dd/mm/yyyy

Giàu nhờ nuôi ong, không quên trả nợ rừng

Nhờ phát triển nghề nuôi ong nội dựa trên nguồn hoa bạc hà bạt ngàn trên vùng cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, anh Vừ Sáu Pó, thôn Há Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn) đã rút được tên mình khỏi danh sách hộ nghèo.

Không quên những ngày tháng khó, không quên giá trị của loài hoa bạc hà và sự cần mẫn của loài ong, năm nào anh cũng tình nguyện trích một chút lợi nhuận cho quỹ thôn để cùng mọi người bảo vệ nguồn hoa và đàn ong mật.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và nông dân các địa phương thăm mô hình nuôi ong của anh Pó.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và nông dân các địa phương thăm mô hình nuôi ong của anh Pó.

Hành trình thoát nghèo

Vừ Sáu Pó gây ấn tượng với chúng tôi bởi cách nói chuyện chân thật, cởi mở như tính cách vốn có của người Mông nhưng khi bàn đến chuyện làm ăn, anh vô cùng nghiêm túc. Nhưng dù vậy, để đạt được thành công như hôm nay, anh cũng trải qua khá nhiều khó khăn. Do không có vốn, không lựa chọn và xác định được cách phát triển kinh tế để tạo nguồn thu nhập nên gia đình anh luôn thuộc diện “nghèo bền vững” của thôn. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào 0,5ha trồng ngô, vì vậy, chuyện thiếu đói những tháng giáp hạt là điều không thể tránh khỏi, có năm nhà anh đói tới... 3 tháng.

Bước ngoặt đến với gia đình anh vào năm 2010, khi thấy trên địa bàn xã có một số gia đình có thu nhập khá từ nghề nuôi ong nội trên cơ sở tận dụng nguồn hoa bạc hà có sẵn ở địa phương, anh Pó nảy sinh ý định đầu tư nuôi ong để cải thiện cuộc sống gia đình. Khắp những triền đá tai mèo của cao nguyên đá Đồng Văn, cây bạc hà mọc nhiều vô kể, như một món quà thiên nhiên ban tặng cho nơi này nhưng thời điểm đó, số hộ nuôi ong còn ít, lãng phí nguồn hoa. Theo thống kê, trên địa bàn xã Thài Phìn Tủng có khoảng 107ha hoa bạc hà và có thể nuôi từ 1.000 đàn ong nội địa phương trở lên.

Nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi, năm 2012, anh bắt đầu mua một số đàn ong về nuôi, số mật thu được vừa đủ số tiền bỏ ra ban đầu, nhưng hết vụ hoa bạc hà, do chăm sóc không tốt nên ong bỏ đi, bị bệnh hoặc chết do rét. Buồn nhưng không nản, để tìm hiểu nguyên nhân thất bại, Vừ Sáu Pó tìm đến các hộ nuôi ong đã thành công trên địa bàn xã để học hỏi kinh nghiệm.

Anh Vừ Sáu Pó (ngoài cùng bên trái) giới thiệu sản phẩm ong mật của gia đình.
Anh Vừ Sáu Pó (ngoài cùng bên trái) giới thiệu sản phẩm ong mật của gia đình.

Sau những thất bại ban đầu, anh Pó đã thuộc nằm lòng các kiến thức nuôi ong, đặc tính sinh trưởng của loài để có những điều chỉnh phù hợp trong chế độ chăm sóc. Từ năm 2013 đến 2015, năm nào anh cũng đầu tư nhân đàn, từ 20 – 50 đàn ong, sản lượng mật thu được từ 50 – 100 lít/vụ, mang lại cho gia đình nguồn thu từ 20 – 50 triệu đồng/năm. “Nhờ con ong nội và cây hoa bạc hà, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã”, anh Pó khoe.

Năm 2016, cơ hội để anh phát triển số lượng đàn ong đã đến. Theo đó, Vừ Sáu Pó được tham gia mô hình nuôi ong nội lấy mật theo phương thức đầu tư có thu hồi do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang và Trạm Khuyến nông huyện Đồng Văn triển khai thực hiện.

Tham gia mô hình, anh được nhận hỗ trợ 50 đàn ong, được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm bản thân từ những vụ nuôi ong trước, anh Pó đã thực sự làm chủ được quy trình từ nuôi ong đến khai thác mật, đặc biệt là đã nhận biết và phòng chống được hiện tượng ong bốc bay, biết cách nhân đàn, tách đàn để nâng số lượng đàn, biết cách chăm sóc ong trước, trong và sau khi khai thác mật.

