Giao dịch đáng ngờ vào tầm ngắm của cơ quan thuế, ngân hàng

Theo Lao động Chủ nhật, ngày 21/05/2023 17:18 PM (GMT+7)
Những giao dịch đáng ngờ trong các lĩnh vực, nội dung có rủi ro cao đang vào "tầm ngắm" kiểm tra của cơ quan thuế. Cơ quan chức năng sẽ có sự phối hợp liên ngành để chia sẻ dữ liệu, nhận diện các hành vi vi phạm.
Bình luận 0

Ngày 21/5, trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 của cơ quan thuế là phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ để tổng hợp.

Ngành thuế đang triển khai tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực, nội dung có rủi ro cao như thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng số; hoàn thuế; chuyển giá; chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng vốn; mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế...

Trong đó, cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan công an để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh; phối hợp với các ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng các giao dịch đáng ngờ...

Giao dịch đáng ngờ vào tầm ngắm của cơ quan thuế, ngân hàng - Ảnh 1.

Các giao dịch đáng ngờ ở những lĩnh vực rủi ro cao sẽ được cơ quan chức năng tập trung thanh, kiểm tra. Ảnh: Quang Minh.

Giao dịch đáng ngờ được hiểu là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền.

Hiện nay, theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền 2022, các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản bao gồm: Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán; Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.

Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo; Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo;

Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thu nhập của tổ chức, cá nhân này; Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn đề nghị các tổ chức tín dụng cung cấp, phối hợp với cơ quan thuế một số thông tin khách hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng căn cứ các quy định tại Luật Quản lý thuế 2019; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định 117/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các Thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) về cung cấp thông tin để thực hiện cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan quản lý thuế theo đúng quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem