Giờ là lúc cả thế giới hãy cùng nhau nhảy điệu "Cha cha cha"!

Quốc Phong Thứ hai, ngày 11/05/2020 06:54 AM (GMT+7)
"Nhảy điệu Cha cha cha" chỉ là cách nói vui cho việc: Vào lúc này, không cần phải chờ dịch bệnh Covid-19 đi qua, chúng ta hãy sẵn sàng nắm bắt 3 chữ C – Challenge, Chance, Change (Thách thức, Cơ hội, Thay đổi), để cùng cả thế giới bắt tay nhau khẩn trương bước vào phục hội sản xuất kinh doanh.
Bình luận 0

Nhiều nhà kinh tế thường nói rằng, cứ khoảng chục năm, thế giới lại có chuyện khủng hoảng kinh tế. Nó không còn là thứ bất ngờ nếu tìm hiểu kỹ thì đó gần như là một quy luật. Nhưng khủng hoảng Covid-19 lần này đã diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác, và đây có thể là cơ hội vàng để đất nước chúng ta làm tốt và bứt phá thật nhanh?

Năm nay chúng ta đang chứng kiến nguy cơ suy thoái kinh tế do đại dịch toàn cầu Covid-19 gây ra; năm 2007-2008 thì khủng hoảng tài chính toàn cầu và trước nữa, vào năm 1997 thì có cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á . 

Nguyên bộ trưởng bộ Công nghiệp, tiến sĩ Đặng Vũ Chư  vừa kể cho tôi nghe một câu chuyện khá thú vị khi ông được tháp tùng Thủ tướng Chính phủ  đi dự Hội nghị  Diễn đàn kinh tế Thế giới, vốn thường gọi là "Diễn đàn Davos" bởi nó được tổ chức hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ, nhưng năm 1997 thì lại diễn ra tại  Hong Kong bởi năm đó, châu Á bị khủng hoảng kinh tế nặng nề.

Ông Đặng Vũ Chư (người từng có 12 năm làm bộ trưởng, từ bộ trưởng Công nghiệp Nhẹ rồi sau đó sáp nhập 3 bộ làm một, gọi là Bộ Công nghiệp) nhớ lại : Có một nhà kinh tế nổi tiếng đăng đàn Hội nghị này và nói một câu rất vui rằng, sau lần gặp gỡ này, tất cả chúng ta có lẽ sẽ phải cùng nhảy điệu "Cha cha cha" để phát triển kinh tế trở lại.  Nhà kinh tế nổi tiếng bữa đó  có giải thích hóm hỉnh rằng , 3 từ có chữ "Ch" trong điệu nhảy của người châu Mỹ Latinh phải chăng được bắt nguồn từ 3 từ Challenge (thách thức), Chance (cơ hội), Change (thay đổi)?

Mọi người có mặt bữa đó đều vui vẻ cười vui với nhau và cũng không ít người đàm đạo bên hành lang hội nghị cũng cho rằng, có lẽ cũng cần phải như vậy để xốc lại nền kinh tế khu vực.  Cũng tại Diễn đàn này, người ta đã giành nhiều thời gian để bàn đến Internet và cho rằng, bắt đầu từ đây, thế giới sẽ phát triển đầy bất ngờ bởi ngành công nghiệp máy tính sẽ phát triển cực nhanh cùng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mà con người ta khát khao vươn tới...

Thế giới đã đi đúng con đường như vậy tuy rằng có nước phát triển nhanh và có nước phát triển chậm. 

Giờ là lúc cả thế giới hãy cùng nhau nhảy điệu "Cha cha cha"! - Ảnh 2.

Với việc chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu từ cuối năm 2019, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ít chịu tác động của dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Vừa rồi, tác giả bài viết này có theo dôi chuyện chúng ta cần cân nhắc ra sao giữa cho xuất khẩu gạo hay không cho xuất, để bảo đảm an ninh lương thực nhưng vẫn an toàn. Tôi thấy khó có thể tin sao lại như vậy vào thời điểm này. Một quốc gia được xem là phát triển tốt và tích cực, hiệu quả về công nghệ số như ở Việt Nam, thì không thể có câu chuyện buồn lòng khi trụ sở bộ Công Thương  cách Tổng cục Hải quan chỉ có trên 9 km đường nội thành mà chiếc phong bì đựng công văn trao đổi khẩn công việc xuất khẩu gạo phải đi 4 ngày 3 đêm mới đến nơi! Trong khi Chính phủ luôn yêu cầu mọi công việc phải rốt ráo,"chống dịch phải được xem như chống giặc".

