Giao thông thông minh, còn lắm nhiêu khê

Chủ nhật, ngày 01/11/2020 13:50 PM (GMT+7)
Câu hỏi "bao giờ hết kẹt xe?" đã được người dân tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM đặt ra vài chục năm nay.
Bình luận 0

Dù đã có những giải pháp, từ hành chính (số chẵn - số lẻ, lưu thông theo giờ...) cho đến công nghệ như giao thông thông minh (GTTM)..., nhưng câu hỏi "bao giờ hết kẹt xe" chưa thể đặt ra vào lúc này. Đây thực sự là một vấn nạn.

Ít nhất 3 năm nay, nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... nói về đô thị thông minh. Trong đó, một trong những tiêu chí nhận diện chính là giải pháp giao thông thông minh (GTTM) để tiết giảm mức cao nhất chuyện kẹt xe. Nói theo đề án, nghe chừng quá hay nhưng để thành hiện thực cuộc sống, còn quá nhiều trắc trở.

Giao thông thông minh, còn lắm nhiêu khê - Ảnh 1.

Trung tâm điều khiển giao thông thông minh của FPT IS tại TP.HCM. Ảnh: Vân Anh

Theo đánh giá của Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), chỉ tính riêng ùn tắc đã gây thiệt hại cho Hà Nội từ 1 - 1,2 tỷ USD/năm. Còn theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty hệ thống thông tin FPT (FPT IS), "mỗi năm, từ việc ùn tắc giao thông, TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động có giá trị 1,3 tỷ USD/năm và chừng 2,3 tỷ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới thải ra... khi kẹt xe".

Đang "thí điểm"!

Nhưng cho đến nay, chỉ có TP.HCM mới nói về mô hình GTTM. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm 2017, đã có đề án về GTTM. Với đề án này, TP.HCM đã xây dựng trung tâm điều hành GTTM theo thời gian thực tại 4 quận, lắp đặt 118 cột đèn tại 118 giao lộ, triển khai hệ thống giám sát và cung cấp hình ảnh thông tin để xử phạt vi phạm vào đường cấm giờ cấm, đang hoàn thiện mô hình thanh toán điện tử trên hệ thống xe buýt tại 26 tuyến...

Chia sẻ với Thế giới Tiếp thị, ông Sơn cho biết thêm, hiện FPT IS đã xây dựng hệ thống quản lý xe bus địa bàn TP.HCM với khoảng 5.000 xe. "Với hệ thống này, mỗi xe buýt trở thành một cảm biến xã hội. Khi di chuyển trên dường, dữ liệu từ mỗi chiếc xe bus sẽ được tập hợp về cổng GTTM, giúp cơ quan quản lý: cảnh sát giao thông, trật tự đô thị... điều tiết giao thông tại các điểm nghẽn. Từ đó, dữ liệu sẽ chia sẻ rộng rãi qua các công cụ như bảng tin giao thông, màn hình LED... để người dân khi lưu thông trên đường có thông tin về tình hình giao thông theo thời gian thực", ông Sơn giải thích.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc công nghệ của FPT IS cho biết chi tiết: năm 2015, FPT IS xây dựng hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng cho TP.HCM; năm 2018 xây dựng hệ thống điều khiển GTTM để giải quyết vấn đề tắc đường tại TP.HCM. FPT IS đã thiết kế ứng dụng thông tin thực tế tình trạng giao thông tại các con đường, giao lộ chính mà công ty đang giám sát. "Ứng dụng này là 1 trong 5 ứng dụng nên cài đặt với bất cứ người dân nào đang sinh sống tại TP.HCM. Cứ 7 giây/lần, hệ thống sẽ cập nhật dữ liệu về tình trạng tại các nút giao thông", ông Việt nói. Cũng theo ông Việt, FPT IS và các đối tác đang đặt mục tiêu sẽ mở rộng hệ thống quản lý GTTM tại TP.HCM tại hơn 1.000 giao lộ.

Còn những rào cản

"GTTM là lời giải quan trọng trong chiến lược tổng thể của thành phố thông minh. Nhưng để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, không chỉ có hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, mà còn phải phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, thân thiện với môi trường, đặc biệt là giảm khí thải", ông Việt phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020 vừa tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 22 và 23/10. Phát biểu của ông Việt cho thấy, các chuyên gia công nghệ chỉ đánh giá cao các giải pháp GTTM có hiệu quả, cần phải có những giải pháp khác hỗ trợ.

Hiện Việt Nam có hơn 4,3 triệu chiếc xe hơi và 63 triệu xe máy. Riêng ở TP.HCM, số phương tiện tính đến tháng 5/2020 là 8 triệu chiếc, trong đó gần 800.000 chiếc xe hơi, còn lại là xe máy; chưa kể lượng xe hơi và xe máy vãng lai từ các tỉnh lân cận.

Nhưng, trước hết, theo ông Lâm, phải tháo gỡ từng nút các thủ tục ban đầu về mặt chính sách. Trước hết, đó là ban hành "khung kiến trúc và tiêu chuẩn kỹ thuật". Ông Lâm cho biết, khi TP.HCM triển khai hệ thống iTS (ứng dụng công nghệ thông tin vào giao thông - PV) là việc chưa có tiền lệ. Khung quy chuẩn kiến trúc chưa có, phải tham khảo mô hình của các thành phố khác trên thế giới. 

"FPT IS và Viettel giỏi về công nghệ nhưng muốn đặt hàng theo nhu cầu, phải có sự kết nối giữa các chuyên gia công nghệ và giao thông mới triển khai được", ông Lâm nói. Ông Lâm còn than phiền: "Công nghệ thông tin thay đổi rất nhanh nhưng nếu trình tự thủ tục vẫn như các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, việc mất thời gian sẽ làm lạc hậu công nghệ đã lựa chọn trong dự án".

Giao thông thông minh, còn lắm nhiêu khê - Ảnh 3.

Giao thông mất cân đối, cần một giải pháp điều tiết hợp lý. Ảnh: Mai Nguyên

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Trung tâm Smartcity (VinSmart) cho biết, hiện nay TP.HCM có tiêu chuẩn riêng về camera nhưng muốn tích hợp tất cả các dữ liệu về giao thông trong tương lai, Bộ GTVT cần có tiêu chuẩn chung trên toàn quốc. Ông Công cho biết thêm, hiện VinSmart tự nghiên cứu và sản xuất camera AI (trí tuệ nhân tạo), sau đó dùng dữ liệu nội bộ để "đào tạo" sẽ có hiệu quả hơn mua sắm các loại camera bên ngoài.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa ở VN là 37%. Rất nhiều công trình mọc lên nhưng hạ tầng giao thông không phát triển tương ứng. Là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào xe máy... Đó là những thách thức, hay nói cách khác, là rào cản để giải pháp GTTM thực sự có giá trị trong đời sống đô thị. Nhiều chuyên gia công nghệ còn chia sẻ, vấn đề giao thông đô thị ở Việt Nam phải gỡ từng bước, từng nút... chủ yếu là "bằng tay"!

Theo Thế Giới Tiếp Thị ( )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem