Sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với 14 tỉnh, TP từ Quảng Nam - TP.HCM để ứng phó với bão số 9.
Bão số 9 nguy hiểm, mưa lớn như thế nào?
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, hồi 14 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
2 giờ chiều nay (22/11), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 9 năm 2018. Bão đang mạnh thêm, khả năng đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Ảnh: nchmf
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
TS. Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chỉ ra điểm nguy hiểm của bão là mưa lớn kéo dài trên diện rộng, dự báo lượng mưa từ 100-500mm, từ ngày 24 đến 26/11, trọng tâm là các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên, cá biệt mưa cục bộ một số nơi có thể lên đến 600mm…
Chính vì lượng mưa dự báo rất lớn nên ông Cường cũng đưa ra cảnh báo lũ với khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Vùng núi dọc các tỉnh Quảng Nam – Bình Thuận có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt sâu ở vùng đô thị từ 0,5-1m.
"Cẩn thận bao nhiêu cũng thiếu"
Tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, bão số 9 cộng hưởng thêm yếu tố gió mùa đông bắc khiến gia tăng diễn biến bất thường của bão đe dọa khu vực Nam Trung Bộ - nơi vừa chịu tổn thất nặng nề của bão số 8 vừa qua làm 19 người chết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới - bão số 9
Đây cũng là khu vực tập trung đông dân cư, hoạt động kinh tế và du lịch phát triển dọc dải ven biển; nhiều hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Rút kinh nghiệm từ bão số 12 năm 2017, tên quốc tế là bão Đam-rây và những thiệt hại của bão số 8 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các địa phương quyết liệt trong chỉ đạo ứng phó, các phương án phải được triển khai toàn diện trên cả 3 tuyến: trên biển, ven biển và đất liền.
"Không ai bằng chính địa phương, bài học kinh nghiệm là “cẩn thận bao nhiêu cũng thiếu, chủ quan một tí đã thừa là chết”. Chỉ đạo ở trên Trung ương là những biện pháp căn bản và trọng tâm, còn quan trọng nhất là chính quyền cơ sở phải đưa ra những biện pháp cụ thể căn cứ vào tình hình ở địa phương để chủ động triển khai ứng phó" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát toàn bộ các biện pháp theo “phương châm 4 tại chỗ”, quán triệt, tổ chức chỉ đạo lực lượng hết sức lưu ý trong bối cảnh diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nhất là khu vực này vừa qua chịu nhiều tổn thương do thiên tai gây ra.
Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cũng đặc biệt lưu ý, hiện có 25.310m bờ biển đang có diễn biến sạt lở nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Xóm Rớ (Phú Yên), Vĩnh Nguyên (Khánh Hoà), Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Liên Hương, (Bình Thuận) Hội An (Quảng Nam),…
Ông Hoài đề nghị các tỉnh ảnh hưởng của bão phải thông tin đến khách quốc tế và người dân không hiếu kỳ ra xem bão đổ bộ.
Không chủ quan ứng phó bão số 9
Cũng tại hội nghị trực tuyến do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức hôm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các địa phương không chủ quan trong ứng phó bão; thực hiện nghiêm Công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; chủ động sơ tán dân những khu vực có nguy cơ cao; nêu cao tinh thần chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo an toàn tính mạng người dân và các thiết chế hạ tầng kinh tế.
Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn theo dõi sát diễn biến bão để chỉ đạo và chủ động cử các đoàn công tác xuống các địa phương để phối hợp ứng phó. Sẵn sàng lực lượng tìm kiếm cứu nạn trước, trong và sau bão…
Khánh Hòa: Người dân không rời vùng bão sẽ bị cưỡng chế
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh dự kiến sẽ sơ tán khoảng 28 vạn dân ở các khu vực nguy hiểm.
Theo ông Vinh, Khánh Hòa có khoảng 1.000 điểm xung yếu. Do đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung sức lực, cử lực lượng đến từng địa điểm kiểm tra, đặc biệt vùng ven biển, thấp trũng có gió mạnh, tránh tư tưởng chủ quan. Yêu cầu địa phương nghiêm cấm các đơn vị lữ hành trên địa bàn đưa khách tham quan các đảo; đồng thời có phương án, thông tin hỗ trợ khách du lịch còn lưu trú để họ được đảm bảo an toàn trong những hôm bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu người dân không được ở lại nhà tạm, có nguy cơ tốc mái, sập đổ. Những trường hợp không rời vùng bão sẽ bị cưỡng chế.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.