Theo ông Lâm Thiếu Quân - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong, nếu mở rộng diện tích dành cho giao thông sẽ rất tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi giải phóng mặt bằng, đồng thời gây ùn tắc cục bộ. Trong khi tổ chức và quản lý bằng ITS, chi phí đầu tư thấp hơn, thời gian triển khai nhanh, không cần giải phóng mặt bằng. Hệ thống ITS đã được nhiều nước thực hiện thành công nên TP.HCM có thể học hỏi và áp dụng nhanh. Đặc biệt, ITS có thể dùng chung cho quản lý tín hiệu giao thông, điều hành vận tải hành khách công cộng, giám sát xử phạt vi phạm giao thông...
Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần xây dựng giao thông thông minh để giảm ùn tắc. ảnh: H.K
TS Bùi Hữu Phú (Viện Cơ học Ứng dụng) cũng cho rằng thành phố cần xây dựng trung tâm điều hành và quản lý ITS với việc thu thập thông tin, xử lý các chức năng hiển thị càng sớm càng tốt. “ITS sẽ cho phép phân tích hiệu quả thông tin thu thập được từ máy dò xe, camera quan sát, qua đó thực hiện kiểm soát giao thông, cung cấp thông tin cho người sử dụng đường bộ qua CMS, web, điện thoại di động…” - ông Phú nói.
Về điều này, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết giai đoạn 2011 – 2015, thành phố đã đầu tư hơn 300 camera phục vụ giám sát và điều tiết giao thông; 48 bảng thông tin điện tử trên các tuyến đường trọng điểm, đồng thời đã phát triển giải pháp bản đồ số, xây dựng dữ liệu tập trung, thí điểm thu phí tự động... Đây được xem là các tiền đề phát triển ITS tại TP.HCM.
Tuy vậy, ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định, sau năm 2020, Sở mới xây dựng được Trung tâm ITS làm “trái tim” của toàn bộ hệ thống giao thông thành phố. Trước mắt, từ nay đến năm 2017, Sở sẽ nâng cấp và tích hợp các hệ thống điều khiển, giám sát, quản lý giao thông thông minh với hơn 300 chốt giao thông trên 78 tuyến đường trọng điểm; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS phục vụ quản lý, khai thác hạ tầng giao thông, mở rộng hệ thống kiểm tra tải trọng xe tự động, triển khia thu phí tự động, áp dụng vé điện tử cho xe buýt...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.