Đây là những tư vấn của chuyên gia tại Hội thảo về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS, SKTD) ngày 20.9.
Cần nhưng thiếu
Chị Cù Thị Bé (xã Yên Hồng, Ý Yên, Nam Định) chia sẻ, năm nay chị 44 tuổi, con gái đầu 21 tuổi, con gái thứ 2 đã 17 tuổi. Khi chị còn thanh niên, tình dục vẫn là điều cấm kỵ không được nói đến.
Khi chị lấy chồng, bố mẹ chị không hề hướng dẫn bất cứ điều gì về tình dục, nên chị “nghĩ như nào làm thế ấy” hoặc “phó mặc cho chồng dẫn dắt” mà thôi. Nhiều lúc cũng có những mệt mỏi, ấm ức, cũng chẳng biết nói thế nào với chồng. Khi hai cô con gái lớn, chị không muốn con “mù kiến thức” như mình, nhưng cũng chẳng có kiến thức để nói với con.
|
Giáo dục giới tính cho các em càng sớm càng tốt. |
Còn ông Tăng Bá Huyên (62 tuổi, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: “Tuổi chúng tôi, vợ chồng “quan hệ” với nhau thuần túy tự nhiên, bản năng, chẳng hiểu biết gì. Có lúc người chồng thích, vợ mệt mỏi từ chối thì chẳng biết thông cảm, thuyết phục, lại dùng chân tay để ép buộc nên vợ buồn, gia đình sóng gió. Phụ nữ có khổ cũng cắn răng chịu”.
Thực tế ở nông thôn, thanh niên chỉ học nhau qua những câu chuyện “tếu” hàng ngày. Nhưng càng ngày, thanh niên càng yêu sớm, quan hệ tình dục (QHTD) sớm. Trong xã đã có nhiều trường hợp con em lỡ dại phải nạo phá thai, thai to quá lại phải tảo hôn khi mới 15-16 tuổi. Những cặp vợ chồng trẻ con suốt ngày chảnh chọe, mắng chửi, thậm chí đánh nhau khiến cha mẹ không yên, con cái nheo nhóc. Những thanh niên đi làm, đi học xa nhà, cuộc sống càng có nhiều cám dỗ, lỡ dại, nhiều người còn mang bệnh về “đổ” cho vợ con.
“Xã tôi cha mẹ đi làm xa, chỉ có ông bà và các cháu ở nhà nên ông bà cũng cần biết về SKSS để giáo dục các cháu” – ông Huyên cho biết.
Cấm vẫn làm
Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần 2 năm 2010 cho thấy, độ tuổi QHTD lần đầu trung bình là 18,1 tuổi, nữ là 18 tuổi và nam là 18,2 tuổi. Thanh niên nông thôn có tuổi QHTD lần đầu sớm hơn thanh niên thành phố (18 và 18,4 tuổi). Thanh niên người dân tộc thiểu số cũng có tuổi QHTD lần đầu sớm hơn thanh niên người Kinh/Hoa (17,9 và 18,1 tuổi). 46% vị thành niên, thanh niên không dùng bao cao su trong QHTD lần đầu.
Trong khi đó, các em rất ít được tiếp cận nguồn tin chính thống và bài bản về SKTD. Chỉ có 19% thầy cô giúp các em, 14% là nhân viên y tế hay dân số, mẹ 15%, cha 3%. Đáng lưu ý là các thầy cô giáo, nhân viên y tế, cha mẹ cũng không có đầy đủ kiến thức để trao đổi, hướng dẫn những vấn đề tế nhị này cho con em mình. Nhiều khi cha mẹ còn áp đặt những định kiến sai lầm mà họ đã “bị” ông bà đe nẹt lên chính các con mình.
Hội thảo do CCFED tổ chức. CCFED cũng là đơn vị thực hiện Dự án nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực của vị thành niên, thanh niên, cha mẹ và cộng đồng về giới, SKSS, SKTD tại một số xã ở Bắc Giang, Nam Định, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh. Trong 8 năm, CCFED đã mở được 70 câu lạc bộ SKSS tại thôn và 153 trường THCS, THPT đã đưa nội dung SKSS vào chương trình giáo dục.
Theo bà Phạm Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CCFED), thực tế có em học lớp 8 vẫn nghĩ nếu bạn trai chạm vào người là “chết” hoặc “bẩn thỉu”. Chính vì sự đe dọa “quan hệ tình dục là mất nết, là hư hỏng”, nên nhiều em lỡ có thai, không dám nói với ai mà tự phá thai bằng nhiều cách nguy hiểm…
Vì thế, bà Ngọc cho rằng: “Nếu Nhà nước không có kế hoạch dài hơi để phổ cập kiến thức, kỹ năng về SKTD cho cả các bậc cha mẹ và thanh niên thì vẫn sẽ có nhiều người bị tổn thương, trả giá chỉ vì “yêu”.
Còn theo ông Bjarne B. Christensen - Tổng Thư ký Hội Kế hoạch hóa gia đình Đan Mạch (DFPA): “Chỉ đường cho hươu thì đừng phán xét mà hãy nâng cao kỹ năng để các em tự ra quyết định cho hành vi của mình. Hãy nhìn nhận các em như một cá nhân trưởng thành, đủ năng lực để quyết định hành động của mình chứ không phải như những người “yếu thế” cần dạy bảo, đe nẹt”.
Tuấn Kiệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.