Cuối tháng Ba vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng , Bộ trưởng bộ Thông tin Truyền thông có nói đến một vấn đề rất hay sau những gợi ý của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thời cơ và thách thức kinh tế, xã hội nước nhà hậu Covid 19 từ nền tảng công nghệ số. 

 Ông Bộ trưởng cho rằng đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia. Các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ theo cách cũ. Tất cả chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cho cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục.

"Lĩnh vực ICT nhận về mình một sứ mệnh mới, sáng tạo các giải pháp công nghệ số, học tập và làm việc phân tán để duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, nhằm giúp chống dịch thành công, cũng như giảm tối đa suy thoái kinh tế, và sau dịch là bứt phá vươn lên"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ .

Theo Bộ trưởng,Việt Nam chúng ta có thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số có năng lực, có tiềm lực, có đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp công nghệ số rất sáng tạo.

Các doanh nghiệp này đang chuyển hướng"Make in Vietnam", sáng tạo các sản phẩm Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số. "Chúng ta có thể tự hào nói rằng, hầu hết các sản phẩm hỗ trợ chuyển đổi số đều có thể do các doanh nghiệp số Việt Nam phát triển", Bộ trưởng tự tin nhận định .

Năm 2020 đã được Bộ TT&TT tuyên bố là năm chuyển đổi số quốc gia, để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, một xã hội số. Hiện tại, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, dự thảo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được Bộ TT&TT hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Vậy liệu có nên xem đây là cơ hội vàng để đất nước chúng ta làm tốt và bứt phá thật nhanh? Tôi nghĩ là rất đúng thời cơ sau nhiều năm, tuy có thực hiện nhưng chưa thật mạnh mẽ. Ví dụ, ngành  giáo dục  xem ra có phần chậm chạp khi đưa ra những quyết định học tập cho học sinh, sinh viên như thời gian vừa rồi.

Phải chăng các ngành nghề , các mặt công tác trong xã hội như một con người đang bước đi những bước chậm rãi, nay cần có "một cây roi công nghệ"quất thật mạnh  cho lồng lên. Và điều này là cực kỳ cần thiết lúc này trong quá trình phục hồi sau dịch.

Theo các chuyên gia, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia sau khi được Chính phủ phê duyệt, triển khai sẽ mang lại nhiều hiệu quả lớn. Dự thảo Chương trình đã đề xuất 3 trụ cột của chuyển đổi số, đó là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, khi phát triển Chính phủ số, cơ quan nhà nước sẽ đổi mới toàn diện phương thức quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, hướng tới hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Khi phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải có chiến lược và cách tư duy mới để cải tổ doanh nghiệp, hướng tới tăng năng suất lao động, tạo ra doanh thu mới, giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Và khi phát triển xã hội số, người dân sẽ thay đổi phương thức sống, làm việc, được thụ hưởng các dịch vụ, tiện ích xã hội nhờ công nghệ số và không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong giai đoạn chống đại dịch hiện nay, hàng loạt các dịch vụ số được cung cấp nhanh chóng, kịp thời góp phần giúp người dân khắc phục các khó khăn trong cuộc sống, điển hình là các dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, cung cấp dịch vụ công. Những gì làm được trong đợt dịch này đã tạo đà thúc đẩy, để chúng ta thay đổi mạnh mẽ.

Có một nhà khoa học từng đoạt giải Nobel có sang tham và làm việt tại nước ta khoảng đầu những năm 2000. Ông ấy đã giành một buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam và có nói một ý rất hay: Nếu muốn chinh phục thế giới,ngoài kiến thức được học, các bạn cần trang bị cho mình chiếc máy điện thoại thông minh cùng vốn liếng tiếng Anh thật tốt. Vậy là đã giúp các bạn có thể chinh phục được cả thế giới.

Đến nay thì chiếc điện thoại thông minh đã quá đỗi bình thường, quá đỗi đương nhiên. Nhưng giấc mơ chinh phục thế giới dường như vẫn chậm chạp, chưa xứng với tiềm năng một quốc gia 100 triệu dân có thể có.

Vậy thì vào lúc này, không cần phải chờ dịch bệnh đi qua, chúng ta hãy sẵn  sàng nắm bắt 3 chữ C – Challenge, Chance, Change (Thách thức, Cơ hội, Thay đổi), để cùng cả thế giới bắt tay nhau nhảy điệu nhảy " Cha cha cha"!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem