Giới chuyên môn quốc tế đánh giá phim "Mai" của Trấn Thành nhạt, phí thời gian
Phim "Mai" của Trấn Thành bị chê bai thậm tệ khi xuất ngoại công chiếu
Thủy Vũ
Chủ nhật, ngày 31/03/2024 07:30 AM (GMT+7)
Chuyên trang phim ảnh IMDb.com bày tỏ thất vọng về bộ phim “Mai” của Trấn Thành. "Kịch bản lỏng lẻo và tệ hại” là những lời phê bình nặng nề dành cho phim.
Theo hiển thị của đơn vị quan sát phòng vé toàn cầu Box Office Mojo, "Mai" của đạo diễn Trấn Thành hiện thu về hơn 22,1 triệu USD sau khi công chiếu tại 154 rạp ở Bắc Mỹ và tại châu Âu, đứng thứ 16 về doanh thu các phim phát hành năm 2024 trên toàn thế giới.
Khán giả nước ngoài nói gì về phim Mai?
Sau khi phim Mai lập kỷ lục phòng vé Việt Nam với 550 tỷ đồng, Trấn Thành tiếp tục đem "đứa con" của mình qua một số nước như Mỹ, Đức, Anh, Na Uy để trình chiếu.
Theo chia sẻ của Trấn Thành, Mai đã nhận về ý kiến đầu tiên trên chuyên trang đánh giá phim nổi tiếng Rotten Tomatoes, từ Avi Offer, thành viên của New York Film Critics Online.
"Phương Anh Đào mang đến lối diễn nhiều sắc thái và cảm động tạo nên sự chân thực cho bộ phim. Cô và Tuấn Trần có sự ăn ý với nhau nên có thể cảm nhận được sự gắn kết giữa Mai và Dương khi hai nhân vật bắt đầu quen nhau.
Kỹ thuật quay phim rất tinh tế với phần âm nhạc được lựa chọn rất kỹ lưỡng, không làm khó chịu, ngột ngạt. Hơn nữa, nhịp phim vừa phải, cho phép màn trình diễn của toàn bộ dàn diễn viên tỏa sáng rực rỡ.Mai là một trong những câu chuyện tình yêu chân thực, say mê và mạnh mẽ nhất kể từ phim Past Lives".
Ngoài ra, một số khán giả ở nước ngoài cũng bày tỏ cảm xúc khi xem Mai.
Khán giả Vũ Anh Phương, cùng chồng là người nước ngoài sống ở bang Indiana nhận xét rằng: "Trước khi đi tôi cũng dặn chồng là đừng kỳ vọng chất lượng phim được như điện ảnh Mỹ (có hàng trăm năm phát triển trước điện ảnh Việt Nam), nhưng thực sự là khi xem tôi khá bất ngờ vì phim rất hay từ nội dung, cách xây dựng nhân vật, đến bối cảnh. Tôi thì thấy quá tự hào về phim Việt, và đang hối thúc nhà chồng mình đi xem. Chồng tôi thì thấy hay hơn phim Crazy Rich Asians".
Khán giả Việt ở nước ngoài bày tỏ cảm xúc khi xem Mai. Ảnh: Chụp màn hình
Khán giả Trinh Võ sống tại Canada nhận xét: "Không rầm rộ như ở Việt Nam và Mỹ. Rạp chiếu phim Mai ở Vancouver, Canada khá là yên tĩnh. Nhưng đối với tôi không màng đến chuyện đông người hay vắng người, cuối cùng tôi cũng có thể xem được phim này mà không cần phải bay về Việt Nam.
Cảm giác được xem phim của Việt Nam bằng tiếng Việt, phụ đề tiếng Anh trên một đất nước lớn nhất nhì thế giới kiêu hãnh lắm mọi người. Ai là mẹ đơn thân thì thử đến xem phim này một lần đi. Bảo đảm, cảm xúc của bạn sẽ dâng lên đỉnh điểm vì thấy hình ảnh của mình ở đâu đó trong phim".
Tuy vậy, phim Mai vẫn nhận về những ý kiến đánh giá không mấy tích cực. Một trong số đó là ý kiến của khán giả trên chuyên trang phim ảnh IMDb.com bày tỏ sự thất vọng về bộ phim.
"Kịch bản lỏng lẻo và tệ hại. Cảm thấy giống như một câu chuyện cổ tích và không thực tế. Diễn xuất ở mức trung bình. Không có gì đặc biệt về câu chuyện và các nhân vật. Bạn có thể xem những thể loại này rất nhiều trong những bộ phim tầm thường ở Hàn Quốc hoặc bất cứ đâu.
Không biết tại sao nó lại có thể lọt top hit ở Việt Nam, có lẽ chỉ vì đạo diễn là một trong những MC được yêu thích nhất nhưng đây là phim thì chúng ta cần nhìn vào câu chuyện và diễn xuất. Đừng lãng phí thời gian của bạn vào việc này. Hãy đi xem một số bộ phim truyền hình Hàn Quốc hoặc thứ gì đó khác sẽ hay hơn xem bộ phim này. Mong khán giả Việt Nam xem phim nước ngoài nhiều hơn để có góc nhìn tốt hơn, giữ tiêu chuẩn cao hơn thế này".
Một nhà sản xuất phim gốc Việt, từng tham gia bom tấn truyền hình Euphoria cũng đã đăng bài viết nhận định về chất lượng của Mai. Cụ thể, người này nhận xét: "Mai lập kỷ lục phòng vé Việt không phải không có lý do. Phải công nhận Trấn Thành hiểu thị hiếu khán giả Việt, do vậy biết cách viết lời thoại hài hước, khiến người xem bật cười, xây dựng một câu chuyện không quá phức tạp, dễ tiêu hoá để tiếp cận được với mọi tầng lớp khán giả. Đây là cái tài của Trấn Thành, không thể vì thị phi mà phủ nhận. Chất lượng hình ảnh cũng ổn hơn nhiều phim Việt Nam trước đây, và dàn diễn viên diễn tự nhiên là điểm cộng lớn của phim. Khán giả cảm mến được nhân vật đã là một xuất phát tốt.
Tuy nhiên, xét về cả kịch bản lẫn kỹ thuật, Mai hoàn toàn không có gì đặc sắc, không có chất riêng. Đề tài đồng tiền và tình yêu không mới lạ chút nào với điện ảnh Việt, càng không đối với thế giới. Tình cảm của hai nhân vật cũng không có gì sâu sắc, có vẻ giống sự tình cờ hơn là một kết nối mang tính định mệnh. Nói chung là hoan nghênh tinh thần làm phim của Trấn Thành, nhưng Mai chưa đủ để "ra thế giới". Khán giả đi xem phim sẽ đa phần là người Việt ở nước ngoài và người yêu ngoại quốc của họ. Khán giả Việt sẽ cười và "cảm" đôi chút, chứ các đối tượng từ các nền văn hoá khác sẽ thấy Mai nhạt và phí thời gian".
Theo đại diện 3388 Films - đơn vị phát hành Mai tại Mỹ, tác phẩm đạt cột mốc mới khi phát hành ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu cuối tuần qua (22-24/3), quy mô gần 200 rạp chiếu. Doanh thu Mai chủ yếu tại Mỹ và Canada với 917.000 USD (22,7 tỷ đồng).
Tại Anh, Pháp, Đức và một số nước, phim đạt 133.000 USD (gần 3,3 tỷ đồng). Trước ngày ra rạp ở các khu vực này, Mai đạt 500.000 USD (12,4 tỷ đồng) cho lượng vé bán trước. Doanh thu ra mắt ở thị trường nước ngoài của Mai vượt xa các phim Việt trước đây, trong đó có hai tác phẩm của Trấn Thành như Bố giàhay Nhà bà nữ.
Việc các bộ phim Việt xuất ngoại ra nước ngoài đúng là đã trở nên phổ biến như hiện nay, mặc dù mức độ cạnh tranh với phim quốc tế là gần như không thể nhưng theo nhiều chuyên gia, đây vẫn được coi là tín hiệu đáng mừng, dù cho vẫn còn gặp phải nhiều rào cản.
Ông Thiên A. Phạm, Giám đốc Công ty 3388 Films, nhà phát hành Mai ra hải ngoại nhận định: "Chúng tôi đang mở ra những tiềm năng chưa được khai thác của thị trường nội địa Mỹ cho phim Việt, những con số này hoàn toàn đáng khích lệ không chỉ cho phim Việt mà tất cả các phim độc lập, quốc tế khác. Chúng tôi thấy có động lực để tiếp tục tạo ra các thị trường mới trong nội địa Mỹ để các phim tiếp cận nhiều khán giả hơn".
Ngoài ra ông cũng nói thêm rằng: "Để phim Việt có thể đi xa thì cần cả hai yếu tố: nâng cao chất Việt trong phim và quốc tế hoá phim Việt. Để đạt được hai điều này, theo tôi có 3 yếu tố quan trọng: câu chuyện, thể loại phim và đối tượng khán giả. Nhà sản xuất cần tin tưởng và chọn đúng nhà phát hành để đưa phim của họ ra toàn cầu, còn nhà phát hành cần can đảm và chấp nhận mạo hiểm để mở ra thị trường mới cho phim Việt".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.