCM đang tham mưu, xây dựng định hướng phát triển công nghiệp, trong đó có xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành về lương thực thực phẩm, chuyên về cơ khí chế tạo hay khu công nghiệp y tế kỹ thuật cao… TP.HCM phải thực hiện nhiệm vụ là trung tâm kết nối sản xuất công nghiệp trong vùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem