Giảm nghèo bền vững ở Kon Tum: Tăng chỉ dẫn và cho vay vốn

Văn Hà Thứ ba, ngày 17/09/2019 05:30 AM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng, phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất… trong 3 năm qua, tỉnh Kon Tum đã có hơn 15.000 hộ thoát nghèo. Đặc biệt, có 3 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 7 xã thuộc Chương trình 135 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Bình luận 0

Giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo

Trong giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Kon Tum đã đầu tư cho đề án giảm nghèo hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 700 tỷ đồng; các chính sách, dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo khoảng 4.200 tỷ đồng. Thực hiện chương trình này, Kon Tum đã chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả tại các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 300 công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, hàng trăm công trình được duy tu bảo dưỡng, gần 20.500 lượt hộ dân được hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, được đào tạo nghề và tham gia xuất khẩu lao động.

img

 Nhiều hộ nghèo ở huyện Sa Thầy được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi.  Ảnh: V.H

Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Kon Tum, đến cuối năm 2018

- Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 22.851 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,58%/năm, số hộ thoát nghèo là 15.596 hộ.
- Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 8.700 hộ, chiếm tỷ lệ 6,58% so với hộ dân toàn tỉnh, số hộ thoát cận nghèo là 8.130 hộ.

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ lâu dài, không chạy theo thành tích, huyện Đăk Hà đã cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, các xã 135 (xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nhanh các nguồn vốn nhằm phát triển kinh tế, tiến tới giảm nghèo một cách bền vững. Trong giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô 500ha. Cùng với đó là quy hoạch vùng trồng rau, hoa, vùng sản xuất cao su, lúa nước chất lượng cao với quy mô trên 1.000ha và cụm công nghệ với quy mô 37ha. Bước đầu thực hiện quy hoạch đã có sự chuyển biến rõ nét, đời sống của các hộ nghèo ngày càng được cải thiện.

Theo ông Đoàn Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân giảm 2,74%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,75%/năm. Toàn huyện còn 2.931 hộ nghèo, chiếm 17,33% tổng số hộ và còn 1.042 hộ cận nghèo, chiếm 6,43% tổng số hộ. “Sự hỗ trợ của tỉnh, nguồn vốn của địa phương và ý thức vươn lên của chính người nghèo đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của huyện” - ông Thắng nói.

Tại huyện Sa Thầy, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm gần 20% so với năm 2015, tức có hơn 1.800 hộ dân của huyện đã thoát nghèo. Theo bà Y Sâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, trong thời gian qua, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và sự năng động, sáng tạo trong công tác quản lý, lồng ghép hiệu quả các mô hình kinh tế, địa phương giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, giúp hộ nghèo ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững.

Hỗ trợ vay vốn, đầu tư hạ tầng

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Kon Tum cho biết, sở đã chỉ đạo quyết liệt trong ngành, từ cấp tỉnh cho đến cơ sở tập trung vào một số nội dung cơ bản về công tác giảm nghèo. Đó là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và gia đình chính sách. Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Kon Tum có hơn 37.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với trên 1.920  tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà ở, giải quyết việc làm. Hơn 1.600 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí để làm nhà ở.

Cũng theo Sở LĐTBXH Kon Tum, từ nguồn hỗ trợ vay vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng, toàn tỉnh đã có mạng lưới trường học các cấp và trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống giao thông đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện đạt gần 98% trên địa bàn. 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% hộ dân thuộc huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin chính sách, pháp luật, được truyền đạt kinh nghiệm sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8,42%, tỉnh sẽ sắp xếp lại quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao hiệu quả liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác tiềm năng đất đai, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem