dd/mm/yyyy

Gian nan gieo chữ trong mùa dịch Covid-19 nơi vùng cao Sơn La

Cũng giống như nhiều xã vùng cao khác trong tỉnh, ở xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, Sơn La) không có điều kiện triển khai giải pháp học trực tuyến, online. Việc củng cố kiến thức, học tập và trao đổi thông tin giữa nhà trường và phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng với cả nước, từ sau Tết đến nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tạm dừng các hoạt động, học tập để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Gian nan gieo chữ trong mùa dịch Covid-19 nơi vùng cao Sơn La  - Ảnh 1.

Cô giáo Đinh Thị Hồng – giáo viên Tiểu học tại điểm trường bản Pơn, xã Tà Hộc đến tận nhà phát phiếu học tập cho học sinh.

  Quyết định cho học sinh và sinh viên nghỉ học là quyết định đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.  Tuy nhiên điều này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch, nề nếp dạy và học của nhà trường và học sinh, đặc biệt là học sinh ở cấp tiểu học ở những xã vùng cao như Tà Hộc.

Gian nan gieo chữ trong mùa dịch Covid-19 nơi vùng cao Sơn La  - Ảnh 2.

Thầy giáo Điêu Chính Quỳnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tà Hộc nói: "Trong thời gian nghỉ chống dịch Covid-19, cũng giống như nhiều xã vùng cao khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La, Tà Hộc không triển khai giải pháp dạy, học trực tuyến, online được, do địa bàn xã không có sóng hoặc sóng rất chập chờn. Mặt khác, các hộ gia đình đại đa số không có điều kiện sắm phương tiện công nghệ cho con học qua internet".

Nói về khó khăn của thầy và trò, thầy giáo Điêu Chính Quỳnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tà Hộc cho biết: "Tà Hộc là một xã miền núi nghèo của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã lên đến hơn 70%, sinh sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ dân không có tivi, thậm chí nhiều bản chưa có sóng điện thoại, giao thông đi lại khó khăn, như: Bản Bơ, bản Pù Tền, bản Heo, bản Pá Hốc… Với tổng số 898 học sinh, trong đó học sinh là con em dân tộc thiểu số chiếm gần 100%  (cả trường chỉ có 2 học sinh dân tộc Kinh).

Gian nan gieo chữ trong mùa dịch Covid-19 nơi vùng cao Sơn La  - Ảnh 3.

Một bản của xã Tà Hộc đã có điện nhưng đường truyền sóng truyền hình và internet rất kém.

 Cô giáo Đinh Thị Hồng – giáo viên Tiểu học tại điểm trường bản Pơn, cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của ngành, nhiệm vụ được phân công  về thực hiện phương án bổ sung, duy trì kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ chống dịch Covid-19. Tại địa bàn xã Tà Hộc không áp dụng được biện pháp học trực tuyến, online, nên giáo viên chúng tôi đã tiến hành củng cố, bổ sung và duy trì kiến thức cho học sinh bằng cách làm phiếu học tập đưa đến tận nhà học sinh. Sau mấy ngày lại đến thu phiếu cũ về chấm, đồng thời phát phiếu mới… Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa thì gian nan lắm. Nhà các học sinh thì rải rác, cách xa nhau, đường đi lại khó khăn, trơn trượt…".

Gian nan gieo chữ trong mùa dịch Covid-19 nơi vùng cao Sơn La  - Ảnh 4.

Giáo viên của Trường TH &THCS Tà Hộc ngồi xuồng qua sông Đà để tới bản Heo gieo chữ.

Do vậy, ngay sau khi cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, theo sự chỉ đạo của ngành và địa phương, để đảm bảo chương trình theo quy định, trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tà Hộc đã thực hiện đến tận từng bản, từng nhà có học sinh phát phiếu học tập đối với các em học sinh bậc tiểu học và kết hợp với học trên sóng truyền hình đối với các em bậc THCS. Đồng thời, nhắc nhở học sinh nêu cao ý thức tự giác, tự củng cố lại kiến thức và kỹ năng về phòng, chống dịch bệnh để khi quay trở lại trường, các em tự bảo vệ tốt sức khỏe cho mình.

 Bên cạnh các khó khăn của các bản vùng sâu, vùng cao là nhiều hộ gia đình không có ti vi, thiếu các điều kiện khác về cơ sở hạ tầng thông tin, thì điều làm thầy giáo Quỳnh trăn trở nhất đó là mức độ quan tâm, nhắc nhở, theo dõi việc học tập của học sinh chưa được nhiều phụ huynh chú trọng, đây đang là một trong những khó khăn của nhà trường trong việc triển khai giải pháp này.

Gian nan gieo chữ trong mùa dịch Covid-19 nơi vùng cao Sơn La  - Ảnh 5.

"Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ học sinh học qua Internet tại địa bàn tỉnh Sơn La đạt 50% tổng số học sinh các bậc học trong toàn tỉnh" -Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Duy Hoàng cho biết.

Chiều ngày 21/4, trao đổi với phóng viên Dân Việt/Trang trại Việt, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cho biết: "Dạy học trực tuyến, online hay trên truyền hình là hình thức không mới ở nước ta. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi như  Sơn La, đặc biệt đối với các xã vùng cao, khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng thì là một thử thách và khó khăn rất lớn. Các thầy, cô giáo ở một số trường ở địa bàn trung tâm thành phố, trung tâm các huyện đã được làm quen với phương pháp này nhưng đại đa số chưa có nhiều kinh nghiệm, phải vừa làm vừa dò, chứ chưa làm tốt được ngay".

Tại Sơn La có trên 355.000 học sinh của 601 đơn vị trường học từ bậc mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên cùng các sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đang nghỉ học phòng dịch Covid 19. Theo kế hoạch, sau ngày 3/5, học sinh, sinh viên của tỉnh Sơn La sẽ đi học trở lại sau những ngày nghỉ phòng, chống dịch Coivd-19. 

Tống Huyền