“Sau một thời gian tham gia, tôi đã nhân thêm được 120 đàn ong, kết thúc vụ mật, gia đình tôi thu được 360 lít mật, bình quân đạt 4 – 6 lít/đàn với tổng thu 144 triệu đồng. Sau khi thanh toán 35 triệu

Tính đến năm 2016, tổng đàn ong của tỉnh Hà Giang đạt 34.093 đàn, sản lượng mật đạt 192,02 tấn. Nhờ đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ nên qua thống kê, rà soát năm 2016, tổng diện tích cây bạc hà tại 4 huyện vùng cao núi đá trên địa bàn tỉnh là 4.199,05ha.

đồng cho mô hình theo cam kết và trừ một số vốn đối ứng, tôi thu trên 70 triệu đồng. Năm 2017, gia đình tôi được vay vốn theo Nghị quyết 209 của Hội đồng nhân tỉnh Hà Giang thông qua ngân hàng với số vốn 200 triệu đồng, tương ứng với 200 đàn ong. Mật ong bạc hà vùng cao nguyên đá Hà Giang đã nổi tiếng cả nước, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nên chúng tôi không lo về đầu ra”, anh Pó cho biết.

Nuôi ong sành như chuyên gia

Bây giờ thì Vừ Sáu Pó đã trở thành một chuyên gia nuôi ong thực thụ ở Thài Phìn Tủng, bà con người Mông trong thôn bản vẫn tìm đến nhà anh để học hỏi kinh nghiệm. Ngoài việc đầu tư nhân đàn, anh cũng tích cực vận động bà con tham gia nuôi ong để có thêm thu nhập, kết hợp với khoanh nuôi, bảo vệ diện tích hoa bạc hà trên địa bàn.

Anh Pó chia sẻ, muốn nuôi ong thành công thì phải làm chuyên nghiệp ngay từ khâu chuẩn bị dụng cụ, vật tư cần thiết như: đường kính, phấn hoa để cho ăn bổ sung khi mùa hoa tàn; thùng, cầu, chân tầng, quản chúa, sáp, rọ chúa,... để chia tách đàn và các vật liệu để che chắn mưa, rét...

Đặc biệt, mùa đông trên vùng cao nguyên đá rất khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau nên phải chủ động che chắn kín gió, vệ sinh thùng ong sạch sẽ, phòng trừ bệnh hại, chăm sóc, nuôi dưỡng cho ong ăn bổ sung đường kính, phấn hoa, nước,... sao cho đúng quy trình. Khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài cần chủ động di chuyển đàn ong sang nơi có nhiệt độ cao hơn và có hoa rừng kết hợp nuôi dưỡng để đàn ong phát triển ổn định.

Thường xuyên kiểm tra các thùng ong, chủ động phát hiện và phòng chống hiện tượng ong bốc bay do bị đói, bệnh,... Lựa chọn những đàn ong khỏe mạnh phát triển tốt để tạo chúa nhân đàn, duy trì số lượng đàn. Theo anh Pó, căn cứ vào khung thời vụ nuôi ong trên địa bàn, từ tháng 4 đến tháng 8 là thời gian tốt nhất để phát triển đàn ong, nhân tạo đàn. Tháng 9 phải kiểm tra các thùng ong để nhập cầu yếu, tách cầu khỏe, duy trì 4 – 5 cầu ong trên thùng để tập trung khai thác mật. Đây là thời điểm khai thác mật tốt nhất trong năm vì ong có nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu ấm áp, thuận lợi cho đàn ong sinh sôi nảy nở.

Anh Pó cho biết, bảo vệ, chăm sóc diện tích cây hoa bạc hà là điều kiện tiên quyết để phát triển nghề nuôi ong nội ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Vì vậy, hàng năm sau khi kết thúc vụ mật, anh đều tự nguyện đóng góp một phần thu nhập từ mật ong cho thôn để bảo vệ hoa bạc hà, như một cách trả nợ ong rừng, cho loài hoa bạc hà mộc mạc. Số tiền này thôn sẽ cấp cho các hộ để bà con không chăn thả gia súc, không trồng các loại cây khác trong vùng có nhiều bạc hà, tích cực nhổ bỏ cỏ dại để cây bạc hà có không gian sinh trưởng phát triển.

Nhờ những tấm lòng hồn nhiên, dung dị như anh Pó mà vào mùa hoa (từ tháng 9, 10 hàng năm), bạc hà lại rộn ràng khoe sắc tím trên khắp các sườn đá tai mèo vùng cao nguyên đá, để đàn ong mang lại nguồn mật ngọt.

Bài, ảnh: Anh Thơ