Như PLO đã đưa tin, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La mới đây đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án liên quan đến gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.
Kết luận điều tra lần này tập trung vào một số tình tiết quan trọng mà trước đó TAND và VKSND tỉnh Sơn La trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Điển hình là việc đưa-nhận hàng tỉ đồng để sửa điểm theo như lời các bị cáo tại tòa.
Lò Văn Huynh bất ngờ thay đổi lời khai về số tiền 1 tỉ đồng nhận từ ông Nguyễn Minh Khoa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Đáng chú ý, một cái tên đặc biệt tiếp tục được nhắc tới, đó là ông Nguyễn Minh Khoa, nguyên phó trưởng phòng PA03 Công an tỉnh Sơn La. Hồ sơ vụ án cho thấy ông Khoa là một trong 18 đối tượng trung gian, đóng vai trò “cầu nối” tiếp nhận thông tin thí sinh cần nâng điểm để chuyển tới các bị can.
Suốt quá trình điều tra cũng như phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 10, Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) đều khai đã nhận của ông Khoa 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai thí sinh. Số tiền này, Huynh và người nhà đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan ANĐT.
Tuy nhiên đến nay, bị cáo Huynh lại bất ngờ thay đổi lời khai, phủ nhận việc cầm 1 tỉ đồng của Khoa, Số tiền này là do bán đất và tiền tiết kiệm của gia đình mà có. Bị can cũng khẳng định không thỏa thuận, hứa hẹn gì với nguyên trưởng phòng PA03 về giá tiền khi nâng điểm cho các thí sinh.
Sự thay đổi lời khai của Huynh dường như "ăn rơ" với chiều hướng mà Khoa khai với CQĐT. Cụ thể, ông Khoa luôn khẳng định chỉ chuyển thông tin cho Huynh để nhờ “xem giúp điểm”, không nhận tiền, lợi ích vật chất từ các gia đình thí sinh; cũng không chuyển tiền hoặc lợi ích vật chất cho những người ông nhờ “xem điểm”, trong đó có Huynh.
Theo CQĐT, do Lò Văn Huynh thay đổi lời khai, cùng với việc ông Khoa phủ nhận đưa tiền nên chưa đủ căn cứ để quy kết hành vi đưa và nhận hối lộ số tiền 1 tỉ đồng mà bị can đã khai trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm.
Như vậy, với diễn biến mới của vụ án như trên, ông Nguyễn Minh Khoa có khả năng sẽ vô can trong việc đưa-nhận tiền để nâng điểm cho thí sinh, mặc dù các lời khai trước đó của Lò Văn Huynh luôn “gọi tên” ông.
Còn nhớ tại phiên tòa hồi tháng 10, ông Khoa được nhắc đến với đầy sự “bí ẩn”. Tòa triệu tập vị này với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng người này lại vắng mặt. Sau đó, HĐXX quyết định ra lệnh dẫn giải ông cùng năm người khác. Tuy nhiên, ngày hôm sau, chủ tọa cho hay ông đã đi khỏi nơi cư trú.
Cũng theo cáo trạng, ông Khoa dường như là một trong những người trung gian rất “quyền lực”. Bởi trong số năm thí sinh mà ông nhờ các bị cáo “xem điểm” thì có tới ba người được “gửi gắm” chỉ thông qua một cú điện thoại. Các thí sinh đều được nâng điểm để đậu vào các trường đại học tốp đầu.
Cụ thể, ngày 27-6, Huynh nhận thông tin của ông Khoa hai thí sinh NAT nâng điểm các môn toán, vật lý, tiếng Anh và TDH nâng điểm các môn toán, vật lý, tiếng Anh.
Ngày 27-6, bị can Đinh Hải Sơn nhận được điện thoại của ông Khoa gọi đến nhà trao đổi, đưa thông tin của thí sinh LTT. Cùng ngày, bị can Nguyễn Khắc Hưng cũng nhận được điện thoại của cấp trên, gọi đến nhà và đưa thông tin của thí sinh VHĐ nhờ nâng điểm môn toán đạt 9,0 điểm.
Tiếp đó, tối 30-6, trong lúc các bị cáo đang sửa bài thi tại nhà bị can Đặng Hữu Thủy, Lò Văn Huynh nhận được điện thoại của ông Khoa nhờ nâng điểm cho thí sinh VVT nâng các môn toán, vật lý, hóa học.
TUYẾN PHAN (PLO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.