Giáo hội Phật giáo Việt Nam cực lực phản đối trường hợp giả sư

Thứ sáu, ngày 10/08/2012 17:14 PM (GMT+7)
Cư sỹ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ quan điểm chính thống của Giáo hội về vấn đề giả sư gây ảnh hưởng tới hình ảnh người tu hành.
Bình luận 0

Vừa qua khi đoạn clip nhà sư gây rối tại sân bay được tung lên mạng, dư luận xã hội đã xôn xao với nhiều luồng ý kiến khẳng định có, hồ nghi có. Nhưng đáng lo ngại hơn cả là những điều này vô hình chung đã tạo ra lối suy nghĩ không hay về những người xuất gia tu hành.

img
Cư sỹ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ

Thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Cư sỹ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bày tỏ quan điểm chính thống của Giáo hội về vấn đề này.

Ông Vũ cho biết, ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã biết rõ về việc này. "Chúng tôi đã kiểm tra và được biết theo Biên bản của Công an Phường 2 Quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) lập và tờ khai của đương sự thì người này là Phạm Văn Cường, sinh năm 1991, hiện đang sinh sống tại thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Do không có giấy tờ hợp lệ nên Phạm Văn Cường không được làm thủ tục lên chuyến bay và đã có những hành vi gây rối. Công an phường 2 Quận Tân Bình đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự đối với người này.

Chúng tôi cũng đã làm việc ngay với Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng và đã nhận được khẳng định của Hòa thượng là trong hồ sơ quản lý Tăng sự của Thành Hội Phật giáo Thành phố Hải Phòng không có ai là Phạm Văn Cường như trường hợp nêu trên.

Như vậy có thể khẳng định rằng đây là người giả mạo tu sỹ Phật giáo. Hành động của Phạm Văn Cường đã thực hiện không những vi phạm pháp luật, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và của người xuất gia nói riêng.

Theo lời Phật dạy, người xuất gia (tỳ kheo) phải siêng năng đoạn trừ các việc ác, tu hành các việc thiện. Người xuất gia luôn phải làm gương, phải phát huy các công đức lành, đem lại tín tâm và lợi lạc cho số đông. Luật Tứ Phần của nhà Phật quy định rất rõ trong “trăm pháp chúng học” rằng một vị tỳ kheo phải “đầy đủ oai uy tế hạnh, luôn hành xử đúng pháp”.

Do vậy, nếu một vị tỳ kheo khi đã có những hành động phản cảm, bôi xấu hình ảnh của Phật giáo thì hoàn toàn không còn đủ tư cách một người xuất gia chân chính, và đã phạm vào giới luật và thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về Ban Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Còn với những trường hợp một hay một nhóm cá nhân có thể giả dạng người tu hành xuất gia làm những điều phi pháp, bôi xấu hình ảnh chư Tăng Ni như nói trên thì tới đây hội Phật giáo Việt Nam sẽ có những giải pháp cụ thể. Hiện nay, Ban thường trực Hội đồng trị sự cũng đang rất tích cực trong việc tu chỉnh Hiến chương của hội Phật giáo Việt Nam để trình trước Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII dự kiến vào cuối tháng 11 năm nay".

Theo Pháp luật Việt Nam
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem