Giáo sư Phan Huy Lê: Di sản văn hóa Hà Nội là vô giá

Đức Hiếu Thứ tư, ngày 08/10/2014 10:58 AM (GMT+7)
Giáo sư Phan Huy Lê - Công dân Thủ đô ưu tú đã đóng góp nhiều tâm sức để những di sản của Hà Nội như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành tài sản văn hóa của nhân loại. 
Bình luận 0

Di sản văn hóa Hà Nội là vô giá

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, trao đổi với NTNN, Giáo sư Phan Huy Lê cho biết: “Rất hiếm có thủ đô nào trên thế giới có lịch sử hào hùng, lâu đời như thế. Điều đó đã giúp Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung có một di sản văn hóa.

Thủ đô của bất kỳ nước nào cũng đều phát triển theo quy luật quy tụ di sản của cả nước. Nhưng vì thời gian, Thủ đô Hà Nội đã phát triển quá lâu dài nên độ tích tụ rất sâu sắc. Đây là di sản, theo tôi là vô giá và là ưu điểm tuyệt đối của Hà Nội”.

Chia sẻ như vậy, song Giáo sư Lê cũng băn khoăn: “Vấn đề hiện nay là làm thế nào để Hà Nội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được di sản đó, để những giá trị này thấm sâu vào cuộc sống và để Hà Nội mãi mãi mang sắc thái, phong cách riêng”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Vậy theo Giáo sư, đâu là nguy cơ có thể khiến di sản văn hóa Hà Nội bị phai mờ?”, ông trả lời: “Chúng ta đều biết, với diện tích mở rộng như hiện nay, Hà Nội có một không gian rất rộng. Trước đây, với diện tích nhỏ hơn, quá trình giao lưu, sự lắng đọng các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.

Với không gian mở rộng hiện nay, tỷ lệ diện tích và dân số phát triển nếu tự phát sẽ dẫn tới việc trung tâm bảo tồn của vùng cốt lõi sẽ mai một dần, mờ nhạt dần và không bảo tồn được di sản”.

Giữ hồn cốt là giữ di sản

Giáo sư Lê thừa nhận: “Với không gian mở rộng như hiện nay, không thể từ trung tâm lắng đọng của Thăng Long- Hà Nội mở rộng thành toàn bộ trung tâm Hà Nội. Theo tôi, nên thừa nhận Hà Nội hiện nay là vùng không gian văn hóa đa dạng. Trên thực tế, quy hoạch của Hà Nội là không gian rộng lớn, đô thị trung tâm mở rộng”.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Với không gian lớn ấy, phải làm thế nào để giữ được di sản văn hóa Hà Nội”. Không chút băn khoăn, Giáo sư Lê trả lời: “Đô thị trung tâm mở rộng bây giờ có 2 đô thị tôi đặc biệt quan tâm: Nội đô lịch sử và nội đô mở rộng. Vùng nội đô lịch sử chính là trung tâm văn hóa. Trung tâm của vùng nào tích tụ di sản văn hóa của vùng đó. Cần tiến tới Hà Nội nhiều vùng, nhiều trung tâm văn hóa nhưng có một “trung tâm cốt lõi”, tiêu biểu. Các trung tâm khác cần có một điểm chung để thể hiện hồn cốt văn hóa Hà Nội”.

Theo Giáo sư Lê: “Hà Nội là thủ đô, mà đã là thủ đô thì trước hết là nói về trung tâm chính trị, là trung tâm đầu não của Nhà nước, kèm theo đó là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, giao lưu quốc tế…

Nhưng theo tôi, sau trung tâm chính trị, yêu cầu mấu chốt đặt ra là Hà Nội phải chứng tỏ được vị thế của trung tâm văn hóa mang tính chất tiêu biểu, đại diện cho cả nước, cả dân tộc. Ta phải phát huy về mọi mặt thế mạnh vốn có của Thăng Long- Hà Nội để trung tâm cốt lõi của Hà Nội luôn luôn thể hiện được giá trị lịch sử, văn hóa”.

   Theo Giáo sư Phan Huy Lê: “Chúng ta phải chấp nhận Hà Nội có không gian hoàn toàn mới. Nhưng trong đó, cần bảo vệ “trung tâm cốt lõi” thật tốt để tỏa chiếu ra xung quanh. Nếu ta làm mất phong cách chung của Hà Nội thì sẽ làm mất một di sản vô giá. Bởi vậy, phải giữ “trung tâm cốt lõi” bằng được, với bất cứ giá nào”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem