Giỗ Tổ nghề hát xẩm 2013: Lo cho những người đang “giữ lửa”

Thứ tư, ngày 03/04/2013 08:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tri ân tổ nghề, tưởng nhớ người hát xẩm Hà Thị Cầu, nhìn lại những năm phục hồi xẩm đã qua và nghĩ chuyện xẩm “đường xa lắm nỗi” ngày mai..., nhiều người yêu xẩm đã cùng chia sẻ nỗi bồi hồi, thương tiếc và hy vọng.
Bình luận 0

Nhiều người trẻ hát xẩm

Ngày giỗ tổ nghề lại đến trong niềm thành kính của các chuyên gia, nghệ sĩ, những người đang trả “món nợ xẩm” lỡ mang từ một thuở nào đó. Sáng 2.4 (22.2 âm lịch), tại đình Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội, có chương trình của Trung tâm Nghiên cứu phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Đến chiều, tại đình Kim Ngân quận Hoàn Kiếm, Nhóm xẩm Hà thành tổ chức giỗ tổ với sự tham gia của đông đảo đại biểu, dân chúng. Tại đây cũng đang trong dịp hội lễ mừng đình được xếp hạng di tích quốc gia nên các nhóm xẩm được “hưởng” một không gian trang trí rực rỡ.

img
Các nghệ sĩ trẻ của trung tâm biểu diễn bài “Mục hạ vô nhân”.

Có những tín hiệu vui từ dàn nghệ sĩ trẻ đang học hỏi, hoạt động tại trung tâm. Trong đó nhiều học viên đã trưởng thành hơn so với hồi đầu đăng ký những lớp xẩm dành cho công chúng. Lực lượng này có sinh viên các trường nghệ thuật hoặc đang học tập, công tác trong các ngành khác. Nhiều người trở thành lớp kế cận tốt cho sân khấu ngoài trời bên chợ Đồng Xuân các dịp cuối tuần.

GS-TS Phạm Minh Khang lạc quan: Chúng tôi tự hào với nhiều cuộc biểu diễn trên phố đi bộ, tại một số trường đại học và trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Hai năm qua, trung tâm phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế đang đào tạo 16 sinh viên. Các em hát xẩm cũng như đàn, hát một số môn cổ nhạc khác với chất lượng thi tốt.

Thể hiện loạt bài xẩm đặc sắc “Ngãi mẹ sinh thành”, “Cái trống cơm”, “Giăng sáng vườn chè”, “Nhị tình”, “Dứa dại không gai”, “Mục hạ vô nhân”, “Thập ân” cùng bài xẩm lời mới “Chơi xuân giữa chốn tang bồng”, các nghệ sĩ trẻ của Nhóm xẩm Hà thành gợi thêm những kỳ vọng cho sự lan toả của xẩm. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết, nhóm sẽ đề nghị với chính quyền quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý phố cổ… về việc biểu diễn mỗi tháng 1 buổi tại đình Kim Ngân. Theo nhạc sĩ Quang Long, nếu thuận lợi, với các chương trình biểu diễn tinh lọc, đàn hát kết hợp với giao lưu, giới thiệu về xẩm, chắc chắn nhiều khán giả trẻ sẽ tìm đến.

Nhớ tiếc cụ Cầu

Dâng hương, tri ân tổ nghề Trần Quốc Đĩnh, ngày lễ năm nay có thêm phút mặc niệm và hát tưởng nhớ NSƯT, Nghệ nhân tài danh Hà Thị Cầu vừa khuất bóng. Phút mặc niệm cụ tại đình Hào Nam, giọng của cụ lại vang lên, một đoạn bài xẩm “Dạt nước cánh bèo”. Lời ca, giọng hát ngậm ngùi, lênh đênh và buồn thương như chính cuộc đời người hát.

Một số chuyên gia, nghệ sĩ cũng chia sẻ, thời gian trước, mọi người đã có nhiều dịp về Ninh Bình gặp gỡ, ghi âm, học hỏi từ cụ Cầu những bài bản, làn điệu. Nhưng vẫn còn nhiều việc chưa kịp làm và không thể làm được nữa. Nhạc sĩ Thao Giang tâm sự, tiếc nhất là chưa ghi, chưa hỏi cho thật cặn kẽ để hiểu rõ hơn về kỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn của cụ. Và đương nhiên, cũng day dứt mãi mà không làm được gì hơn về cảnh ngộ của cụ, thiếu thốn đến tận lúc ra đi.

“Cần nhất bây giờ là các ngành chức năng có chế độ bồi dưỡng cho các cụ, chăm sóc chuyện sức khoẻ, hỗ trợ đời sống sinh hoạt, và có các chương trình ghi âm, ghi hình, khai thác vốn liếng còn lại từ các cụ để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập, truyền bá xẩm”.

Những day dứt ấy, thực tế đã được dư luận cùng băn khoăn từ nhiều năm, cùng lên tiếng kiến nghị Bộ VHTTDL và địa phương chú ý hơn đến việc bồi dưỡng, trợ cấp, giúp đỡ cho cụ. Nhưng day dứt, băn khoăn nay thảy đều hoà thành nỗi ngậm ngùi. Làm sao để trên hành trình trở lại của xẩm, không còn nữa những ngậm ngùi như thế!

Còn một số nghệ nhân khác cũng đã già yếu, chưa có dịp được ghi nhận xứng đáng với công sức cả đời giữ xẩm. Và những người trẻ đang truyền giữ xẩm hôm nay, trong những nét mặt tươi cười, sau những niềm phấn khởi đón người đến nghe xẩm, vẫn là những lo toan. Nào lo tìm tòi, phát triển lời mới cho xẩm, lo địa điểm biểu diễn. Thậm chí lo cả việc vận động tài trợ, sao cho mỗi lần biểu diễn không cần thu lợi, mà hoà được “vốn” thuê thiết bị âm thanh, ánh sáng… cũng đã rất mừng rồi!

Hy vọng những người nhiệt tình bỏ thời gian, công sức và cả kinh phí riêng ra để đưa xẩm đến với công chúng, sẽ không phải tự lo lâu hơn nữa. Bộ VHTTDL, TP.Hà Nội, các tổ chức, quỹ văn hoá… có thể hành động gì để nâng cánh cho họ và cũng là cho nghệ thuật hát xẩm?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem